Giá vàng thế giới đầu tuần này đã tăng lên ngưỡng 1.941 USD/oz (tính theo tỷ giá USD/VND tương đương với 54,4 triệu đồng); trong khi giá mua bán vàng miếng SJC trong nước ngày 28/7 được niêm yết ở mức 56,2/57,7 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ trong vòng gần 10 ngày qua, giá vàng thế giới đã tăng một mạch từ mức 1.807 USD/oz (ngày 20/7) lên 1.941, vượt qua cả đỉnh giá 1.800 USD/oz cuối năm 2011.
Ảnh minh họa |
Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho các nền kinh tế lớn tiếp tục rơi vào khủng hoảng và phải bơm tiền ra kích thích kinh tế. Kinh tế toàn cầu cũng rơi vào suy thoái sâu khiến các nhà đầu tư lo ngại tìm đến vàng để trú ẩn. Trong khi đó, sau mấy tháng tăng hồi đầu năm, thời gian gần đây đồng USD trên thị trường quốc tế đã đảo chiều giảm mạnh trở lại so với các loại ngoại tệ khác cũng góp phần đẩy giá vàng tăng cao. Chưa hết, căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian gần đây cũng là cái cớ cho giới đầu cơ vàng quốc tế đẩy giá vàng tăng cao.
Tất cả những yếu tố này đã làm cho giá vàng thế giới tăng mạnh và giá vàng trong nước không nằm ngoài xu hướng đó. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, mặc dù giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới, nhưng thị trường vàng vẫn ổn định, không có cảnh người dân chen lấn xô đẩy mua vàng khi giá đang tăng như những năm trước kia. Hoạt động mua bán kinh doanh vàng trong những ngày qua chủ yếu của các công ty kinh doanh vàng. Thậm chí một bộ phận nhỏ người dân có vàng còn mang bán chốt lời lúc giá cao.
Quả vậy theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2020 doanh số mua vàng miếng trên địa bàn về giá trị đạt 20.277 tỷ đồng tăng 3,7%; doanh số bán vàng miếng về giá trị đạt 20.092 tỷ đồng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc người dân quay lưng lại với vàng đã khiến biến động của giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến cung cầu thị trường và không liên đới sang thị trường tiền tệ. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, điều này là do hiệu quả quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 cùng với chính sách điều hành thị trường ngoại hối, tỷ giá của NHNN Việt Nam tiếp tục là yếu tố nền tảng, đảm bảo trật tự thị trường vàng, đảm bảo ổn định thị trường và hạn chế tình trạng đầu cơ làm giá.
Đơn cử, Nghị định 24 không cho phép các ngân hàng huy động vàng và cho vay vàng, khiến vàng đã bị loại bỏ ra khỏi ngân hàng, không còn nguy cơ gây áp lực lên tỷ giá. Thậm chí hiện người dân có vàng muốn gửi ngân hàng còn phải trả phí cho ngân hàng giữ hộ vàng chứ không được hưởng lãi suất như 10 năm trước. Điều đó đã khiến người dân không còn mặn mà nắm giữ vàng như trước.
Đồng ý với hiệu quả của Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng đã làm cho người dân không còn quá quan tâm đến vàng, một chuyên gia tài chính ở TP.HCM cho biết, hiện nay người dân ứng xử với giá vàng tăng đã bình tĩnh so với hơn 10 năm trước rất nhiều. Tình trạng mang vàng ra thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn như mua bán nhà đất, xe cộ… hiện nay đã gần như không còn.
Theo đó, cần xác định thị trường vàng hiện nay còn lại lực cầu: Thứ nhất là một bộ phận dân chúng có thói quen mua vàng tích trữ không bao giờ quan tâm đến giá tăng hay giá giảm, cứ có tiền là mua. Tuy nhiên, nhóm người mua tích trữ thường không mua số lượng lớn, nên không ảnh hưởng nhiều đến cung cầu. Song cũng có những trường hợp người tiêu dùng có tiền thu nhập mua vàng tích trữ để chờ cơ hội giá lên để kiếm lời. Tuy nhiên, điều này rủi ro là rất lớn do biến động của giá vàng là rất khó lường. Hơn nữa chênh lệch giữa giá bán và giá mua vàng trong nước là khá lớn khiến càng tăng thêm rủi ro cho người mua. Với đối tượng này, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức nhằm tránh những rủi ro khi đầu tư vàng.
Thứ hai, các tổ chức kinh doanh vàng đầu tư kiếm lời từ yếu tố giá. Song cần phải xác định rõ nguyên tắc: lợi nhuận cao sẽ đi liền với rủi ro cao và cuộc chơi vàng không dành cho các tay mơ.
Hải Nam - Theo Thời Báo Ngân Hàng