Người dân bỗng nhiên ‘có nợ’ và câu hỏi về sự minh bạch của VPBANK, FE CREDIT

09/04/2020 07:50

Bạn đọc bức xúc phản ánh việc bỗng dưng bị đối tượng lạ ‘nã’ điện thoại đòi nợ suốt ngày đêm xưng là người thu hồi nợ của VPbank. Liệu VPBank có “bị oan”?

Bạn đọc bức xúc phản ánh việc bỗng dưng bị đối tượng lạ ‘nã’ điện thoại đòi nợ suốt ngày đêm xưng là người thu hồi nợ của VPbank. Liệu VPBank có “bị oan”?

 Bỗng dưng… có nợ

Bà H khiếu nại với VPBank PGD Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội.

Phản ánh tới tòa soạn Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, bà Nguyễn Thị H (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Từ ngày 23/3 đến nay, bà nhận được nhiều cuộc điện thoại nặc danh xưng là nhân viên thu đòi nợ của Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng VPBank với nội dung: Số tiền vay đến tới thời điểm này là 117 triệu đồng; chủ hợp đồng vay là ông Đào Duy H, số chứng minh nhân dân (…), thế chấp bằng hợp đồng bảo hiểm Prudential, đến nay đã quá hạn, yêu cầu ông, bà H trả số tiền trên, nếu không sẽ bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Họ gọi điện thoại cho tôi và con trai tôi không trừ bất cứ giờ nào, từ sáng sớm tới đêm khuya, kể cả sớm mùng 1. Có ngày cứ trung bình khoảng 5 phút/1 cuộc gọi. Điện thoại thì không thể tắt được, vì còn liên hệ công việc. Nhưng chúng tôi không thể nào chịu nổi với cách họ đòi nợ”, bà H bức xúc.

Trong bộ dạng mệt mỏi, bà H cho biết thêm, điều khiến bà thấy bức xúc hơn nữa chính là thủ đoạn nã điện thoại. “Phía đầu dây bên kia không phải là 1 người gọi cụ thể, đó là đoạn băng đòi nợ phát đi phát lại thông qua nhiều đầu số di động khác nhau kết nối, khi tôi gọi lại để hỏi rõ sự việc thì không thể kết nối được”.

VPBank…”chỉ tay” sang FE CREDIT

Tự dưng có cục nợ không biết nguyên nhân, bà H đem câu chuyện này khiếu nại lên VPBank PGD Trần Thái Tông. Trả lời bà H, VPBank khẳng định ông Đào Duy H – CMND số 0125851** không có thông tin khoản vay/thẻ tín dụng quá hạn tại Ngân hàng VPBank; đồng thời, sau khi kiểm tra lại lịch sử tác nghiệp nhắc nợ, ngân hàng này không có tác nghiệp nào đến các số thuê bao mà bà H và con trai bà đang sử dụng (là số bị nã điện thoại đòi nợ -pv).

Điều đáng ngạc nhiên là VPBank đã “chủ động” hỗ trợ bà H gửi thông tin sang Công ty tài chính FE CREDIT để xác minh thêm thông tin và nhận được phản hồi từ FE CREDIT là: Qua kiểm tra, số CMND 0125851** của Khách hàng ĐÀO DUY H đang có hợp đồng bị nợ quá hạn thanh toán tại FE CREDIT.

VPBank cũng không quên khẳng định: Do khoản vay không phải do VPBank quản lý. VPBank gửi thông tin liên hệ của Công ty tài chính FE CREDIT, Quý Khách vui lòng liên hệ để khiếu nại thêm.

Những điều cần được làm rõ?

Được VPBank “chỉ tay” sang FE CREDIT, bà H càng bức xúc vì bị cuốn vào vòng xoáy của sự mệt mỏi, tức giận.

Bà H cho biết, năm 2018, bà và ông H ly hôn. Bà H khẳng định không ký bất cứ giấy tờ nào về khoản vay của ông H có liên quan đến VPBank hay FE CREDIT. Theo bà H, ông H xác nhận có ký hồ sơ vay (và nhận giải ngân) tại văn phòng của VPBank PGD Trần Thái Tông theo cơ chế “dịch vụ”, trước đó ông H cũng đã “cảnh báo” với nhân viên làm hồ sơ về việc bà H sẽ không ký hồ sơ nếu yêu cầu. Tuy nhiên không hiểu sao hồ sơ vay vẫn được hoàn tất và bà H đã bị “kéo” vào cuộc như một người “đồng phạm”.

Lẽ thường tình, để giải quyết một vấn đề gì thì phải xác định được chính xác vấn đề nằm ở đâu. Trong vụ việc theo phản ánh của bà H, câu hỏi cần làm rõ là: thực sự ai đang quản lý khoản nợ của ông H? nếu bà H không ký hồ sơ vay thì việc đòi nợ (dù là VPBank hay FE CREDIT) cũng đều là “nhầm người”? Theo VPBank, FE CREDIT đang quản lý quản nợ của ông Đào Duy H, vậy tại sao (nếu) đơn vị này gọi điện thoại đòi nợ bà H lại xưng là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng? Và, điều quan trọng hơn, nếu xuất hiện chữ ký của bà H trong hồ sơ vay, liệu đó có phải là chữ ký giả? Đây hoàn toàn có thể là một căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giả mạo trong công tác.

Ở phương diện khác, nếu VPBank không quản lý nợ mà lại bị đơn vị khác (không loại trừ FE CREDIT) mượn danh xưng Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank để nã điện thoại đòi nợ “sai” đối tượng thì có lẽ VPBank đã bị “oan”?

Xét từ nhiều phương diện, bị lôi vào vòng xoáy của việc đòi nợ theo kiểu đe dọa, cưỡng đoạt và vô lý đối với bà H là điều bất công. Qua tìm hiểu, tình trạng “bỗng dưng có nợ” như bà H không phải là hiếm, tỷ lệ thuận với việc nhiều nhân viên ngân hàng bị tố giả mạo chữ ký nhằm hoàn tất hồ sơ để đạt doanh số và thu tiền dịch vụ. Thực tế này không hẳn không có liên quan đến tình trạng nợ xấu ngày một tăng cao ở các ngân hàng.

Trong hoàn cảnh này, bà H nên có đơn trình báo đền nghị cơ quan công an điều tra làm rõ sự việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin sự việc./.

Phạm Tài - Theo Sở hữu Trí tuệ

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Người dân bỗng nhiên ‘có nợ’ và câu hỏi về sự minh bạch của VPBANK, FE CREDIT" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.