Thị trường tiêu dùng đang bước vào mua giảm giá cực mạnh. Nếu như phương Tây phát cuồng với những ngày “thứ Sáu đen tối” (Black Friday) thì ngày hội mua sắm lớn nhất châu Á là 11/11 hàng năm.
Đây vốn là “ngày độc thân” theo quan điểm của giới trẻ Trung Quốc và sau đó được trang thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma biến thành một ngày “điên cuồng” mua sắm, tạo nên cú hích lịch sử trong kích cầu thương mại.
Và với sự phát triển của internet và giao lưu thương mại, người tiêu dùng Việt cũng bị (hay cũng có thể nói là “được”) cuốn vào vòng xoáy này. Tốc độ lưu chuyển hàng hoá chóng mặt. Vào mua trực tiếp tại các hệ thống showroom, cửa hàng chưa đủ, hoạt động đặt hàng online vận chuyển từ nước ngoài cũng bùng nổ, ngay cả trên Facebook.
Thế mới thấy, ở thời buổi hiện nay, tiêu dùng thuận tiện và quan niệm về tiêu dùng đã cởi mở và thoáng hơn nhiều so với trước. Có điều, khi đời sống lên cao, người tiêu dùng lại càng chú ý đến nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả hàng triệu đồng cho các sản phẩm áo quần, giày dép, không chỉ bởi chất lượng mà còn vì thương hiệu.
Như quảng cáo của các sàn thương mại điện tử lớn, có khi chỉ 1.000 đồng, người ta đã có thể mua về một món đồ với chất lượng vừa phải. Thế nhưng, giá trị của một mặt hàng lại không chỉ đơn thuần từ chất liệu, mà còn từ nhãn mác của món hàng đó, và người mua mua giá trị đó để “nâng tầm” bản thân chứ không hẳn để “ăn chắc mặc bền” như trước.
Thế rồi, đùng một cái, hết Khaisilk lừa dối, nay người tiêu dùng trong nước lại được phen “ngã ngửa” khi hay tin chuỗi cửa hàng Seven.AM cũng bị tố giác là cắt nhãn mác có chữ Trung Quốc để gắn vào nhãn mác Việt Nam.
Cần lưu ý là, Seven.AM là thương hiệu thời trang định vị sản phẩm ở phân khúc “cao cấp”, giá mặt hàng lên tới hàng triệu đồng trên mỗi đầu sản phẩm. Trong khi đó, cũng với những sản phẩm với chất liệu tương tự, người tiêu dùng có thể tìm mua tại chợ với giá vài trăm nghìn đồng.
Nói thế để thấy sự chênh lệch giá là rất lớn và nếu như có gian lận nhãn mác ở đây thì rõ ràng, phía doanh nghiệp thu lợi cực kỳ khủng khiếp và người tiêu dùng đã bị “móc túi”, bị lừa một vố rất đau.
Trên báo chí, đại diện Seven.AM giải thích rằng: Cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn. Các sản phẩm nào là hàng Trung Quốc đều được nói rõ với khách hàng, còn sản phẩm nào là hàng Việt Nam đều do Seven.AM thiết kế, sản xuất.
Người viết rất muốn tin vào cách giải thích của Seven.AM là chân thành. Nhưng, thú thật, nói “cắt mác” để khách hàng không bị ngứa thì không thuyết phục chút nào.
Hiện vụ việc đang được Cục Quản lý thị trường Hà Nội vào cuộc, điều tra, xác minh và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cũng cho biết đã vào cuộc để làm rõ. Hi vọng, mọi việc sẽ sớm sáng tỏ. Từ thâm tâm, người viết rất mong không có sự gian dối ở đây…
Song, trường hợp của Seven.AM lần này khiến người viết thắc mắc mãi. Cắt tag, mác trên sản phẩm tiêu dùng là tối kỵ, và chỉ ít tháng trước, vụ Khaisilk đã bị khởi tố, chẳng lẽ doanh nghiệp không quan tâm?
Hàng Trung Quốc vốn dĩ đã tràn ngập thị trường rồi. Ngay trong dịp 11/11 này, nếu thống kê, đoán chắc một tỷ lệ vô cùng lớn cũng là tiêu thụ hàng hoá có nguồn gốc Trung Quốc. Người tiêu dùng không chê hàng hoá của họ, có loại rẻ, có loại rất chất lượng, nhưng chỉ xin các thương hiệu Việt hãy giữ tự tôn cho mình. Đừng để nguyên liệu sản xuất đến 90% phải nhập từ Trung Quốc, nay thành phẩm tiêu dùng cũng phải “đội lốt” rồi bán đắt, trục lợi.
Xin hãy giữ trọng linh hồn, giá trị Việt trong sản phẩm Việt. Ngưng lừa dối, ngừng gian lận!
Bích Diệp - Theo Dân Trí