Trong khi ô tô nhập khẩu được hỗ trợ bởi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực thì xe lắp ráp trong nước cũng không "kém cạnh" vì được hưởng ưu đãi phí trước bạ.
Anh Thế Hoàng quận Thanh Xuân, Hà Nội băn khoăn: "Tôi đang muốn mua ô tô. Được biết từ 1/8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều dòng xe sắp giảm mạnh thuế nhập khẩu. Trong khi đó, xe lắp ráp trong nước cũng sắp được giảm 50% phí trước bạ. Tôi băn khoăn không biết nên mua xe ngoại hay nội, cụ thể những dòng xe nào được giảm giá và giảm bao nhiêu"?
Câu hỏi của anh Hoàng cũng là thắc mắc của nhiều người muốn mua xe thời điểm này. Thường thì với những người có điều kiện kinh tế, dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ luôn được ưu tiên nhưng hạn chế lớn nhất của dòng xe này là thuế nhập khẩu rất cao chiếm phần lớn giá trị xe, thậm chí riêng tiền thuế nhiều xe đã lên tới cả tỷ đồng. Ngoài ra do là xe nhập khẩu nên phụ tùng thay thế không có sẵn.
Tuy nhiên, thông tin từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực khiến nhiều người muốn mua xe ngoại "dễ thở" hơn. Bởi vì, theo như cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình, trong đó có ô tô nhập.
Đại diện một đơn vị chuyên nhập khẩu ô tô ở Hà Nội cho biết: "Hiện, các dòng xe nhập của châu Âu chủ yếu vào Việt Nam là Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo, Maserati, Volkswagen. Đa số các mẫu xe nhập đều có giá trên 2 tỷ đồng/chiếc. Thế nhưng với việc mỗi năm giảm từ 7-9% thuế xuất thuế nhập khẩu, giá thành xe nhập khẩu từ các nước như Đức, Italy... sẽ rẻ đi rất nhiều".
Trường hợp nếu giảm thuế được thực hiện trong chu kỳ 2-3 năm, mỗi chu kỳ cắt giảm theo lộ trình từ 15% đến 30%/năm. Như vậy, từ tháng 8/2020 người tiêu dùng Việt sẽ được hưởng ngay các mức giá xe rẻ hơn nhập về từ châu Âu.
Trường hợp năm đầu tiên, lộ trình giảm thuế xuất, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là 15%, mức giá sẽ có thể giảm ít nhất hơn 100 triệu đồng.
Ví dụ, hiện một chiếc Mercedes-Benz GLB 200 có giá tại Đức khoảng 38.000 euro (tương đương 960 triệu đồng) khi được đưa về Việt Nam sẽ phải chịu thuế nhập khẩu gần 750 triệu, thuế tiêu thụ đặc biệt 336 triệu đồng. Giá xe có thể tới hơn 2 tỷ đồng. Nhưng nếu thuế nhập khẩu giảm 15%, giá chiếc GLB này còn khoảng hơn 1,9 tỷ đồng.
Với những xe có giá trị lớn thì mức ưu đãi thuế tính ra càng nhiều như xe BMW X7 bản tiêu chuẩn khoảng 100.000 euro (khoảng 2,52 tỷ đồng) sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 1,96 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1,5 tỷ đồng. Giá xe có thể tới 6 tỷ đồng. Nếu thuế nhập khẩu giảm 15%, giá xe còn khoảng gần 5,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giảm giá thành xe không chỉ là thuế nhập khẩu mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, sự cạnh tranh của thị trường...
Trong khi đó, hiện các dòng xe lắp ráp trong nước cũng được kỳ vọng giảm giá nhiều do có các chương trình khuyến mãi để kích cầu cũng như chuẩn bị được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Phân khúc xe sang có Mercedes-Benz, với một số dòng xe lắp ráp trong nước như E-class, C-class và GLC được hưởng ưu đãi này.
Ở phân khúc xe hạng trung cao cấp, chỉ duy nhất Peugeot (hiện đang có hai mẫu crossover 3008 và 5008 cùng mẫu MPV Traveller) được hưởng ưu đãi.
Ở phân khúc xe bình dân, khá nhiều thương hiệu được hưởng lợi, gồm: Hyundai, Mazda (ngoại trừ mẫu bán tải BT-50), KIA, VinFast, Ford với Ecosport và Tourneo, Honda với City, Mitsubishi có Outlander, Nissan với Sunny, Toyota với Vios/Altis/Innova
Vì vậy, theo các chuyên gia việc hiệp định EVFTA có hiệu lực cũng như các chính sách dành riêng cho dòng xe lắp ráp trong nước đều là những cơ hội để người tiêu dùng có thể có nhiều lựa chọn dòng xe phù hợp với tình hình tài chính của mình.