Là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được giới đầu tư bất động sản quan tâm vì giá tăng rất nóng. Đó cũng là lý do khiến nhiều người xem thường pháp luật, phân lô bán nền, xây dựng không phép.
Rầm rộ xây dựng không phép
Mới đây, có mặt tại khu Nam Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ, thị trấn Dương Đông (Huyện Phú Quốc), chúng tôi nhận thấy sự nhộn nhịp của một công trình nhà ở đang diễn ra tại khu vực này.
Trao đổi với các công nhân đang thi công, họ cho biết chỉ được giao khoán, làm thuê, không có chủ tại đây. Nếu muốn tìm hiểu, mua bán gì thì gặp chủ. Họ giới thiệu cho chúng tôi người tên Lâm, một trong số các chủ đất ở khu vực này để liên lạc thì được biết ông Lâm là 1 trong số nhiều người đã mua đất và cho xây dựng rầm rộ tại khu vực này.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lâm cho biết đang sống ở TP HCM, đồng thời khẳng định nếu chúng tôi muốn mua nhà, đất ở đây thì sẽ không có giấy tờ, chỉ mua giấy tay nhưng đảm bảo sẽ “hợp thức hóa” và có giấy tờ. Ông Lâm cho biết cứ mua giấy tay với nhau, khi nào họ (đầu nậu tự mua đất và phân lô bán) làm được giấy tờ thì làm chung luôn cho nhiều người. Theo ông Lâm, ở khu này có tầm 3ha, sau đó phân lô, mỗi lô đất 500m2 có giá 800 triệu đồng. Mua xong nếu thích thì mình tự xây. “Trên xã vẽ từng lô rồi mình xây. Sau này sẽ có phạt, rồi làm giấy tờ. Ước chừng tiền phạt này kia từ 500 triệu – 1tỉ đồng nữa là ra giấy tờ cho mình. Nhà tôi có 4 lô, còn bạn bè mua lại ở khu này cũng nhiều. Mua trong này rẻ chứ ở ngoài thì mắc hơn. Nếu anh chị muốn mua thì về TP HCM mình gặp bàn trực tiếp”- ông Lâm nói.
Ngoài khu vực này, phía ngoài cổng đi vào khu Nam Bãi Trường, chúng tôi được biết còn có một số khu vực đã bị lấn chiếm, xây dựng kiên cố.
Thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được thì chính khu vực mà người dân ngang nhiên bao chiếm và phân lô bán nền, xây nhà rầm rộ này là phần đất đã được giao cho Công ty TNHH Nhựa Phước Thành với diện tích gần 19ha để triển khai dự án. Dự án có tên là Ocean Flowen – Hoa Đại Dương đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Đơn vị này đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, quyết định chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở. Đặc biệt là chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc ứng trước hàng chục tỉ đồng để địa phương tiến hành bồi thường, di dời, hỗ trợ tái định cư. Trên thực tế, trước đây là khu đất rừng, giao cho một số hộ dân trồng, quản lý. “Chúng tôi đã chuyển tiền cho huyện nhưng không biết vì sao việc đền bù chậm trễ, dẫn đến thực trạng đáng lo như hiện nay mà lãnh đạo địa phương chưa xử lý, làm cho chúng tôi khó khăn trong việc triển khai dự án” – đại diện Công ty TNHH Nhựa Phước Thành cho biết.
Xã không thể xử lý?
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, cho biết xã đã nắm được sự việc. Phần đất mà nhiều người lấn chiếm nằm ngay dự án của Công ty TNHH Nhựa Phước Thành, được tỉnh giao gần 19ha. Nhưng một phần đất trong đó đã bị một số hộ dân vây chiếm, phân lô bán nền. “Chúng tôi đã lập hồ sơ, trình lên lãnh đạo huyện để xử lý vì với quy mô bao chiếm, xây cất nhiều như vậy thì lực lượng của xã không thể nào làm nổi”- ông Nhân khẳng định.
Ông Nhân cũng cho biết thêm, theo đúng quy trình thì huyện, xã phải cho cưỡng chế và giao đất sạch lại cho doanh nghiệp đã được tỉnh giao đất. Nhưng khi lực lượng xã xuống xử lý thì những người thợ ở đây cho biết họ làm thuê, trong khi chủ thì không ra mặt nên xã cũng khó lập biên bản.
Ngoài ra, còn một vướng mắc là hiện nay trên phần đất này còn 1 số sổ đất mà nhà nước giao khoán rừng cho dân từ ngày xưa, nhưng chưa thanh lí được.
Lãnh đạo xã cũng đã có thiếu sót trong việc thông báo tình trạng ngang nhiên lấn chiếm đất, xây nhà rao bán của các hộ dân tại đây. Bởi thực tế nếu chưa xử lý cưỡng chế, không thông báo rộng rãi xây trái phép thì nhiều người dân, đặc biệt người ở xa tới sẽ không biết thực trạng, bỏ tiền mua. Tình trạng mua đi bán lại, chuyền tay nhau sẽ để lại hậu quả bất ổn cho thị trường bất động sản ở Phú Quốc cũng như cho xã hội nếu thực trạng diễn ra bát nháo, không quản lí được.
Trao đổi thông tin với chúng tôi về chủ trương cho xây rồi xử phạt, hợp thức hoá, ông Nhân khẳng định lãnh đạo xã cũng như huyện không có chủ trương này. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo quyết liệt là dù chủ đất không đến ký biên bản thì chính quyền địa phương cũng cho xử lý sớm để giao đất cho doanh nghiệp chứ không để gây thiệt hại cho người mua.
Được biết trước đây, lãnh đạo huyện Phú Quốc đã có các cuộc họp liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp lãnh đạo xã Dương Tơ tiến hành kiểm tra, xử lý công trình trái phép này để bàn giao đất cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Nhựa Phước Thành nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.
Điểm nóng thu hút đầu tư
Hiện tại, huyện đảo Phú Quốc có khoảng 300 dự án bất động sản, tổng vốn đăng ký đến 370.000 tỉ đồng. Với vùng biển tuyệt đẹp, nhiều chủ đầu tư lớn đã tìm đến đây để đầu tư, khai thác, đánh thức tiềm năng. Thế nhưng, với việc buông lỏng quản lý, chậm trễ xử lý để các cá nhân xây dựng trái phép, phân lô bán nền đã gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.