Thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép ở TP Hồ Chí Minh, nhất là vùng ngoại ô rất phức tạp. Các công trình xây dựng trái phép không chỉ là những căn nhà nhỏ lẻ, mà có nơi là những biệt thự, thậm chí hàng chục biệt thự hay cả những toà chung cư.
Khu nhà xưởng xây dựng không phép trên khu đất gia đình một vị lãnh đạo quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Diễn biến phức tạp
Đi trên các tuyến đường quốc lộ, đường liên xã, ấp ở địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM) dễ dàng nhận thấy các biển báo ghi rất rõ việc cảnh báo mua bán, san lấp, xây dựng… các công trình nhà ở trên địa bàn. Đây đều là các khu vực không có bất cứ dự án hay công trình xây dựng nhà ở nào nhưng vẫn được nhiều “cò” đất vô tư rao bán, mời chào trên mạng. Rồi những công trình không phép có đủ kiểu. Từ thửa đất được phân lô sơ sài với vài viên gạch xây tạm cho tới những dãy nhà được xây lên khang trang, ngay ngắn. Rồi những nhà xưởng, biệt thự cũng được xây dựng nhưng người dân trong khu vực gần như không biết tính pháp lý của dự án như thế nào.
Nằm liền bên cạnh, mặc dù không bùng phát như vài năm trước nhưng tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn quận 12 cũng vô cùng phức tạp. Lãnh đạo quận này đã nhiều lần cảnh báo người dân không mua bán, sang nhượng đất đai thiếu giấy phép tại nhiều khu vực cụ thể trên địa bàn nhưng xem ra, tình trạng tiêu cực vẫn không hề lắng xuống. Trên Cổng thông tin điện tử của quận 12 cũng như ven đường trên địa bàn, các biển cảnh báo cũng được dựng lên hàng loạt nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng, mua bán đất nhà trái phép.
Tương tự, tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn huyện Củ Chi cũng rất phức tạp, thậm chí hỗn loạn nhất so với các địa phương khác trên địa bàn thành phố. Trong đó, điển hình nhất là xã Bình Mỹ, nơi có gần trăm các lô đất được tư nhân chào bán với mô hình chung là đã xây dựng một vài con đường nhựa, đường đá sỏi sơ sài. Một số lô khác, chủ đầu tư đã san lấp trong khi nhiều “dự án” khác xây dựng thành từng dãy nhà 2 tầng (lầu và trệt) khang trang liền kề nhau. Diện tích từ các lô đất 40 đến 100 mét vuông, thậm chí có cả khu biệt thự ven sông. Giá bán được chào mời quảng cáo khắp các tuyến đường cũng như trên mạng, từ vài trăm triệu đồng cho tới hàng chục tỷ đồng mỗi căn. Điều đáng nói, hầu hết các “dự án” này đều không có giấy phép xây dựng đầy đủ nhưng không biết vì lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Thậm chí nhiều nơi, cán bộ địa phương còn “không hề hay biết gì về các công trình này”.
Không chỉ có các dự án nhỏ lẻ, manh mún ở khu vực ngoại ô, nhiều dự án có quy mô lớn, hàng trăm căn biệt thự hay cả khu chung cư rộng lớn cũng được xây dựng khi chưa có giấy phép đầy đủ. Ví dụ như Dự án chung cư của Công ty Sài Gòn Vina nằm ngay trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5), trung tâm thành phố, xây không phép tới mấy trăm căn hộ. Mặc dù lãnh đạo TP đã có chỉ đạo sẽ tháo dỡ những tầng xây dựng không phép của chung cư này nhưng điều đó cho thấy việc xây dựng không phép vẫn đang diễn ra rất phổ biến, công khai.
Đất nông nghiệp nay đang được san lấp ồ ạt tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TPHCM).
Hệ lụy kéo dài
Thời gian gần đây, nhiều vị lãnh đạo TPHCM đã lên tiếng chỉ đạo mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng trên nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Ít ngày trước, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tới tận công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên địa bàn quận Thủ Đức để chỉ đạo tháo dỡ, xử lý nghiêm minh. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh thời gian tới thành phố sẽ xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi xây dựng trái phép, dù đó là công trình của bất cứ ai. TP cũng giao cho các quận huyện, công an các địa phương khẩn trương kết hợp ngăn chặn tình trạng này bởi hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng. Với việc quỹ đất ngày càng bị thu hẹp bởi các công trình trái phép không có trong quy hoạch, TPHCM đang rất khó khăn để thu hút các nhà đầu tư khi quỹ đất không còn. Ngoài ra, các công trình này cũng khiến thành phố phải tốn nhiều tiền của nếu muốn thu hồi, tháo dỡ để sử dụng cho các công trình hạ tầng ít năm sau.
Như vậy, mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ nhiều lãnh đạo nhưng thực tế việc xây dựng không phép, thiếu giấy phép vẫn âm ỉ và kéo dài thời gian qua. Dư luận cho rằng hầu hết các công trình không phép, thiếu giấy phép này đều có sự thoả thuận, “bảo kê” làm ngơ của cán bộ ở cơ sở. Thực tế việc xây dựng các công trình nhà không phải trong chốc lát, thậm chí kéo dài cả năm trời. Rất khó khi nói rằng các cán bộ địa phương không hề biết vì hầu hết các công trình này nằm ở các vị trí “đắc địa”, luôn được chủ đầu tư quảng cáo rầm rộ, thu hút người mua từ khắp nơi tới mua bán. Chính vì vậy, việc xử lý các dự án không phép, thiếu phép luôn rất khó khăn vì người dân xung quanh thì thiếu thông tin, không biết hồ sơ pháp lý của các dự án, công trình đó như thế nào. Trong khi chính quyền cấp trên, như quận huyện hay thành phố chỉ theo dõi thông tin từ các báo cáo của chính quyền cấp dưới. Chỉ những dự án phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp khiến dư luận, báo chí vào cuộc phản ánh thì lúc đó các khu vực xây không phép, thiếu phép mới vỡ lở.
Biển cảnh báo không mua bán xây dựng ở Hóc Môn.
Với tốc độ gia tăng dân số cũng như việc mở rộng đầu tư kinh doanh, đất đai đang là lĩnh vực thu hút đông đảo nguồn vốn đầu tư ở TPHCM hơn bất cứ lĩnh vực nào. Chính vì nhu cầu quá lớn, với hàng trăm ngàn tỷ đồng đổ vào đầu tư lĩnh vực bất động sản mỗi năm nên việc xây dựng không phép, sai phép, thiếu phép đang bùng nổ ở nhiều khu vực của thành phố. Ngoài việc quyết liệt ngăn chặn, thiết nghĩ, cấp có thẩm quyền tại TPHCM cần thêm nhiều biện pháp cứng rắn hơn, như việc luân phiên thay đổi hay buộc thôi việc, xử lý theo pháp luật các lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.
Đoàn Xá - Theo daidoanket.vn
http://daidoanket.vn/bat-dong-san/ngon-ngang-nhung-cong-trinh-sai-phep-tintuc450732