Mạng xã hội đã không còn “ảo” nữa mà có tác động trực tiếp, cả tích cực lẫn tiêu cực đến người dùng cũng như cả xã hội.
Vì thế, khi sử dụng mạng xã hội, người dùng cần xác định rõ mục đích, biết tận dụng những lợi ích mang lại của mạng xã hội; đồng thời cần tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tránh được những tác động tiêu cực của nó, nhất là các kỹ năng kiểm chứng, chọn lọc thông tin.
Nội dung trên được các chuyên gia nhấn mạnh tại Tọa đàm Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội, do Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cùng Báo Tiền Phong tổ chức ngày 29/10
Mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen và hoạt động của nhiều đối tượng. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế mạng xã hội ở nước ta đang “trăm hoa đua nở”. Việc tăng trưởng mạnh mẽ của xã hội đã thay đổi thói quen sống và hoạt động của nhiều đối tượng, chịu tác động mạnh mẽ nhất là học sinh, sinh viên, nhóm đối tượng có lượng người dùng cao nhất.
Về mặt tích cực, mạng xã hội được xem là một công cụ chia sẻ thông tin, kênh kết nối mọi người hiệu quả. Bắt nhịp với xu hướng phát triển chung của thế giới, nhiều trường học cũng sử dụng mạng xã hội như một kênh để kết nối, tiếp cận học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại, tác động từ mạng xã hội còn có những tiêu cực. Quan trọng là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để tận dụng, phát huy được lợi ích và hạn chế những tiêu cực mà nó mang lại.
Từ những câu chuyện thực tế, Thiếu tá, Tiến sĩ xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản khi tham gia mạng xã hội là người dùng cần nhận diện, kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải, đặc biệt là các thông tin xấu, độc. Người dùng, nhất là các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu khi sử dụng mạng xã hội và tham gia các hoạt động lành mạnh. Trước các thông tin xấu, độc không nên bàn luận, bình phẩm, share, like khi chưa tìm hiểu cặn kẽ và kiểm chứng các thông tin bằng kênh chính thống.
Về vấn đề xử lý hành vi xúc phạm danh dự người khác trên mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý các hành vi này và người bị hại cũng có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, chế tài xử lý chưa thực sự theo kịp thực tiễn, mức phạt còn quá nhẹ không đủ sức răn đe; mặt khác quy định pháp luật cũng chưa rõ ràng, cụ thể nên khó xử lý các hành vi này. Cùng với việc nâng cao các chế tài xử lý, bản thân người dùng mạng xã hội cũng phải có ý thức trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xu hướng tham gia mạng xã hội hiện nay có thể chia làm 2 nhóm: Nhóm tham gia chia sẻ, đóng góp những thông tin có ích là nhóm chiếm phần lớn; nhóm có những động cơ không trong sáng. Khi sử dụng mạng mạng xã hội, trước hết bản thân người dùng phải tự trang bị những kỹ năng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, xây dựng một hình ảnh, nhân cách sống bao dung nhân ái; xây dựng một lối sống lành mạnh, hiểu biết pháp luật… tự tạo ra “sức đề kháng” cho mình trước những điều tiêu cực từ mạng xã hội.