Thay đổi văn hóa của người mua BĐS đã tồn tại hàng trăm năm nay theo các chuyên gia cần có chiều sâu và thời gian để người tiêu dùng thích ứng một cách bài bản.
Xu hướng tất yếu trong công cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Mua nhà online/trực tuyến đã và đang trở thành xu hướng trên thị trường BĐS. Suốt thời gian qua, không chỉ có những trang thương mại điện tử, các doanh nghiệp môi giới BĐS công nghệ (Protech) tham gia thị trường kinh doanh BĐS trực tuyến, mà hiện tại còn có sự tham gia mạnh mẽ của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Sunshine Group, CenGroup… Điều này góp phần không nhỏ cho sự sôi động của thị trường và dường như đang trở thành một xu hướng tất yếu trong công cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra, các hoạt động kinh doanh BĐS không thể diễn ra kiểu tập trung thì xu hướng một số chủ đầu tư đã đưa ra các ứng dụng, trang web để bán hàng càng trở nên sôi động. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch BĐS lớn cũng nhanh nhạy chuyển sang phương thức bán hàng online, mở các buổi livestream, hội thảo giới thiệu dự án trên website để tìm kiếm khách hàng.
Quả thực, theo các chuyên gia trong ngành, trong cơn quay cuồng của dịch Covid-19, thế giới đang thiết lập những trạng thái bình thường mới. Con không đến trường được, giải pháp là học online. Mẹ không đi chợ được, giải pháp là đi chợ online. Ba không đi làm được, giải pháp là làm việc online. Công ty không hội họp được, giải pháp là họp online. Và, tất yếu, tìm mua nhà theo cách thức truyền thống không được, giải pháp là mua nhà online. Theo đó, online hóa hay chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, đó là sự bắt buộc.
Tờ tin tức Abacus dẫn nguồn tin từ công BĐS top 3 Trung Quốc Evergrande trong một cuộc họp báo được tổ chức trực tuyến cho biết 47.500 căn nhà có tổng trị giá lên tới 58 tỉ nhân dân tệ (tương đương 8,3 tỉ USD) đã được bán hết thông qua dịch vụ bán hàng trực tuyến chỉ trong 3 ngày.
Hay, ông Shawn Xu, Phó Chủ tịch Silversea Media Group (Singapore) đưa ra thông tin trong một hội thảo mới đây tại Tp.HCM, một công ty BĐS lớn của Trung Quốc bán hàng online trong 3 ngày thu về 8.3 triệu đô la. Khách hàng sẽ tham quan nhà, dùng công nghệ VR để tham quan căn hộ qua thực tế ảo.
Với công nghệ này, khách hàng có thể xem từng ngóc ngách căn nhà theo cách họ muốn và nhiều giao dịch đã thành công trên online. Theo ông Xu, thực tế ảo đang làm thay đổi hành vi của khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch toàn cầu Covid-19 như hiện nay. Với lĩnh vực BĐS, các công ty BĐS đang dùng công nghệ để bán hàng khi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Cũng giống như mua hàng trực tuyến thì mua BĐS cũng đang diễn ra trong xu thế mà chúng ta đang lớn lên cùng với công nghệ.
Thực tế xu hướng mua nhà online đã diễn ra khá mạnh mẽ trên thế giới, tại Việt Nam thị trường BĐS cũng không nằm ngoài xu hướng này. Và, dường như chúng ta mới bắt đầu với xu hướng công nghệ này khoảng vài năm trở lại đây. Nhờ công nghệ, người mua nhà hoàn toàn chủ động và dễ dàng thao tác như tìm nhà theo khu vực, giá, số phòng hay diện tích; các sản phẩm tương tự để so sánh; giá niêm yết và thông tin người môi giới rõ ràng… Theo các chuyên gia, chắc chắn xu hướng mua nhà online sẽ trở thành một xu hướng tất yếu trên thị trường trong thời gian tới.
Cần chiều sâu và bài bản
Mặc dù xu hướng online trong BĐS với các phần mềm được ứng dụng trên thị trường đã mang lại hiệu quả nhất định, thế nhưng theo một số ý kiến công nghệ dễ làm nhưng khó thành công nếu công nghệ không thể thay đổi hoàn toàn hành vi của con người.
