Việc sở hữu bất động sản ở nước ngoài của người Việt không hề dễ, đặc biệt là phải chứng minh nguồn gốc tài sản. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội) về những mặt trái của vấn đề này. Nhất Nam thực hiện.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Tại sao người Việt lại có xu hướng mua nhà nước ngoài?
Thông tin về việc người Việt bỏ hơn 3 tỷ USD mua nhà đất tại Mỹ để có nhà định cư tại Mỹ từ hồi những năm 2016, 2017 vẫn còn dư âm và nóng hơn trong những ngày qua, cho thấy việc di cư tới những nước phát triển hơn đang là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam.
Không chỉ riêng mua nhà ở Mỹ, người Việt còn có thể mua nhà ở các quốc gia khác như Singapore, Australia, Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Canada… Và mức độ người Việt mua nhà ở nước ngoài trong một thập niên vừa qua không ngừng tăng.
Người Việt mua nhà tại nước ngoài là do nhiều quốc gia trên thế giới có những ưu đãi đặc biệt như được cấp quốc tịch, nhân khẩu thường trú. Cùng với đó là điều kiện sống, học tập, khám chữa bệnh, phúc lợi xã hội ở mức cao, rất hấp dẫn đối với người Việt, nhất là những gia đình có điều kiện cho con đi du học.
Một điểm hấp dẫn đặc biệt của bất động sản ngoại là quyền sở hữu tài sản. Tại nhiều quốc gia, điển hình như tại Mỹ, người mua nhà được sở hữu vĩnh viễn đối với tài sản nhà ở của mình. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở nước ngoài có sức hấp dẫn hơn ở Việt Nam.
Ngoài ra, tính minh bạch và sự an toàn của một thị trường đã phát triển ổn định. Các khách hàng mua nhà nếu không có nhu cầu ở có thể cho thuê lại với lợi nhuận cao như một kênh đầu tư thông thường.
Việc chứng minh điều kiện mua nhà nước ngoài có dễ không?
Việc chứng minh điều kiện mua nhà nước ngoài khó hay dễ thì lại phải tùy thuộc vào quy định pháp luật của nước sở tại, nơi mà người Việt muốn sở hữu bất động sản, nhưng tựu chung lại thì vấn đề khác biệt lớn nhất khi mua nhà nước ngoài và mua nhà ở Việt Nam đó là chứng minh dòng tiền.
Ví dụ như để mua nhà để định cư tại Pháp hay tại Anh thì việc đầu tiên là chuyển tiền qua con đường chính thống là ngân hàng. Lúc này, người Việt mua nhà bắt buộc phải chứng minh tất cả mọi khoản tiền được kê ra phải là tiền sạch, từ các hợp đồng lao động, thuế thu nhập cá nhân. Nếu có một nguồn tiền nào đó dư ra (tầm 100 triệu đồng) thì cũng phải nêu rõ tường tận nguồn gốc của số tiền.
Sau đó, người Việt mua nhà sẽ chọn môi giới phù hợp và phải trả phí môi giới. Môi giới sẽ đưa ra các bất động sản để người mua chọn. Tiếp theo là thông qua luật sư để tiến hành các thủ tục pháp lý, qua dịch vụ ngân hàng nếu muốn vay tiền.
Mặt trái của việc mua nhà nước ngoài của người Việt này là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không cho phép người Việt mua nhà nước ngoài tuy nhiên không cấm.
Việc không cho phép người Việt mua nhà đồng nghĩa với việc pháp luật Việt Nam sẽ không bảo vệ người mua nhà nước ngoài nếu có xảy ra rủi ro mất mát, tranh chấp. Đây là rủi ro lớn nhất của người Việt mua nhà nước ngoài dù họ vẫn có cách chuyển tiền ở cả chính thống vì mục đích khác không phải mua nhà lẫn chuyển tiền chui để đạt được mục đích mua nhà nước ngoài.
Xét dưới khía cạnh xã hội, mặt trái khi người Việt ồ ạt mua nhà nước ngoài để định cư, sinh sống và làm việc sẽ dẫn đến tình trạng di dân đến những nơi đáng sống hơn, đây là mất mát lớn đối với Việt Nam khi mà những người có đủ điều kiện mua nhà có thể coi là giới tinh hoa, cả về mặt tài sản lẫn trí tuệ và sức lao động.
