Trong chương trình, Hồng Phúc không khỏi bất ngờ khi biết ông Phạm Thanh Hà đã gắn bó với làng bè Long Sơn hơn 30 năm. Mỗi ngày, ông bắt đầu công việc từ lúc 7h sáng và đội nắng đến trưa để chăm sóc các bè cá, bè hàu nơi đây.
Tại đây, 2 khách mời lắng nghe những câu chuyện khó khăn khi làm nghề như thời tiết, nhiệt độ ảnh hưởng đến việc nuôi hàu. Vì càng ngày càng ít có hàu tự nhiên bám vào bè nuôi, sản lượng giảm khiến nhiều người bỏ nghề. Tuy nhiên, nhờ sự chăm chỉ, mỗi tháng ông Hà vẫn có thu nhập khoảng 15 triệu đồng từ nghề này.
Nghe vậy, Hồng Phúc và Như Quỳnh hào hứng xin học làm nghề. Ông Hà ngay lập tức nhận lời, thậm chí đề nghị các nghệ sĩ bắt tay ngay vào công việc và tuyên bố khi hoàn thành sẽ nhận ngay 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nghe ông Hà đề nghị nhảy xuống ống lấy hàu thì cả 2 đều “đứng hình” hoang mang.
Thấy vậy, ông Hà đã đồng ý đổi việc cho các học trò chuyển sang đập hàu, lấy thịt phía trong con hàu. Sau khi tự tay lấy được thịt hàu tại làng bè, 2 nghệ sĩ tiếp tục học chế biến các món ăn từ hàu, trải nghiệm du lịch tại làng bè.
Làng bè Long Sơn nằm cách TPHCM khoảng 100km và cách trung tâm Vũng Tàu 10km về phía Tây Nam. Với vị trí địa lí thuận lợi này đã giúp làng bè Long Sơn phát triển kinh tế nhờ nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương.
Được ví như "con rồng xanh" của Vũng Tàu với hệ thống rừng ngập mặn bao phủ, xã đảo Long Sơn mang dáng dấp một làng quê bình yên tĩnh lặng. Làng bè Long Sơn là tên gọi chung cho khu vực làng chài nổi trên khúc sông uốn quanh đảo, xưa nay vẫn được xem là vựa hải sản của tỉnh.
Nghề nuôi trồng thủy hải sản ở đây có từ rất sớm, phát triển dọc theo dòng sông Dinh, sông Chà Và kéo dài ra đến tận cửa biển. Trong đó, nhiều nhất là nuôi hàu, cá lồng bè cho giá trị kinh tế cao.
Với nguồn nước tự nhiên và khí hậu thuận lợi, hải sản ở đảo Long Sơn không chỉ tươi sống, thịt chắc mà còn có hương vị riêng, ngọt thơm hơn hẳn so với những nơi khác. Hàu và sò huyết là những loài được nuôi nhiều nhất ở nơi đây, chính vì vậy mà đảo Long Sơn còn được gọi với cái tên là đảo hàu.