Trả lời trên báo chí mới đây, Ths.Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Phó Chủ tịch Hanita Master Group cho rằng, để thành công trong các giao dịch kinh doanh BĐS trực tuyến vẫn còn là một chặng đường dài đầy cam go, thử thách, vì chúng ta đang cố gắng thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng đã hình thành và tồn tại hàng trăm năm nay, hay xa hơn thế là công cuộc thay đổi văn hóa tiêu dùng của người Việt.
Theo vị Thạc sĩ này, nếu chỉ một vài chủ đầu tư áp dụng công nghệ vào kinh doanh BĐS trực tuyến thì cũng không thể thay đổi được hành vi tiêu dùng của các nhà đầu tư Việt. Nên chăng, lúc này đây chúng ta cần có một “chiến lược đồng bộ” giữa các chủ đầu tư dự án, cùng nhau có những chính sách ưu đãi riêng biệt dành cho khách hàng thuê/mua BĐS thông qua hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Thực tế, số lượng người mua/thuê bất động sản ở Việt Nam thông qua kênh internet để tìm kiếm sản phẩm chưa nhiều như các quốc gia khác. Với các thế hệ 7x trở về trước, rất dè dặt khi chọn thuê/mua BĐS thông qua kênh internet, mà đa phần liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư, nhân viên tư vấn hay người quen đã thuê/mua giới thiệu.
Họ muốn được nghe tư vấn cặn kẽ về thông tin sản phẩm, tận mắt nhìn thấy dự án và các dịch vụ tiện ích khác trước khi ra quyết định mua hàng. BĐS có giá trị rất lớn nên tâm lý chung là người mua muốn được “nhìn thấy, sờ nắn và cân, đo, đong đếm được” chứ hoàn toàn không có thói quen “xuống tiền” mua hay bán ngay trên nền tảng công nghệ.
Chính hành vi và tâm lý ăn sâu vào nếp suy nghĩ của người mua BĐS từ rất lâu nên việc thay đổi hành vi cần có thời gian và giải pháp phù hợp.
Theo Ths.Nguyễn Phạm Hữu Hậu, để thay đổi văn hóa tiêu dùng của người Việt khi chọn mua BĐS trực tuyến, các doanh nghiệp chủ đầu tư cần một chiến lược đồng bộ và dài hạn. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tư vấn và kinh doanh thay vì chỉ chăm chút, đầu tư vào công nghệ để rồi… “xây nhà không nền móng”.
Mặc dù công nghệ là mang lại những lợi ích nhất định trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gầy dựng được thương hiệu của doanh nghiệp nhưng theo hầu hết các chuyên gia, một giao dịch BĐS thành công không thể thiếu bóng dáng đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp. Do đó, con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao dịch BĐS, công nghệ là công cụ để hỗ trợ cho vai trò này càng đạt được hiệu quả cao hơn.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam, việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản (Proptech, Fintech) từ lâu đã tạo thành xu hướng gây hiệu ứng tốt và chắc chắn sẽ đứng trước cơ hội bùng nổ trong giai đoạn 2020-2025. Điểm tích cực của xu hướng này là ngày càng nhiều đơn vị tích cực sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án đem lại sự thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ bất động sản vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi tính thích ứng, khả năng sử dụng công nghệ của khách hàng và cần thời gian đem đến niềm tin cho những người lần đầu tiếp cận với ứng dụng. Bên cạnh đó giao dịch bất động sản trên ứng dụng vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý, tâm lý khách hàng e ngại.
Tại nhiều nước, xu hướng chia nhỏ cổ phần BĐS hay còn được gọi là tín chỉ BĐS đã được công nhận và người mua, bán có thể dễ dàng giao dịch trực tuyến dựa trên cổ phần của mình. Thế nhưng tại Việt Nam, luật pháp vẫn chưa công nhận điều này khiến giao dịch trên ứng dụng còn hạn chế.
Hạ Vy - Theo ICTVietNam