Người dân sống lay lắt trên “đất vàng” của Vinafood 2 tại TP HCM

19/12/2019 16:57

Nhiều năm nay, 34 hộ dân sinh sống tại khu tập thể của Vinafood 2 (TP HCM) phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa hư hỏng nhưng không được sửa chữa.

Nhiều năm nay, 34 hộ dân sinh sống tại khu tập thể của Vinafood 2 (TP HCM) phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa hư hỏng nhưng không được sửa chữa.

Từ nhiều năm nay, 34 hộ dân sinh sống tại khu tập thể của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) có địa chỉ tại số 33 Nguyễn Du và số 34 - 36 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa hư hỏng nhưng không được sửa chữa.

Khu tập thể Vinafood 2 tại số 33 Nguyễn Du và số 34- 36 Chu Mạnh Trinh nằm ngay trung tâm TP HCM, được bao bọc bởi bức tường cũ mọc đầy rêu xanh, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một số đoạn tường được gắn biển cảnh báo người đi bộ tránh lại gần. Bên trong bức tường là những căn hộ cũ, được che chắn tạm bợ, mái tôn xếp chồng lên nhau, rất khó để phân biệt nhà của từng hộ dân.

nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 1
Cổng vào khu tập thể nhỏ hẹp, nhếch nhác.

Bà Trần Bạch Huệ, một người sống trong khu tập thể này cho biết, đây là nơi ở tập thể của các cán bộ, nhân viên Vinafood 2 từ sau ngày giải phóng miền Nam. Nhiều năm nay, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng do không được sửa chữa. Nhiều gia đình đang phải sinh sống trong những căn phòng chật chội có diện tích hơn 10m2, mái tôn đã mục nát, hư hỏng, trời mưa là dột.

Gia đình bà Huệ cũng vậy: "Mười mấy năm nay là như vậy, cứ mưa xuống là tràn ra, thấm từ trên xuống, có hôm nước chảy xuống nền này luôn, không thể ngủ được; Thấy mưa xuống là phải cuốn chiếu, nhà dột từ trên đó xuống, mà không sửa được. Hôm trước tôi xin sửa mà, ông tổ trưởng nói Villa không cho sửa".

nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 2
Bên trong lối đi tại khu tập thể 36 Chu Mạnh Trinh thì đồ đạc ngổn ngang.
nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 3
Mái của những ngôi nhà tại đây đều được chắp vá, mưa xuống là dột.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hoa cư ngụ tại đây cũng có hoàn cảnh tương tự như gia đình bà Trần Bạch Huệ. Bà Hoa và gia đình về khu tập thể sinh sống từ năm 1975. Hơn 40 năm rồi, căn phòng của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng, cứ đến mùa mưa là cả nhà nơm nớp lo nước chảy vào phòng, cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều lần bà Hoa lên phường Bến Nghé xin phép để sửa lại mái tôn đã cũ kỹ nhưng không được vì khu đất này đang bị thanh tra.

"Trời mưa nước tràn vô thì cả nhà đang ngủ phải dậy hết, tìm chỗ nào nước không tràn vào thì đẩy nệm lại. Tôi muốn sửa mà đâu có được, có cho đâu mà sửa. Tôi chỉ mong sao chính phủ quan tâm và kết quả thanh tra có sớm hơn giúp đỡ bà con nơi đây có nơi ở mới tốt hơn" - bà Hoa bày tỏ.

nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 4
Bờ tường bên ngoài khu tập thể này có cảnh báo nguy cơ đổ bất cứ lúc nào.

Khu tập thể trên được hình thành từ năm 1975, do Thượng tướng Trần Văn Trà khi đó thay mặt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định cấp cho Ban lương thực thực phẩm (nay là Vinafood 2) nhà tại 4 địa chỉ: 33 Nguyễn Du, 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh. Trong đó, số 42 làm văn phòng của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, các địa chỉ còn lại là khu nhà ở tập thể cho cán bộ nhân viên Tổng công ty.

Theo người dân tại đây, nguyên nhân của việc họ phải sống "lay lắt" trong những căn nhà nhếch nhác, xuống cấp tại đây là do năm 2007, Vinafood 2 có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất ở các địa chỉ trên thành dự án khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại. 

