Người mua đất của Công ty Alibaba: Mong manh hi vọng, mòn mỏi đợi tiền

19/10/2019 08:15

 Không ít khách hàng mua đất của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba là công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị. Họ đã dốc sạch tiền vào các lô đất tại các dự án ma, không biết ngày nào mới đòi lại được.

 Không ít khách hàng mua đất của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba là công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị. Họ đã dốc sạch tiền vào các lô đất tại các dự án ma, không biết ngày nào mới đòi lại được.

Người mua đất của Công ty Alibaba: Mong manh hi vọng, mòn mỏi đợi tiền

Tòa nhà trụ sở của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM

Tiền qua cửa sổ

Văn ngồi trong căn phòng trọ ọp ẹp rộng khoảng 10m2, lấy ra hai bản hợp đồng mua đất với Công ty Alibaba: một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một hợp đồng quyền chọn. Hai bản hợp đồng ký từ đầu năm nay, Văn đã đóng vào đó hơn 300 triệu đồng, chia thành 8 đợt, liên tục trong hơn 6 tháng. Văn vừa đóng xong thì Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch Công ty Alibaba, bị bắt vì cáo buộc lừa đảo.

- “Đen”, Văn chép miệng.

Lô đất Văn mua từ Công ty Alibaba rộng 100m2, nằm ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hợp đồng quyền chọn mà Alibaba đưa ra cho Văn ký có 4 quyền chọn khác nhau. Văn chọn quyền chọn thứ 3 – Công ty Alibaba thu mua lại với lợi nhuận 38% sau 15 tháng. Văn tính toán rằng sẽ kiếm được phần lãi này để bù cho khoản làm ăn thua lỗ khi trước.

Nhưng người tính không bằng trời tính, Công ty Alibaba sập, còn 10 năm vật lộn làm công nhân ở TP. HCM của Văn coi như tiêu tan. Hai bản hợp đồng được kỳ vọng sinh lãi, một sớm chiều bỗng hóa thành giấy lộn. Văn chán nản, xin nghỉ làm, nằm lì ở phòng trọ suốt mấy hôm.

Cùng cảnh ngộ với Văn là Duy, quê Thái Bình, sống gần chợ đầu mối Thủ Đức. Duy, 38 tuổi, đã có vợ và một cô con gái học lớp 1. Cách đây hơn một năm, Duy mua một lô đất rộng 150m2 với giá hơn 400 triệu đồng tại “dự án” Tân Thành 1 của Công ty Alibaba.

Không giống người khác mua đất để lướt sóng kiếm lời, Duy mua đất để ở. Duy tính lô đất 150m2 có thể xây 5 – 7 phòng trọ, chi phí xây từ 40 – 50 triệu đồng/phòng, cho thuê với giá 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng, Duy có thể thu được 6 triệu đồng.

“Mình sẽ vay ngân hàng để xây nhà trọ, trừ lãi ngân hàng mỗi tháng 2 triệu đồng, mình vẫn có dư 4 triệu đồng”, Duy nhẩm tính và dự định đầu năm sau sẽ dời cả gia đình về đó ở.

Nhưng dự định đổ bể khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt. Trong căn phòng dựng bằng ván ép trên mảnh đất thuê ven quốc lộ để buôn cây cảnh, Duy cười phá lên: “Còn chưa kịp khoe với ai là mình có mảnh đất đấy, tháng trước ông bà vào đây chơi mình đã kịp khoe đâu”.

Cười vậy thôi chứ Duy nói vừa đi châm cứu về. “Căng thẳng quá, mất ăn, mất ngủ”, Duy trầm giọng giữa tiếng xe container chạy ầm ầm trên quốc lộ.

Những người như Văn hay Duy không phải là hiếm ở TP. HCM. Thống kê cho thấy Công ty Alibaba đã có giao dịch đất đai với hơn 6.700 khách hàng, tổng số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng.

Không ít khách hàng của Alibaba là công nhân, người có thu nhập thấp ở đô thị, tài sản tích lũy chỉ khoảng vài trăm triệu đồng. Nhân viên của Alibaba cũng chiếm một phần đáng kể trong con số 6.700 khách hàng bị nói trên.

Trương Thịnh, giám đốc sàn của một công ty trong hệ thống Alibaba, nói rằng rất nhiều nhân viên của công ty này mua đất, ít nhất là một lô (Alibaba có hàng nghìn nhân viên bán hàng). Bản thân Thịnh cũng ôm tới 6 lô, tổng cộng đã ném vào đó tới 1,3 tỷ đồng.