Để có thể chuyển tiền để mua nhà nước ngoài thì những người Việt bắt buộc phải “lách luật” (Ảnh internet) |
Các hình thức chuyển tiền của các cá nhân mua nhà nước ngoài này như thế nào khi việc quản lý ngoại hối của Việt Nam khá chặt chẽ?
Luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài, tuy nhiên, vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài lại có hạn chế, luật hiện hành chưa cho phép người dân chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích mua nhà.
Theo Điều 7, Nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều pháp lệnh ngoại hối, công dân Việt Nam chỉ được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích: học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí ở nước ngoài và chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác và không thể chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích mua nhà ở.
Vì vậy, để có thể chuyển tiền để mua nhà nước ngoài thì những người Việt bắt buộc phải “lách luật” dù tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Một số trường hợp cụ thể như sau:
Thông qua một số dịch vụ từ những cửa hàng thu đổi ngoại tệ không chính thống. Bằng cách khách hàng ở Việt Nam chuyển tiền cho họ, thì người nhà ở nước ngoài sẽ nhận được khoản tiền tương đương bằng USD ngay chỉ sau 1-2 tiếng qua một đối tác ở địa phương
Hoặc, người Việt có thể tham gia vào các dự án ở nước ngoài, để thực hiện mục đích đầu tư ra nước ngoài, và chuyển tiền ra nước ngoài. Thông qua cách này, doanh nghiệp chuyển tiền dưới danh nghĩa thanh toán tiền ví dụ như tiền xuất nhập khẩu hàng hóa, tức vẫn chuyển qua ngân hàng. Sau khi chuyển sang nước ngoài, khoản này sẽ được tách ra để mua nhà, đầu tư bất động sản.
Có trường hợp lách dưới dạng tặng cho như cá nhân A có nhu cầu chuyển tiền sẽ làm hợp đồng công chứng để cho, tặng cá nhân B (có tài khoản ở nước ngoài và có mở tài khoản tại một số ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam), sau đó cá nhân B nhận khoản tiền tặng cho này nộp vào tài khoản và chuyển số tiền này qua tài khoản tại nước ngoài.
Qua đến nước ngoài, cá nhân này lại rút ra và làm hợp đồng cho tặng lại. Bằng cách này khoản tiền được chuyển trót lọt qua kênh ngân hàng để phục vụ một số mục đích theo nhu cầu của họ.
Đặc biệt, phương thức phổ biến nhất mà người Việt áp dụng, đó là chuyển tiền cho người thân hoặc con cái đang du học và sử dụng tiền đó thanh toán tiền mua nhà.
Việc chuyển tiền mua nhà nước ngoài này có rủi ro gì? Nhà nước có bị thiệt?
Về phía người Việt mua nhà, chuyển tiền theo con đường không chính thống, hai bên giao dịch với nhau thường chỉ dựa vào chữ tín, khi có tranh chấp, mất mát xảy ra thì rủi ro có thể là mất trắng số tiền.
Trong trường hợp dù chuyển tiền có thành công đi chăng nữa thì cũng không thể đảm bảo số tiền mà người thân nhận được bên đó là “tiền sạch” và để hợp pháp hóa số tiền này là rất khó khăn.
Ngoài ra, những người nước ngoài mua nhà, đất mà chuyển tiền theo những cách bất hợp pháp thì tài sản của họ có thể bị điều tra bởi các cơ quan thuế, dẫn tới nhiều rủi ro pháp lý khác.
Về phía Nhà nước, việc chưa có một khung pháp lý cụ thể cho phép người Việt chuyển tiền để mua nhà ở nước ngoài rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng “chảy máu” ngoại hối trong khi không thu ngân sách phù hợp với loại hình này.
Lời khuyên của Luật sư?
Nhà nước, về lâu dài, nên có một khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh việc chuyển tiền của người Việt nhằm mục đích mua nhà ở nước ngoài.
Rõ ràng đây là nhu cầu tất yếu của thị trường, nếu thị trường có cung mà pháp luật lại không đáp ứng được thì đương nhiên họ sẽ tìm cách khác để đạt được mục đích.