Ngân hàng xác định nông nghiệp là lĩnh vực tập trung vốn đầu tư
Ngày 4/4/2025, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 cho biết, Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 (gồm TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu), với 183 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn ưu tiên, xác định nông nghiệp là lĩnh vực tập trung vốn đầu tư, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Hà, tính tới cuối tháng 12/2024, dư nợ tín dụng cho ngành nông nghiệp của khu vực là 202.000 tỷ đồng, trong đó ngành hàng lúa gạo là 121.000 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.

Quyền Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 14 cho biết, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân. nông thôn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của ngành Ngân hàng. Minh chứng cho điều này là nay dư nợ tín dụng của khu vực ĐBSCL tới nay đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 202.000 tỷ đồng, riêng ngành hàng lúa gạo chiếm 121.000 tỉ đồng, tăng hơn 16%.
“Ngành gạo xuất khẩu thì hầu như 90% xuất phát từ ĐBSCL, không lý do gì chúng tôi không quan tâm”, ông Hà nói.
Nói thêm về các gói tín dụng, ông Hà cho biết Chính phủ có Nghị định 55/2015/NĐ-CP cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP đang phát huy hiệu quả.
Sau một thời gian thực hiện, ngành Ngân hàng đang nghiên cứu bổ sung làm sao hỗ trợ người nông dân tốt nhất theo hướng nâng mức hỗ trợ.
Ông Hà cho biết, theo quy định, nếu cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Ngân hàng không sử dung tài sản thế chấp, mà tài sản bảo đảm nợ vay. Khi cho vay chỉ cần UBND cấp xã xác nhận có tài sản hoạt động trong nông nghiệp, có phương tiện sản xuất là ngân hàng cho vay.
Tiếp đến, với Nghị định 55/2015/NĐ-CP người dân có thể cho vay tín chấp tới 100 triệu đồng, riêng hợp tác xã cho vay 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp nhưng phải có điều kiện là chứng minh được khả năng sử dụng vốn. Ngân hàng không đòi hỏi phải thế chấp tài sản nhưng phải chứng minh phương án sản xuất khả thi, hiệu quả và có khả năng hoàn trả.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có Quyết định 1490/QĐ-TTg về thí điểm 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp. Đây là chương tình cực kỳ tốt và hiệu quả, đi trước thời đại, nhưng còn nhiều vướng mắc, cần xác định định mức, xây dựng được mối liên kết.

Ngành Ngân hàng sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng, chỉ đạo sát sao việc triển khai công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng mà hội thảo hôm nay là một trong những giải pháp đó, không để khách hàng nào đủ điều kiện tiếp cận vay vốn mà không được vay vốn. Chúng tôi hy vọng kết quả mang lại là hạt gạo Việt Nam khẳng định được thương hiệu, phát triển đúng vị thế của mình”, ông Hà khẳng định.
Các ngân hàng tích cực đồng hành cùng doanh nhân và bà con nông dân
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết: Khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) có giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án, trong đó nguồn vốn rất quan trọng.
Ông Phúc cũng cho biết, NHNN giao cho Agribank là ngân hàng duy nhất triển khai thí điểm cho vay đề án 1 triệu ha này.
“Khi được giao nhiệm vụ này, chúng tôi thành lập ban chỉ đạo và cũng tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước để triển khai chính sách cho vay và cụ thể chúng tôi đã áp dụng giảm tối thiểu 1% lãi suất đối với các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp vay trong chuỗi liên kết. Một trong những điều kiện gần như là điều kiện cứng để vay trong đề án này là tham gia chuỗi liên kết. Thứ hai là phải nằm trong vùng chuyên canh”, ông Phúc thông tin.
Theo ông Phúc, nguồn vốn là không thiếu, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu nhưng có khó khăn là các tỉnh công bố vùng chuyên canh chưa đồng bộ, thậm chí có tỉnh chưa công bố, tham gia chuỗi liên kết cũng chưa nhiều; trong khi các hợp tác xã thì các thành viên tham gia từ tài sản đảm bảo, từ trách nhiệm hoặc mô hình doanh nghiệp một cách minh bạch tài chính thì còn manh mún, chưa vươn tầm.
Nói thêm về đề xuất vay theo thời vụ để xuất khẩu hàng sang châu Phi, ông Phúc nêu quan điểm nếu có kế hoạch dài hạn, chủ động thì chúng ta sẽ tận dụng được thời cơ, chủ động được nguồn tài chính.
“Ngân hàng cũng phản ứng rất nhanh, có thể làm phương án bổ sung vay vốn hoặc đối với những doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi ngân hàng cũng có nghiệp vụ bảo lãnh trả chậm (L/C) nếu doanh nghiệp có đủ uy tín để ngân hàng trong nước và ngân hàng quốc tế tại châu Phi bảo lãnh”, ông Phúc nói.
Ông Ngô Thanh Sang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Chi nhánh Cần Thơ: MB tự hào được HĐQT quan tâm tới kinh tế địa phương. Riêng ở miền Tây, MB thiết kế sản phẩm riêng cho ngành gạo, thông qua việc tài trợ cả cho doanh nghiệp, thương lái, bạn hàng sáo, nông dân… Đặc biệt, MB đồng hành cùng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải bằng việc triển khai hẳn chương trình cho riêng đối tượng thuộc Đề án, với lãi suất giảm 1-1,5%.
Ngoài ra, ngân hàng còn linh hoạt trong tài sản thế chấp, ví như: bất động sản, ghe, sà lan... theo giá thị trường.