“Có nhiều người mới mua hôm trước, kêu ba mẹ, anh chị em vào mua, đóng cả tỷ, mới được 2 ngày thì [công ty] banh luôn”, Thịnh kể.

Hi vọng mong manh

Từ ngày Nguyễn Thái Luyện bị bắt, nhiều khách hàng mua đất của Công ty Alibaba rơi vào trạng thái hoang mang: tố cáo hay không tố cáo?

Văn nói cứ theo hợp đồng, còn hơn nửa năm nữa mới đến ngày đáo hạn, như vậy không biết Công ty Alibaba có lừa mình không. Giờ tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo, lỡ công an không chứng minh được Nguyễn Thái Luyện lừa đảo thì sao? Nhân viên Công ty Alibaba hôm đó thậm chí còn đưa một mẫu văn bản cho Văn, đề nghị viết cam kết không tố cáo công ty.

Nhưng suy nghĩ mấy ngày, Văn quyết định đi tố cáo. Công an đưa cho Văn mẫu đơn tố giác tội phạm. Văn viết xong rồi về. Từ bữa đó đến nay, Văn chỉ biết đợi và đợi.

Duy thì lắc đầu bảo xem như mất, dù rằng hợp đồng vẫn để cẩn thận trong tủ, như cất giữ một niềm hi vọng mong manh đòi lại được tiền.

Một giám đốc công ty bất động sản chia sẻ với VietnamFinance rằng về lý thuyết, người mua đất của Công ty Alibaba có thể đòi lại được một phần tiền, đó là khi tòa đã xử xong vụ án và phát mãi tài sản. Tuy nhiên, cơ quan điều tra có chứng minh được thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện không, tòa xử thế nào, người mua đất nhận lại được bao nhiêu, bao giờ được nhận thì… đợi hồi sau mới biết.

Văn, Duy đã lên văn phòng của Công ty Alibaba vào ngày sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt. Nhưng do không thu được thông tin hay kết quả gì nên từ bấy giờ, hai người cũng chẳng buồn lên đó nữa.

Văn phòng Công ty Alibaba nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM, ngay chân cầu Bình Lợi, trông ra sông Sài Gòn. Tòa nhà 7 tầng này đóng cửa im ỉm suốt nhiều ngày qua, chỉ có logo Địa ốc Alibaba trên nóc nhà là chỉ dấu cho thấy công ty này vẫn còn tồn tại trên đời.

Trương Thịnh bảo từ ngày Nguyễn Thái Luyện bị bắt, công ty đóng cửa, anh em bán hàng (sales) cũng trôi dạt hết, kẻ nghỉ việc, bỏ về quê, người nhảy sang công ty khác. Thịnh cũng dạt khỏi TP. HCM, xuống Bình Phước buôn đất kiếm sống và trả nợ. Công ty chết nhưng người vẫn phải sống, nhất là khi còn nhiều dự định như kinh doanh và cưới vợ.

Trụ sở Công ty Alibaba trên đường Kha Vạn Cân đã đóng cửa nhiều ngày qua

Một căn nhà từng được Công ty Alibaba thuê làm trụ sở, nay đang treo biển cho thuê nhà

Nói với VietnamFinance, một giám đốc công ty địa ốc cho rằng người mua đất của Công ty Alibaba đã bị lợi nhuận dẫn dụ.

“Nguyễn Thái Luyện không buôn đất, không buôn tiền mà buôn lòng tham và sự kì vọng. Chúng tôi làm bất động sản, lãi 20% trên vốn chủ đã là sướng còn Luyện không làm gì cả, dự án không phép, không bản vẽ thiết kế, không thi công, chỉ làm mỗi quảng cáo để bán hàng thì làm sao khách hàng lãi mấy chục phần trăm được. Đất nông nghiệp thì không có lý do gì mà một ăn năm, ăn mười như thế”.

Ông cũng cho rằng người mua đất của Alibaba đã quá chủ quan khi không kiểm tra pháp lý của miếng đất mình mua.

Nhưng khi nghe điều này, Văn nói dự án anh xuống tiền có lượng người mua rất đông, 5ha đất chỉ bán 3 ngày là hết veo.

“Huồng gì dự án đó đã chia lô, đã làm đường nhựa, có cống thoát nước, có cột điện, có nhà tạm, có cả văn phòng của Công ty Alibaba, lại nằm đối diện với UBND xã kế bên thì có ai lại không tin chính quyền đã cho phép Công ty Alibaba thực hiện. Mình bị ảo tưởng sự cho phép đấy…”

Bạn đang đọc bài viết "Người mua đất của Công ty Alibaba: Mong manh hi vọng, mòn mỏi đợi tiền" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.