Mới đây, theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi các tổ chức tín dụng, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng các chiêu thức lừa đảo tín dụng mới nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo đó, lợi dụng tình hình tài chính khó khăn cũng như nhu cầu tài chính cấp bách của người dân, các đối tượng liên tục thay đổi cách thức tiếp cận và chiếm đoạt lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của chúng vẫn là để lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân và mật khẩu OTP, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Cụ thể, các đối tượng thường mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi khách hàng đọc tên và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ. Sau đó, kẻ gian thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc 6 số trong tin nhắn, thực chất là OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.
Một hành vi khác cũng nhằm mục đích chiếm đoạt OTP, rộ lên trong thời gian gần đây, đó là: đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó, mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… Sau đó, khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, OTP. Căn cứ các thông tin này, đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Trước thực trạng lừa đảo tín dụng ngày càng tinh vi, bên cạnh việc liên tục đưa ra các cảnh báo để lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin giao dịch ngân hàng, các tổ chức tài chính cũng liên tục áp dụng các công nghệ bảo mật mới, đảm bảo an ninh, an toàn trong các giao dịch của khách hàng.
Tại công ty tài chính FE CREDIT, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như giảm thiểu rủi ro khách hàng bị đánh cắp OTP trong quá trình giải ngân, mới đây công ty đã triển khai thành công quy trình “Giải ngân bằng xác thực khuôn mặt” cho các khách hàng.
Theo đó, tất cả khách hàng được duyệt vay và nhận giải ngân qua kênh tiền mặt tại FE CREDIT, sau khi cung cấp CMND tại quầy giao dịch, sẽ nhận được tin nhắn chứa link để thực hiện xác thực khuôn mặt. Khách hàng chỉ nhận được mã OTP để nhận tiền giải ngân sau khi xác thực khuôn mặt thành công.
Đại diện FE CREDIT cho biết, xác thực khuôn mặt trong quy trình giải ngân sẽ giúp ngăn chặn rủi ro gian lận, giúp khách hàng chủ động bảo vệ thông tin cá nhân. Những hành vi lạm dụng sự cả tin của khách hàng để chiếm đoạt OTP sẽ được giảm thiểu, từ đó tiết kiệm rất nhiều thời gian cho cả công ty lẫn khách hàng, đồng thời tăng độ tin cậy cho dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Để cải thiện chất lượng quản trị rủi ro, FE CREDIT cũng dự kiến sẽ sớm triển khai công nghệ xác thực khuôn mặt vào quy trình xác thực giao dịch qua thẻ tín dụng, bảo vệ khách hàng trước các rủi ro gian lận từ tội phạm công nghệ.
Trước đó, FE CREDIT đã ứng dụng thành một một loạt các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình thẩm định như: nhận diện ký tự quang học, nhận diện sinh trắc học (OCR/ICR)…giúp giúp quy trình duyệt vay nhanh chóng và thuận tiện hơn mô hình cho vay truyền thống.
Hướng dẫn quy trình và những lưu ý dành cho khách hàng khi thực hiện giải ngân bằng xác thực khuôn mặt. Bước 1: Khách hàng đến quầy giao dịch, cung cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân và appID cho giao dịch viên. Bước 2: Khách hàng nhận được tin nhắn chứa web-link để thực hiện xác minh danh tính. Nhấn link để bắt đầu. Bước 3: Màn hình hiện lên thông báo số tiền giải ngân và lưu ý. Nhấn okay để tiếp tục. Bước 4: Khách hàng nhấn vào "Chụp hình" để bắt đầu. Bước 5: Khi vòng tròn chuyển sang xanh, khách hàng nhấn vào biểu tưởng máy ảnh để tiến hành chụp ảnh. Bước 6: Màn hình hiện lên thông báo mã OTP, khách hàng cung cấp cho giao dịch viên và nhận tiền giải ngân. |
Trần Phượng