Theo các chuyên gia, mối đe dọa cạnh tranh từ các công ty công nghệ Trung Quốc đối với Mỹ đã khiến Washington gia tăng áp lực lên cuộc thương chiến giữa hai nước.
Theo SCMP, các quan chức Lầu Năm Góc đã có buổi thảo luận và đánh giá về công nghệ của Trung Quốc, tại đây đã có nhiều người tỏ ra lo ngại về những thành tựu công nghệ đáng ngạc nhiên của Trung Quốc, trong đó có những công nghệ sử dụng lưỡng dụng cả quân sự lẫn dân sự.
Đòn bẩy chiến tranh thương mại?
Giới quan sát cho rằng, Mỹ đã thực sự nhận ra mối đe dọa đến vị thế đứng đầu ngành công nghệ của nước này là Trung Quốc. Do đó, họ nhanh chóng thúc đẩy cuộc chiến tranh thương mại và thẳng thắn đề cập đến vấn đề công nghệ, viễn thông trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc.
Không thể loại bỏ đối thủ, Washington kỳ vọng nhiều hơn vào việc kiềm chế bằng thỏa thuận với Bắc Kinh, thậm chí có thể là hợp tác trong tầm kiểm soát.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nổ ra và công nghệ đã trở thành một phần quan trọng, trong đó có vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đang được thảo luận trong các cuộc đàm phán.
Một số chuyên gia cũng nhận định rằng, chính quyền Tổng thống Trump muốn “làm khó” Huawei trong thời gian tới, để làm chậm tiến trình phát triển công nghệ của Trung Quốc trên toàn cầu. Bên cạnh đó, rất có thể Huawei được sử dụng như một “con tin” trong cuộc thương lượng, nhằm đảm bảo một thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho phía Mỹ.
Nhận định về khả năng trên, trao đổi với CNBC, ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Gavekal biết, Tổng thống Trump sẵn sàng sử dụng các biện pháp “độc đáo” làm đòn bẩy chống lại Trung Quốc.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, Mỹ - Trung đang tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng những động thái chống lại công nghệ Trung Quốc có thể là một phần của trò chơi dài hạn hơn, ngay cả khi cuộc chiến thương mại cuối cùng cũng kết thúc.
Theo ông Adam Segal, Chủ tịch công nghệ mới nổi và an ninh quốc gia tại Hội đồng đối ngoại Quan hệ, “Trên góc độ an ninh quốc gia, nhân quyền, cạnh tranh công nghệ, những mối lo từ công nghệ Trung Quốc sẽ còn đó và khi thỏa thuận thương mại được thực hiện. Sự leo thang dường như là một phần của áp lực kéo dài đối với Trung Quốc đối với công nghệ”.
Làm chậm bước tiến công nghệ Trung Quốc
Trao đổi với CNBC, các chuyên gia cho rằng mối đe dọa cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc đối với các tập đoàn của Mỹ cũng có thể là một lý do đằng sau áp lực gia tăng gần đây của Washington.
Nigel Inkster, cố vấn cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, “Hiển nhiên Chính phủ Mỹ đang lo ngại về khả năng bị Trung Quốc vượt qua trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, vấn đề về sự phát triển công nghệ 5G của Huawei hiện nay có thể so sánh với thời điểm Liên Xô cũ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik, khi đó Mỹ đã nhận ra rằng họ đã bị bỏ xa thế nào”.
Khoảnh khắc vệ tinh Sputnik thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên đã đánh dấu mốc Liên Xô cũ đánh bại Mỹ trong việc chạy đua công nghệ vũ trụ. Và với trường hợp của công nghệ 5G, Huawei đang không có đối thủ cạnh tranh.
Ngoài Huawei, mới đây nhất, ứng dụng Tik Tok cũng mới rơi vào tầm ngắm của Mỹ. Mỹ đang mở một cuộc điều tra với công ty mẹ của Tik Tok là ByteDance. Cuộc điều tra hướng tới cách công ty này kiểm duyệt và lưu trữ nội dung.
Theo đó, Mỹ sẽ đánh giá về nguy cơ an ninh quốc gia với ByteDance, sau khi nhiều nghị sĩ nước này nêu quan điểm lo ngại công ty Trung Quốc có thể kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị và đặt ra câu hỏi về cách lưu trữ dữ liệu cá nhân.
Nhìn vào các trường hợp từ Huawei, ZTE, Hikvision và bây giờ là ByteDance - Tik Tok đều thấy có một mẫu số chung, đây đều là công ty và ứng dụng đứng đầu của Trung Quốc, có vẻ không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đang muốn gây “khó dễ” cho các hãng công nghệ Trung Quốc.
Nhà phân tích Neil Campling của Mirabaud Securities cho rằng, Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông số một trên thế giới, Hikvision là công ty công nghệ giám sát hàng đầu. Trong khi đó, TikTok đã có các lượt tải xuống ứng dụng kỷ lục.
“Một trong hai thương hiệu đã chịu ảnh hưởng từ cuộc thương chiến và bây giờ ByteDance là đối tượng mà CFIUS nhắm tới, liệu đó có phải sự ngẫu nhiên?” – Campling cho biết.
Tuy nhiên, trái lại với những lo ngại của Mỹ, một số nhà phân tích Trung Quốc lại nghĩ hoàn toàn ngược lại, họ cho rằng công nghệ Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa với Mỹ.
Chuyên gia hải quân Li Jie làm việc tại Bắc Kinh đánh giá, mặc dù có những đột phá trong một số lĩnh vực nhất định như 5G, nhưng nhìn chung, có một khoảng cách rõ ràng giữa công nghệ thông tin và điện tử kỹ thuật số của Trung Quốc với nhà tiên phong công nghệ của thế giới - Mỹ.
Mặc dù vậy, phản ứng từ phía Mỹ vẫn cho rằng Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn về các vấn đề địa chính trị. Điều này càng thể hiện rõ hơn là Mỹ đang xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong báo cáo Chiến lược quốc phòng Mỹ.
Vì vậy, rất có thể, trong tương lai rất có thể Mỹ sẽ công khai tiến hành đồng thời cả cuộc chiến công nghệ và thương chiến với Trung Quốc, chứ không cần hành động “ngầm” sau các vụ cấm vận hay điều tra như Huawei hay ByteDance.