Sinh viên ra trường với ảo tưởng về công việc lương cao nhưng thực tế không giống những thông báo tuyển dụng trên mạng, họ phải học thêm nếu muốn trụ lại.
Cuối năm 2016, câu chuyện nữ sinh năm nhất đặt câu hỏi “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?” dấy lên cuộc tranh luận.
Nhiều người cho rằng đây là mức lương không tưởng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT của Navigos Search Hà Nội, một số công ty sẵn sàng trả lương khởi điểm 2.500 USD/tháng. Đáng tiếc, hầu hết sinh viên mới ra trường chưa đủ năng lực để nhận.
Sinh viên sốc khi đi làm lần đầu
Chuyện sinh viên mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc là điều dễ hiểu, dù họ trải qua 3-4 năm được đào tạo.
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, 70% sinh viên ra trường cần được đào tạo thêm. Khoảng 72% sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và hơn 60% yếu kỹ năng làm việc nhóm.
Minh Đại (23 tuổi, Hà Nội) là một trong số đó. Chọn theo học ngành Khoa học Máy tính, Đại mong muốn có công việc ổn định, lương cao và không lo bị đào thải.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, cậu nghĩ nhiều về tương lai tươi sáng nên hồ hởi đi xin việc. Cú sốc đầu tiên đến với chàng trai trẻ khi phần lớn công ty yêu cầu có kinh nghiệm 1-3 năm. Trong khi đó, cả quá trình học, cậu chỉ tiếp xúc lý thuyết, chưa bắt tay thực hành viết phần mềm, sửa bug hay làm gì liên quan đến bảo mật.
Vài tháng sau ngày tốt nghiệp, Minh Đại được nhận vào làm ở một công ty nhỏ, chấp nhận cầm tay chỉ việc cho người chưa có kinh nghiệm. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn chưa ổn.
Công ty yêu cầu nhân viên lập trình thành thạo với hệ cơ sở dữ liệu SqlServer, MySQL, Oracle. Khi biết cần đến Oracle, Đại “ngớ người” vì ở đại học, cậu chưa được học.
Minh Đại thừa nhận phần lớn chương trình học chỉ nằm ở lý thuyết, các ngôn ngữ C, C++, C#, không phải không có ích nhưng còn thiếu hụt giai đoạn thực hành.
“Những kiến thức được học là nền tảng. Ngành này đòi hỏi người học cần tìm tòi nhiều. Những ai nắm được nền tảng mà chịu khó học thêm mới theo kịp công việc được”, Đại cho biết.
Ngoài ra, ngành IT đòi hỏi tiếng Anh tốt để phục vụ công việc, đồng thời nhanh chóng tiếp cận cái mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới. Trong khi đó, tiếng Anh lại không phải môn được chú trọng ở trường Đại.
Trước đây, trường yêu cầu điểm TOEIC để được công nhận tốt nghiệp. Nhiều người đăng ký học ở trung tâm, cố đối phó cho qua. Sau này, trường bỏ quy định, việc học ngoại ngữ bị bỏ bê hẳn.
Vì thế, sau hơn một năm va đập, cả lớp hơn 60 sinh viên nhưng chỉ còn 5-6 người theo ngành học. Họ thừa nhận từng “ảo tưởng” nhiều về công việc của kỹ sư khoa học máy tính chuyên phát triển phần mềm, website hay ngăn chặn hacker, về tỷ lệ việc làm trên 90% và mức lương từ 8-30 triệu.
Chấp nhận va đập hoặc rẽ hướng khác và sốc tiếp
Đương nhiên, mức lương trên 30 triệu không hiếm với kỹ sư phần mềm. Nó không phụ thuộc việc người đó học gì ở trường, học đại học, cao đẳng hay trung cấp. Khả năng chịu va đập trong công việc cùng năng lực học hỏi mới là yếu tố quyết định.
P.V.A. (25 tuổi) từng học ngành Công nghệ Thông tin hệ cao đẳng tại một trường đại học ở TP.HCM. Ra trường, cậu vào làm cho công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất. Dù thành tích học tập tốt, V.A. thừa nhận thời gian đầu, cậu rất chán nản và luôn có cảm giác mình không biết gì. Mọi thứ học ở trường khác xa với yêu cầu thực tế của công việc.
Chàng kỹ sư trẻ mất vài tháng để thích nghi với môi trường và việc cộng tác với người khác trong quá trình làm việc. Trong thời gian đó, không ít lần, V.A. nghĩ tới chuyện bỏ việc.
Thế nhưng, sau cùng, V.A. vẫn gắn bó công việc đầu tiên hơn một năm trước khi chuyển sang làm cho một công ty của Nhật Bản. Đầu năm 2019, cậu lại đầu quân cho tập đoàn lớn của Việt Nam với mức lương 35 triệu/tháng.
“Đến giờ, tôi vẫn vừa làm vừa học thêm. Nếu chỉ có kiến thức ở trường, bạn đừng mơ đến công việc ‘ngon lành’, lương cao được ghi trong thông tin tuyển sinh. Không chịu được va đập liên tục và thường xuyên học hỏi, sớm muộn gì, bạn cũng bỏ cuộc thôi”, V.A. thẳng thắn.
Cú sốc khi bước chân vào môi trường làm việc thực tế cũng khiến không ít người bỏ cuộc, chuyển sang làm trái ngành.
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, khoảng 80% sinh viên, học viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng chỉ 50% trong số đó làm việc phù hợp năng lực bản thân. Ngoài ra, 60% sinh viên ở thành phố này chọn sai ngành học.
Hồ Trâm (25 tuổi, TP.HCM) là một trong số đó. Ngay từ thời sinh viên, cô đã thử qua một số công việc liên quan đến ngành học và nhận thấy mọi chuyện không như mình nghĩ.
3 năm trước, Trâm tốt tốt nghiệp với tấm bằng ngành Ngữ văn Pháp và ứng tuyển vào vị trí nhân viên sale tại một ngân hàng.
Đương nhiên, bắt đầu công việc với kiến thức chuyên ngành là con số không, cô nàng vất vả, trầy trật rất nhiều. Trong khi đồng nghiệp tự tin nói về kinh tế, xu hướng cho vay, tài chính, Trâm không có gì khác ngoài năng lực ngôn ngữ và “tư duy thoáng” của người từng học ngoại ngữ.
“Tôi không phải kiểu người ngại giao tiếp. Nhưng ít nhất mình phải biết về nó mới nói được chứ”, Trâm giải thích.
Cũng may, dù không học về sale, kinh tế hay tài chính, Hồ Trâm lại được rèn kỹ năng mềm cùng lối tư duy và tinh thần học hỏi từ thời đại học. Nhờ đó, cô bắt kịp đồng nghiệp và gắn bó với công việc trong suốt 3 năm qua.
Trâm tâm sự nếu được chọn lại, cô vẫn học ngành cũ. Cô giải thích ở chỗ làm, không phải ai cũng học kinh tế, thậm chí có người học trung cấp, cao đẳng theo ngành không liên quan. Nhưng chính môi trường không trọng bằng cấp đó khiến cô cảm thấy thoải mái và có tinh thần học khi những người xung quanh cũng luôn cố gắng học.
“Làm trái ngành không phải vấn đề gì lớn. Dù sao, có theo đúng ngành, thời gian đầu, mình cũng sốc và phải ‘tỉnh mộng’ để học tiếp thôi”, Hồ Trâm chia sẻ.