Trước những diễn tiến mới của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thay đổi kế hoạch ứng phó.
Trong đó, có những công ty phải thay đổi kế hoạch "ngủ đông" bảo toàn lực lượng để đi đến cách cuối cùng là cho nhân viên nghỉ vì lo không giữ được doanh nghiệp.
Mới đây, doanh nghiệp khai thác thị trường Pháp, châu Âu nhận thêm tin không vui. Nhiều đối tác, chủ yếu là các công ty du lịch Pháp cho biết sẽ đóng cửa đến tháng 9/2020. Vì vậy, có đối tác đã hủy hết các đoàn khách du lịch đến Việt Nam cho đến thời điểm đó.
Với những đơn hàng sau thời điểm trên, tuy hiện tại chưa có nhiều thay đổi nhưng không đồng nghĩa với việc là sẽ có khách vào cuối năm 2020 vì nhu cầu du lịch sẽ rất yếu sau dịch.
Theo một số doanh nghiệp, nếu dịch Covid-19 kết thúc vào thời điểm gần cuối năm, với Pháp và một số thị trường ở châu Âu sẽ xảy ra tình trạng: những khách hàng trong độ tuổi đi du lịch nhiều, là người trẻ, người ở lứa tuổi trung niên sẽ không thể lên đường vì đã dùng hết ngày phép cho những ngày ở nhà tránh dịch.
Với người lớn tuổi, tuy có thời gian hơn nhưng vốn là những người dễ bị ảnh hưởng trong dịch bệnh nên vẫn còn lo sợ và sẽ hạn chế du lịch, thị trường sẽ rất yếu.
"Với các đối tác Pháp bên tôi, tất cả tour cho tháng 5 tới đã hủy hết. Tour cho tháng 7 và 8/2020 tuy chưa có thông báo nhưng có thể là sẽ không có khách. Du lịch châu Âu sẽ rất ảm đạm", ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel nói.
Doanh nhân này từng kỳ vọng khi hàng không nối lại chuyến bay quốc tế, các biên giới mở cửa trở lại thì du lịch cũng sẽ sớm phục hồi và đã thực hiện kế hoạch "ngủ đông", tạm ngừng những hoạt động chính để giữ nhân viên. Tuy nhiên, trước những diễn biến mới, công ty đã phải thay đổi kế hoạch.
"Thị trường như thế này, dù có giảm lương thì công ty cũng sẽ không thể qua được nếu giữ hết nhân sự. Chúng tôi đang tính đến việc cho một nửa nhân viên nghỉ việc", ông nói.
Gần 3 tháng hoành hành, Covid-19 đã làm hơn 90% doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam phải tạm dừng hoạt động. Trong đó, có những công ty như doanh nghiệp vừa kể trên, tuy tạm dừng hoạt động nhưng vẫn giữ các kế hoạch phát triển sản phẩm, đào tạo nhân sự và hy vọng giữ lực lượng để nhanh chóng quay lại sau dịch nhưng nay đã không kham nổi.
Có những doanh nghiệp, như doanh nghiệp khai thác thị trường Nga, vốn có kế hoạch chỉ tạm dừng tour trong vòng 1 tháng, kể từ cuối tháng 3 rồi nhưng nay đã không còn ai dám nói đến thời gian có thể nối lại tour.
Trước những diễn tiến mới của dịch bệnh, ngay cả việc co cụm lại cũng không giúp giữ được doanh nghiệp nên các nhà kinh doanh buộc phải thay đổi.
"Chúng tôi từng hy vọng dịch kết thúc sớm nhưng thực tế đã rất khác nên nay đã chuyển sang kế hoạch B", ông Phạm Hà, CEO của Luxuy Travel Group nói.
Kế hoạch B mà doanh nhân này nói là dịch kéo dài, đến quý IV/2020 du lịch mới có kỳ vọng phục hồi. Các tàu du lịch phải nằm bờ, công ty lữ hành không có khách nên những biện pháp đã thực hiện như cắt giảm tiền lương, làm việc luân phiên, giảm chi phí... vẫn chưa đủ kéo dài thời gian "sống" cho doanh nghiệp.
"Từ tháng 4 này, chúng tôi buộc phải cho một số nhân viên nghỉ việc", ông nói.
Doanh nhân này cho biết, do lượng khách lùi tour vào giai đoạn cuối năm 2020 khá lớn nên công ty hiện vẫn tính toán sẽ có thể hồi phục vào đầu quý IV tới và dồn hết mọi nguồn lực vào đó. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch, thực tế tùy vào tình hình dịch bệnh.
"Du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng sẽ hồi phục sau cùng", ông Hà nói.