McKinsey nhận định: Việt Nam là một trong số 11 nền kinh tế vượt trội trong số các thị trường mới nổi, và là một trong những nước đầu tiên mở lại hoàn toàn nền kinh tế trong nước. Do vậy, Việt Nam nên tập trung vào bán lẻ, du lịch và sản xuất.
Bán lẻ
Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang phục hồi kinh tế. Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực của việc hồi sinh, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch. Tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên ở mức thấp nhất kể từ năm 2010, mặc dù nó vẫn dương 3,8%. Trong bối cảnh xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã (và dự kiến sẽ tiếp tục) trở nên rất quan trọng.
Với tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh và thu nhập khả dụng tăng đều đặn, chi tiêu trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, chiếm tới 68% GDP. Với Covid-19, 67% người Việt Nam vẫn cho biết thu nhập của họ đã giảm, và 55% cho biết họ đã cắt giảm chi tiêu, theo một cuộc khảo sát của McKinsey được thực hiện vào tháng 4/2020.
Quá trình giãn cách xã hội của Việt Nam chỉ kéo dài 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, giảm bớt áp lực đối với ngành bán lẻ. Gói kích thích trị giá 27 nghìn tỷ VND được công bố vào tháng 3, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cũng giúp kích cầu.
Song, phân tích kỹ hơn, có thể thấy tình hình bán lẻ được cải thiện chủ yếu nhờ cầu kéo đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, chiếm 42% GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với 26% chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu. Cắt giảm chi tiêu chủ yếu thể hiện ở các khoản không thiết yếu.
Du lịch
Triển vọng ngắn hạn của Việt Nam vẫn phụ thuộc sâu vào tình hình kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra dự báo vào cuối quý đầu tiên dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% đến 7,0% vào năm 2021.
Sự phục hồi của du lịch quốc tế và xuất khẩu các mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động sẽ rất quan trọng để tạo ra 7% tăng trưởng. Do tính chất khó lường của Covid-19, rất khó để phân tích sự phục hồi du lịch sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có khả năng ngành công nghiệp sẽ khởi động lại đầu tiên trong khu vực ASEAN khi biên giới mở cửa trở lại. Tình trạng tương đối ổn hiện tại có thể giúp Việt Nam có vị trí đón đầu phần lớn khách du lịch quốc tế, miễn là có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự tái phát của Covid-19
Nhưng cho dù du lịch nội khối ASEAN hồi phục, lượng khách du lịch quốc tế vẫn sẽ sụt giảm 50% đến 70% trong năm nay. Sự sụt giảm này rõ ràng sẽ có tác động đáng kể hàng ngàn nhà khai thác du lịch.
Mặc dù một số quốc gia có thể quảng bá du lịch nội địa để cứu vãn, nhưng với chi tiêu hạn chế của khách trong nước, sẽ rất khó để thị trường nội địa có thể thay thế hoàn toàn khách quốc tế. Việt Nam nên chủ động ủng hộ việc đi lại từ các thị trường châu Á láng giềng, như Trung Quốc.
Sản xuất
Sản xuất là ngành quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam, đưa Việt Nam thành quốc gia có tỷ lệ Xuất nhập khẩu/GDP cao nhất ở Đông Nam Á. Và Covid-19 đã tấn công mạnh vào nguồn cung, khi Trung Quốc rơi vào tình trạng đóng cửa. Kế đó, nhu cầu đối với hàng Việt giảm mạnh khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ.
Nhưng vẫn có một số điểm sáng đáng khích lệ. Tầm quan trọng của khu vực sản xuất đối với nền kinh tế Việt Nam là rõ ràng, và vì vậy các biện pháp quan trọng đã được thực hiện để các nhà máy duy trì hoạt động. Khi các nhà sản xuất trên toàn cầu bắt đầu suy nghĩ lại về các chiến lược chuỗi cung ứng của họ, Việt Nam vẫn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu.
Việt Nam từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn: thị phần xuất khẩu các mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động từ các thị trường mới nổi tăng 2,2% trong giai đoạn 2014-2017. Công nghiệp phụ trợ có tiềm năng phát triển, đặc biệt là nếu các công ty nỗ lực nhiều hơn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sau đại dịch. Một cuộc khảo sát của McKinsey với các giám đốc điều hành chỉ ra, 24% CEO được hỏi cho biết họ dự báo tăng trưởng sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở châu Á.
Năm nay chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức phía trước, nhưng Việt Nam có thể hy vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ của những năm gần đây sẽ quay trở lại vào năm 2021 sắp tới. Khai thác điều này để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình sẽ cần nhiều khoản đầu tư dài hạn vào các công nghệ thông minh của Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tập trung chính vào 3 lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tận dụng những ưu thế khi phòng chống Covid 19 hiệu quả để hồi phục và phát triển kinh tế.