Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho GELEX mua cổ phần của Eximbank

06/08/2024 07:41

Nếu giao dịch thành công, GELEX sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này.

Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý để GELEX mua cổ phần của Eximbank thông qua phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận qua hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Tp. HCM trong năm 2024.

Nếu giao dịch mua cổ phần Eximbank thành công, GELEX sẽ nâng tỉ lệ sở hữu dự kiến đến mức 10% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này. Đây cũng là mức tỉ lệ mà một cổ đông tổ chức được sở hữu tối đa tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

eib-4507-0931-1722904854.jpg

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 1/7/2024, Eximbank đã công bố danh sách những cổ đông sở hữu trên 1%. Tại thời điểm đó, GELEX cũng đã sở hữu 4,9% cổ phần của ngân hàng này.

Tập đoàn GELEX thành lập năm 1990, hoạt động trong 2 lĩnh vực cốt lõi là sản xuất thiết bị điện và hạ tầng, khu công nghiệp với hệ sinh thái thương hiệu mạnh gồm các tên tuổi như: CADIVI, THIBIDI, Viglacera.

Hiện, GELEX có hơn 50 công ty thành viên và liên kết với tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2024 đạt 52.442 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế 1,475 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành 28% kế hoạch của cả năm nhưng bức tranh lợi nhuận của ngân hàng đã cho thấy sự khả quan khi lợi nhuận kinh doanh tăng dần theo từng quý.

Trước đó theo báo cáo tài chính quý 2/2024 tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB) ghi nhận, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng này trong kỳ tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), đạt gần 1.512 tỷ đồng.

Trong kỳ, Eximbank ghi nhận khoản thu đột biến từ hoạt động kinh doanh khác đạt 213 tỷ đồng, tăng 189% YoY. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng này giảm 33% YoY và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 5 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí hoạt động tăng 21% lên 934 tỷ đồng, nhưng ngân hàng này vẫn thu về 1.034 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 221 tỷ đồng, tăng 24% YoY. Kết quả, ngân hàng này lãi trước thuế quý 2/2024 đạt hơn 813 tỷ đồng, tăng 52% so với quý 2/2023.

Trong quý 1/2024, lợi nhuận trước thuế của Eximbank giảm 24,1% YoY, xuống còn 661 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank thu được hơn 1.474 tỷ đồng lãi trước thuế, dù tăng 5% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ thực hiện được gần 28,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm (5.180 tỷ đồng).

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, cổ đông Eximbank có đặt câu hỏi về việc mục tiêu lợi nhuận năm nay có quá tham vọng? Trả lời về vấn đề này, Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn, nhiều ngân hàng khác có kết quả tốt hơn so với EIB. Trong bối cảnh rối ren, bất ổn, ban lãnh đạo ngân hàng chọn an toàn, đầu tư vào nội tại hơn là yếu tố hiệu quả.

"Tôi hy vọng kế hoạch năm 2024 là khả thi. Quý 1/2024, việc tìm khách hàng rất khó. Khả năng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng khó khăn. Ban quản trị Eximbank sẽ tìm cách, kỳ vọng rằng quý 3 và 4 sẽ có tăng trưởng, đạt kỳ vọng của cổ đông," ông Hải cho biết và nói thêm "Ban điều hành cố gắng thực hiện cho bằng được kế hoạch năm 2024, một cách tận tâm, tận lực, tận cùng. Với kế hoạch tham vọng như vậy rất cần sự ủng hộ của cổ đông".

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Eximbank mở rộng 5% so với đầu năm, lên 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 38% lên 5.599 tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác giảm 27% còn 31.542 tỷ đồng. Eximbank cho vay khách hàng tổng 151.327 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm ngoái.

Ở phía nguồn vốn, sau nửa đầu năm, tiền vay NHNN của Eximbank ghi nhận hơn 2.505 tỷ đồng, trong khi đó cuối năm 2023 chỉ có gần 20 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của ngân hàng này ghi nhận giảm so với đầu năm, tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn vẫn tăng hơn 41% lên 2.632 tỷ đồng. Kết quả, tổng nợ xấu sau 6 tháng tăng 7% lên 4.002 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho GELEX mua cổ phần của Eximbank" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.