Ngân hàng Vietbank: Dự án của mẹ thế chấp vào ngân hàng của con

13/02/2023 10:57

Thông qua hồ sơ, hàng loạt dự án khủng của Tập đoàn Hoa Lâm đang được thế chấp tại VietBank. Trong khi đó bà Trần Thị Lâm - chủ Tập đoàn Hoa Lâm - là mẹ của ông Dương Nhất Nguyên. Ông Nguyên hiện giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT Vietbank.

Tập đoàn Hoa Lâm – Vietbank: Quan hệ mật thiết

Được biết, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm được thành lập theo quyết định số 2391/QĐ-NHNN vào ngày 14/12/2006. Vietbank có trụ sở chính và địa bàn hoạt động tại tỉnh Sóc Trăng. Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Trải qua 5 lần tăng vốn, hiện tại vốn điều lệ của Vietbank là 4.190 tỷ đồng, tương đương 419 triệu cổ phiếu. Cũng như hàng loạt ngân hàng khác như VietABank, Eximbank, DaiABank, KienLongBank, ngân hàng này cũng được những người mang họ ACB sáng lập.

Nhóm cổ đông ACB trước đây được biết đến là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (hay còn gọi bầu Kiên). Tuy nhiên, bước sang năm 2019, nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần của Vietbank. Cụ thể, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) thông báo đã hơn 6,6 triệu cổ phiếu Vietbank, tương đương 2,035% vốn điều lệ trong thời gian 6/12/2018 đến 6/1/2019.

1584500348-viettin-1555-1676260511.jpg

Bà Trần Thị Lâm - chủ Tập đoàn Hoa Lâm - là mẹ của ông Dương Nhất Nguyên, hiện tại ông Nguyên hiện giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT Vietbank.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm vẫn hiện diện tại Vietbank. Con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Dương Nhất Nguyên, trước đây vị trí này do chồng bà Lâm là ông Dương Ngọc Hòa đảm nhiệm.

Ông Dương Ngọc Hòa làm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm giai đoạn 1999-2005. Dù đến ngày 14/12/2006, Vietbank mới có giấy phép thành lập nhưng từ tháng 9/2006, ông Hòa đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank. Và sau đó chuyển giao vị trí này cho con trai.

Theo Báo cáo quản trị năm 2021, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Vietbank và tổ chức liên quan đang nắm giữ 15,9% tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này.

Trong năm 2021, Vietbank cấp tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong hệ thống Hoa Lâm của bà trần Thị Lâm.

Loạt dự án của Hoa Lâm thế chấp tại Vietbank

Ngay trên website của công ty, Tập đoàn Hoa Lâm đã khẳng định: “Năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín. Đây cũng là cách để Tập đoàn Hoa Lâm củng cố và mở rộng tiềm lực tài chính vững mạnh”.

Đây cũng có thể lý giải vì sao các dự án, hợp đồng mua bán, trái phiếu của Tập đoàn Hoa Lâm hay công ty thành viên đều được thế chấp tại Vietbank.

Có thể kể đến như, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Chợ Đũi (Công ty thành viên của Hoa Lâm) dùng khoản phải thu phát sinh từ thỏa thuận mua bán với Ngân hàng TMCP Phương Nam làm tài sản đảm bảo.

Dự án Khu căn hộ - Trung tâm thương mại, dịch vụ Đông Dương (tên thương mại là Kingdom 101) tại số 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 do Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm) làm chủ đầu tư. Dự án Kingdom 101 có quy mô 986 căn hộ này được xây dựng trên khu đất 11.400 m2 được khởi công vào ngày 29/09/2017. Theo văn bản 55CV/ĐD – 2018, của Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương. Ngày 1/8/2018, Công ty cổ phần Phát triển Đô Thị Đông Dương đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai của dự án nói trên tại Ngân hàng Vietbank – Chi nhánh TP.HCM.

lim-tower-ii-1614-1676260511.jpg

Hàng loạt dự án khủng của Tập đoàn Hoa Lâm đang được thế chấp tại VietBank.

Hay Tập đoàn Hoa Lâm thế chấp toàn bộ các quyền của bên đảm bảo phát sinh từ hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Lâm còn thế chấp toàn bộ vốn góp ở Công ty cổ phần phát triển đô thị Đông Dương tại Vietbank.

Mối liên hệ giữa Hoa Lâm và Vietbank còn thể hiện ở hàng loạt bất động sản của Hoa Lâm được Vietbank thuê lại làm trụ sở. Điển hình là ngày 30/12/2016, Vietbank thuê cao ốc số 90 Cao Thắng, quận 3 của vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa để làm phòng giao dịch, với giá gần 190 triệu đồng/tháng, tới ngày 31/12/2022 mới hết hợp đồng.

Mối liên hệ giữa Hoa Lâm và Vietbank sẽ còn nói đến rất nhiều nếu nhìn vào sự kiện ngày 17/12/2018, vốn điều lệ của Vietbank tăng lên hơn 4.256 tỷ đồng. Mục đích tăng vốn được Hội đồng quản trị Vietbank công bố là dành 507 tỷ đồng để kinh doanh, đầu tư trái phiếu, duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật.

Được biết, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản vừa được tổ chức ngày 9/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu tới đây phải chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Theo Hà Long/GĐO
Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Vietbank: Dự án của mẹ thế chấp vào ngân hàng của con" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.