MBBank ‘mất’ gần nửa nghìn tỷ trong đại án BIDV như thế nào?

27/03/2020 09:39

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là một trong những bên đứng ra cho công ty Trung Dũng (pháp nhân chính trong “đại án” BIDV) vay với số nợ lên tới hơn 477 tỷ đồng, đến nay số nợ không còn khả năng thu hồi.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) là một trong những bên đứng ra cho công ty Trung Dũng (pháp nhân chính trong “đại án” BIDV) vay với số nợ lên tới hơn 477 tỷ đồng, đến nay số nợ không còn khả năng thu hồi.

Theo kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”, đến thời điểm 4/4/2019 Công ty Trung Dũng đang có khoản vay với tổng dư nợ tạm tính là 477,82 tỷ đồng tại MBBank không có khả năng thu hồi.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, ngày 21/3/2011, ông Đoàn Hồng Dũng đại diện Công ty Trung Dũng và ông Nguyễn Hải đại diện MBBank, chi nhánh Long Biên đã ký Hợp đồng tín dụng số 29.11.066.89998.TD với nội dung: MBBank sẽ cấp tín dụng cho Trung Dũng với hạn mức tối đa 300 tỷ đồng; giá trị hạn mức bảo lãnh thanh toán tối đa là 200 tỷ đồng. Mục đích để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu phụ vụ hoạt động kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than. Thời hạn hợp đồng đến hết 31/12/2012.

Tài sản thế chấp cho khoản vay 477 tỷ đồng của MBBank hiện nay đã không còn giá trị, cả Công ty Trung Dũng và Công ty Bình Hà đều không có khả năng trả nợ.

Tài sản thế chấp cho hạn mức là quyền đòi nợ phát sinh theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam trị giá 65 tỷ đồng và quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng Và Công ty Hà Nam trị giá 607 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 6 khế ước nhận nợ với tổng sổ tiền là 246 tỷ đồng. Tổng nợ tạm tính đến ngày 4/4/2019 là 477,82 tỷ đồng. Hiện nay Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản nợ này.

Không chỉ cho vay, trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Kết luận điều tra cho biết, MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng, các khoản vay không còn tài sản đảm bảo. Cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay. Tuy nhiên do chưa thu thập đầy đủ tài liệu nên chưa có căn cứ đánh giá việc MBBank thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không. Cùng với đó, xét thấy trong trường hợp có hậu quả thiệt hại xảy ra đối với MBBank sẽ ảnh hưởng đến tài sản của Bộ Quốc phòng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển thông tin và tài liệu đến Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Con làm chủ, bố phê duyệt quyết định cho vay

Liên quan tới các pháp nhân được nhắc ở trên xin điểm một vài nét cơ bản như sau:

Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng được thành lập ngày 31/8/2000 do ông Đoàn Hồng Dũng làm Giám đốc. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính bán buôn kim loại và quặng kim loại. Thông tin đăng ký doanh nghiệp gần nhất cho thấy công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Dũng sở hữu 75%, còn bà Nguyễn Thị Thanh Sơn nắm 25%.

Ngày 8/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng. Ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc phê duyệt, cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng; Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt Đoàn Hồng Dũng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà được thành lập tại Hà Tĩnh vào tháng 4/2015. Vốn điều lệ ban đầu của công ty này là 200 tỷ đồng. Trong đó ông Thái Thành Vinh góp 60 tỷ đồng (tương đương 30% tổng số vốn), ông Trần Anh Quang góp 50 tỷ đồng (25% vốn) và Đinh Văn Dũng góp 90 tỷ đồng (45% vốn).

Khi mới thành lập, ông Đinh Văn Dũng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà. Tháng 7/2018, ông Trần Anh Quang thay vị trí của ông Dũng tại công ty này.

Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà là chủ đầu tư là một “siêu dự án” trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng các dự án nông nghiệp lớn nhất miền Bắc tại Hà Tĩnh. Theo quyết định bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành vào ngày 15/4/2015, tổng diện tích dự kiến khảo sát của dự án khoảng 6.119,28 ha; quy mô đầu tư dự kiến là 150.000 con bò/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 4.223 tỷ đồng.

Theo thông tin từ BIDV, Công ty Bình Hà có kế hoạch vay ngân hàng này 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV – Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.

Kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII vào tháng 7/2019, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho biết dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Hà Tĩnh nhưng đến nay phải khẳng định dự án này không thành công. Hà Tĩnh sẽ xem xét việc tái cơ cấu dự án này.

Ngày 18/3 vừa qua, Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra kết luận đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 12 bị can về các tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Nam – BIDV, Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trung Dũng.

Theo kết luận của CQĐT, ông Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) giữ vai trò chủ mưu cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh lợi dụng sự tin tưởng của BIDV thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp về tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định.

Theo cơ quan điều tra, Trần Duy Tùng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV). Tuy không trực tiếp tham gia vào Công ty Bình Hà hoặc đứng tên sở hữu cổ phần nhưng Tùng là chủ đứng thứ hai sau ông Trần Bắc Hà.

Tùng là người trực tiếp nhờ ông Nguyễn Gia Thiều đứng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Hà (do ông Trần Bắc Hà sáng lập) và nhờ Thái Thành Vinh và Trần Anh Quang đứng tên sở hữu cổ phần Công ty Bình Hà.

Tùng giữ vai trò chủ mưu cầm đầu trong việc chỉ đạo 3 cổ đông Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh lợi dụng sự tin tưởng của BIDV thông qua hoạt động bán bò, thu tiền không nộp về tài khoản của Công ty Bình Hà để BIDV kiểm soát và thu hồi vốn theo quy định.

Liên quan đến “đại án” xảy ra tại BIDV, theo kết luận điều tra, ông Trần Bắc Hà sáng lập Công ty CP tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng, con trai ông Hà làm chủ) và Công ty Bình Hà do 3 cá nhân không có năng lực tài chính.

Ông Hà đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, chỉ đạo phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định của ngân hàng nhà nước và BIDV.

Cơ quan điều tra xác định việc cho vay tiền đã gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.500 tỉ đồng. Trong đó, khoản cấp tín dụng với Công ty Bình Hà gây thiệt hại hơn 683 tỉ đồng và khoản vay đối với Công ty Trung Dũng gây thiệt hại hơn 864 tỉ đồng.

Đình Vũ - Theo Nhà Đầu Tư

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "MBBank ‘mất’ gần nửa nghìn tỷ trong đại án BIDV như thế nào?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.