Năm 2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác góp vốn với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh làm đại diện pháp luật) thành lập Công ty TNHH Thương mại -Xây dựng - Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án bất động sản trên với tỷ lệ Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng (chiếm 80% vốn), 20% vốn còn lại (160 tỷ đồng) do Vinafood 2 đóng góp bằng giá trị tài sản trên đất và 1 phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên.

nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 5
Gấy phép tạm thời sử dụng nhà của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định cấp cho Ban lương thực thực phẩm (nay là Vinafood 2).

Cả Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đã nhiều lần đưa ra các phương án đền bù và thương lượng với các hộ dân tại khu nhà ở 33 Nguyễn Du và 34, 36 Chu Mạnh Trinh nhưng vẫn không đi đến thống nhất giá đền bù. Phía Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đưa ra giá đền bù là 105 triệu đồng/m2, còn người dân ở đây thì cho rằng thực tế giá đất trên thị trường tại đây đã hơn 400 triệu đồng/m2, nên không chấp nhận. 

Ông Hà Chư, ngụ tại khu tập thể 36 Chu Mạnh Trinh cho hay, gia đình ông và mọi người ở đây chỉ mong muốn bên phía Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đưa ra mức giá đền bù hợp lý để bàn giao mặt bằng và đi định cư ở nơi khác.

Theo "Chúng tôi không đòi hỏi nhiều, chỉ muốn đúng theo nguyện vọng của nhà nước là 60% giá trị thật của đất, như vậy là quá hiểu chuyện rồi".

Ngoài ra, liên quan đến các khu đất này, trong Kết luận Thanh tra ngày 27/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đối với hoạt động của Vinafood 2, đã xác định Tổng giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân vào ngày 21/9/2015 về đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất là trái với nội dung Nghị quyết của Hội đồng Thành viên Vinafood 2, trái với thỏa thuận giữa Vinafood 2 với Công ty Việt Hân; Vinafood 2 ra văn bản số 291 ngày 4/2/2015 sai với nội dung văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản cho phép thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại các địa chỉ trên.

nguoi dan song lay lat tren "dat vang" cua vinafood 2 tai tp hcm hinh 6
Một phần kết luận Thanh tra ngày 27/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đối với hoạt động của Vinafood 2.

Kết luận Thanh tra của Bộ NN&PTNT còn xác định, việc HĐTV Vinafood 2 ra nghị quyết chuyển trách nhiệm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ công ty liên kết sang Vinafood 2 chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách. Bởi theo thỏa thuận trước khi thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn, Công ty Việt Hân chịu trách nhiệm đến 80% tiền đền bù giải phóng mặt bằng trong khi Vinafood 2 chỉ chịu trách nhiệm 20%.

Theo Bộ NN&PTNT, số tiền 2 bên dự kiến chi đền bù, giải phóng mặt bằng là 68 tỉ đồng, được lấy từ tài khoản của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính. Do đó, khi thực hiện theo thỏa thuận trên, ngân sách đã bị thất thoát 80%, tức 54 tỉ đồng.

Trước những sai phạm của các bên liên quan trong việc chuyển nhượng khu tập thể 33 Nguyễn Du, 34- 36 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM được Thanh tra của Bộ NN&PTNT chỉ ra, ngày 05/01/2019 tại văn bản số 89, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các bộ ngành, xác minh, làm rõ các vấn đề tại khu đất trên.

Hiện tại, 34 hộ dân tại khu tập thể 33 Nguyễn Du, 34- 36 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM phải sống “lay lắt” giữa trung tâm TP HCM để chờ các bên liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất này, trực tiếp là Vinafood 2 và Công ty Việt Hân, thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc đền bù giải tỏa để họ được dời đi nơi khác./.

 

https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/nguoi-dan-song-lay-lat-tren-dat-vang-cua-vinafood-2-tai-tp-hcm-990158.vov

Bạn đang đọc bài viết "Người dân sống lay lắt trên “đất vàng” của Vinafood 2 tại TP HCM" tại chuyên mục Câu chuyện cư dân. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.