Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An vừa gửi đơn kiến nghị lên HĐNĐ, UBND tỉnh xin được giữ nguyên mức giá đất và chỉ tăng mức tối đa lên không quá 30%.
UBND tỉnh Nghệ An vừa gửi tờ trình lên HĐND tỉnh, xin ý kiến về đề xuất, ban hành giá các loại đất trên địa bàn cho giai đoạn 2020 - 2024 với mức tăng từ 30 - 67% giá các loại đất. Thời gian áp dụng bảng giá đất mới được tính từ đầu tháng 1/2020 đến hết tháng 12/2024.
Với giá đất tăng phi mã này nhiều Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã gửi đơn kiến nghị lên HĐNĐ, UBND tỉnh xin được giữ nguyên mức giá tối thiểu và chỉ tăng mức tối đa lên không quá 30%.
Giá đất "phi mã"
Theo quy định về xây dựng khung giá đất mới tại các tỉnh thành thì cứ 5 năm, Nhà nước sẽ ban hành khung giá đất mới và cho công bố, áp dụng vào tháng 1 của năm đầu tiên. Do đó đầu năm 2020 chính là thời điểm phải áp dụng khung giá đất mới.
Việc xây dựng bảng giá đất tại các địa phương được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng các Sở ban ngành nghiên cứu, đối chiếu với các hạng mục để điều chỉnh nhằm đưa ra mức giá phù hợp với thời điểm hiện tại. Trải qua chu kỳ 5 năm, giá đất đã có nhiều thay đổi do biến động từ thị trường nên việc điều chỉnh tăng giá là điều tất yếu.
Tuy nhiên, theo tờ trình dự thảo bảng giá đất tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 -2024 được UBND tỉnh đề xuất với mức tăng đột biến, điều này không phù hợp với tình hình kinh tế phát triển thực tiễn ở địa phương cũng như giá đất đang giao dịch tại thị trường.
Đánh giá về dự thảo này, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản Nghệ An cho biết: Không chỉ có Hiệp hội Bất động sản mà có khoảng gần chục Hiệp hội khác như Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Hiệp hội du lịch; Hiệp hội làm vườn, Hiệp hội Doanh nghiệp cựu chiến binh... đã làm đơn kiến nghị phản đối về mức tăng trên. Bởi so với tình hình kinh doanh trên địa bàn, thì mức giá trên, cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận như; Hà Tĩnh, Thanh Hoá và các TP lớn là Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... là bất hợp lý.
Đồng quan điểm, ông Trần Vĩnh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Nghệ An nhận định, so sánh với bảng giá đất năm 2015- 2019 của các tỉnh lân cận hoặc các thành phố lớn thì Nghệ An đã có giá đất cao hơn hẳn so với các tỉnh, thành. Vậy mà đến nay ở giai đoạn 2019 - 2024 tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mới xây dựng mức tăng cao nhất từ 15- 30% thì Nghệ An đang trình mức giá tăng từ 30 - 50%.
"Nhìn vào bảng điều chỉnh giá đất, có thể dễ dàng thấy giá đất của TP Vinh, Nghệ An cao hơn cả giá đất của quận Hoàng Mai - TP Hà Nội và Quận 2 - TP Hồ Chí Minh. Sự tăng khập khiễng này khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và không biết lý do vì sao lãnh đạo UBND lại xây dựng mức giá cao như vậy" - ông Quý nói.
Doanh nghiệp lo lắng
Nhiều chuyên gia cho rằng, mức đề xuất này chưa phản ánh đúng với giá trị thực tế giao dịch trên thị trường. Nếu căn cứ vào bảng giá đất điều chỉnh, một số tuyến phố như TP Vinh và đường Cao Thắng, Nghệ An có mức giá cao nhất là 65.000.000 đồng/m2, đường Quang Trung cao nhất là 60.000.000 đồng/m2 và các tuyến đường như Lê Lợi, Trần phú, Ngã tư Chợ Vinh có mức thấp nhất là 30 - 40.000.000đồng/m2 thì giờ đây được điều chỉnh tăng lên là 55.000.000 đồng/m2, tăng chênh lệch so với giai đoạn 2015- 2019 lần lượt là 127,5% -150%, thậm chí có những nơi tăng đến 300%.
Với mức tăng phi mã trên đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho doanh nghiệp. Không chỉ gây sự xáo trộn về giá của thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp khi mỗi năm phải trả chi phí thuê mặt bằng, thuê đất tăng từ 20-30%.
Đánh giá về việc điều chỉnh trên, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Công ty Thái Tuấn, Nghệ An nhận định, muốn tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển thì nên cân bằng mọi yếu tố, tránh gây nên sự bất ổn cũng như mất cân bằng về nguồn cung trên thị trường, khi đó giá đất "leo thang" sẽ là một rào cản chính kìm hãm nền kinh tế.
"Nếu không xem xét điều chỉnh lại, tôi lo rằng việc triển khai các dự án bất động sản sẽ khó khăn hơn, đồng thời chi phí xây dựng hạ tầng cũng tăng vì mức đền bù, giải phóng mặt bằng cao, chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng" - Ông Thái nói.
Bên cạnh đó, để thu hút nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, cũng như khối doanh nghiệp FDI vào tỉnh thì giá đất trên thị trường phải có giá cạnh tranh và phản ánh đúng với tốc độ phát triển kinh tế địa phương.
Đưa ra quan điểm về dự thảo trên, ông Khanh - Đại diện Trung tâm đấu giá, định giá Bất động sản Nghệ An cho biết, bảng giá đất tăng kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng.
Cụ thể: Phí chi trả cho các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất ở tăng. Qua đó, nghĩa vụ tài chính tăng cao có thể dẫn đến những trường hợp trốn tránh thực hiện thủ tục pháp lý hoá, giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay sẽ khiến Nhà nước thất thoát tiền thu thuế và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
"Do vậy để đưa ra bảng giá đất hợp lý cho giai đoạn tới, tôi cho rằng các sở ban ngành nên có buổi thảo luận, lấy ý kiến cùng với các Hiệp hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời việc xây dựng phải trên tiêu chí làm "hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp, để tạo nên sự đồng thuận, động viên khuyến khích cho cộng đồng doanh nghiệp" - ông Khanh nói.
Trước thực trạng trên, Hiệp hội doanh nghiệp, Doanh nhân tỉnh Nghệ An mong muốn các sở ban ngành nên xem xét xây dựng ban hành bảng giá đất giai đoạn 5 năm tới một cách phù hợp, đúng biên độ thị trường nhằm đảm bảo được tính khách quan chính xác và là cơ sở, đòn bảy cho nền kinh tế địa phương phát triển./
PHƯƠNG THANH - Theo enternews.vn
https://enternews.vn/gia-dat-de-xuat-tang-anh-huong-the-nao-den-doanh-nghiep-163628.html