Bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 262 là nam làm việc tại Bộ phận Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam thực sự là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp lớn và khu công nghiệp.
Liên quan đến Bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Công ty TNHH SamSung, cơ quan chức năng đã phong tỏa 1 phân xưởng, cách ly hàng trăm người. Bệnh nhân số 262 là nam, là nhân viên làm việc tại Bộ phận Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam. Ngày 27/3, bệnh nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân 254 (là bác). Từ ngày 7/4, nhân viên này đã không đi làm và cách ly tại nhà.
Đến 6h sáng 13/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu cách ly bắt buộc khoảng 40 người được xác định là F1, có tiếp xúc gần với bệnh nhân trên. Đồng thời, yêu cầu hàng trăm công nhân tại phân xưởng, những người đi cùng xe với người bệnh cách ly tại chỗ, tuyệt đối không di chuyển đến các địa phương khác.
Samsung Display bắt đầu đầu tư tại Việt Nam vào năm 2014, với quy mô 1 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, đã quyết định tăng vốn lên 4 tỷ USD và hiện tại là 6,5 tỷ USD. Đây là dự án chuyên sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của Samsung, để cung cấp cho các nhà máy thiết bị di động của Samsung tại Việt Nam cũng như để xuất khẩu.
Samsung nói riêng và các doanh nghiệp lớn nói chung cũng như các khu công nghiệp là nơi tập trung lượng lớn lao động và tiếp xúc đông người. Nếu không kiểu soát và khống chế hiệu quả thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Nâng cao ý thức của người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp và thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Chính phủ là yêu cầu cấp thiết lúc này.
Trước đó, UBND TP. HCM thống nhất quan điểm việc tạm ngưng sản xuất ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam trong 3 ngày (từ 13 đến 15-4) là cần thiết và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tối 11-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân).
Công ty PouYuen Việt Nam có quy mô rất lớn với khoảng 70.000 lao động, làm việc 3 ca (có ca đêm), hằng ngày trên 800 xe đưa rước công nhân nên không đáp ứng được chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo UBND TP, trường hợp nếu dịch bệnh xảy ra tại đây, hậu quả sẽ vô cùng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân ở các doanh nghiệp lân cận và 4 tỉnh gần TP là Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Tây Ninh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID- 19 TP.HCM ra quyết định ban hành bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại doanh nghiệp trên địa bàn TP, gồm 10 chỉ số thành phần.
Theo bộ chỉ số, doanh nghiệp sẽ được chấm theo thang điểm tối đa 10 điểm cho mỗi chỉ số thành phần tương ứng với mức độ rủi ro cao nhất, 1 điểm tương ứng với mức độ rủi ro thấp nhất. Cách tính điểm là lấy điểm cộng của 10 chỉ số thành phần chia cho 100.
Nếu chỉ số điểm bằng 10% đồng nghĩa với rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được hoạt động. Chỉ số dưới 30% thì được đánh giá là rủi ro thấp, doanh nghiệp được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở chỉ số thành phần nào cao nhất.
Từ 30% đến dưới 50%: rủi ro lây nhiễm trung bình. Doanh nghiệp có thể được phép hoạt động với điều kiện không có chỉ số thành phần nào từ 7 điểm trở lên.
Từ 50% đến dưới 80%: rủi ro lây nhiễm cao, phải có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động. Từ 80% đến 100%: rủi ro lây nhiễm rất cao, doanh nghiệp không được hoạt động.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định bộ tiêu chí là công cụ rất quan trọng để lượng hóa, chấm điểm, đánh giá về rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất. Bí thư Nhân yêu cầu căn cứ bộ chỉ số, các quận huyện phải cử người xuống rà soát, chấm điểm các doanh nghiệp.
"Nếu nơi nào có nguy cơ cao phải tìm cách giảm nguy cơ mới sản xuất được. Chẳng hạn phải giãn cách công nhân, giảm số lượng công nhân... Đó là nhiệm vụ trọng tâm trong tuần này" - Bí thư Nhân chỉ đạo.