Masan tham vọng đưa Vinmart vào tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu

01/07/2020 12:45

Masan đặt kỳ vọng sẽ phát triển chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ lên thành 30.000 điểm bán đến năm 2025 và trở thành tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu

Masan đặt kỳ vọng sẽ phát triển chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ lên thành 30.000 điểm bán đến năm 2025 và trở thành tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu

Sáng 30-6, Tập đoàn Masan (MSN) đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020, thông qua kế hoạch doanh thu từ 75.000 - 85.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000 - 3.000 tỉ đồng. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+. Bởi quý I/2020, MSN  lỗ ròng 216 tỉ trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lãi 1.000 tỉ đồng. Đây là lần đầu Masan thua lỗ sau 6 năm, nguyên nhân chủ yếu do tác động hợp nhất kinh doanh với VinCommerce, trong đó VinCommerce lỗ 897 tỉ đồng.

Đại hội cũng quyết định thành lập Công ty CP The CrownX. Đây là công ty sở hữu Masan Consumer Holdings (MCH) và Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM). The CrownX nắm giữ 85,71% cổ phần của MCH và 83,74% cổ phần của VCM.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, kỳ vọng bán lẻ hiện đại sẽ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trong tương lai, dự kiến chiếm đến 50% thị phần trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới do tầng lớp trung lưu gia tăng, đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sau Covid-19. Bán lẻ hiện đại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 30-50% mỗi năm, so với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành bán lẻ và thực phẩm – đồ uống là 10% trong trung hạn.

Masan tham vọng đưa Vinmart vào tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang

Tân Tổng Giám đốc Masan ông Danny Le cho rằng mọi người chỉ nhìn thấy hai chuỗi Vinmart và Vinmart+ chỉ là những cửa hàng tạp hoá hiện đại bán thực phẩm, nhu yếu phẩm nhưng Masan nhìn thấy mục tiêu cuối cùng và đã chia hệ thống Vinmart, Vinamart+ thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là kinh doanh ăn uống, nhu yếu phẩm.

Giai đoạn thứ hai, Masan hướng đến khai thác đời sống tài chính, bao gồm mở tài khoản ngân hàng, vay, chuyển tiền, đăng ký tín dụng, mua bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, đầu tư, giao dịch.

Đích đến cuối cùng là sinh hoạt kết nối và giải trí. Hệ sinh thái lúc này bao quát từ chia sẻ tương tác, trò chuyện, xem phim, nghe nhạc, đọc tin, chơi game, nhắn tin nghe gọi, học tập, sức khoẻ, mua vé máy bay…

Masan tham vọng đưa Vinmart vào tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu - Ảnh 2.

Tân Tổng Giám đốc Masan

Theo Masan, thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm đang chiếm đến 50% tổng ngành bán lẻ Việt Nam (tính đến cuối năm 2018),người tiêu dùng đi chợ/cửa hàng tạp hoá 3-4 lần/tuần, hơn 50% người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm 1 lần/ngày… Với sự hợp nhất Vinmart, Vinmart+, Masan sẽ có hệ thống 3.000 cửa hàng trong năm 2020 phục vụ được 9 triệu người dùng.

Đến năm 2025, cơ sở hạ tầng hợp nhất dự kiến tăng gấp 3 lần, lên 10.000 cửa hàng, phục vụ cho 15-20 triệu người dùng. Cũng trong giai đoạn này, Masan sẽ khai thác hình thức nhượng quyền với khoảng 20.000 cửa hàng, khi đó sẽ có tổng cộng 30.000 điểm bán, phục vụ 30-50 triệu người dùng.

Trước câu hỏi của cổ đông về việc có đổi tên chuỗi chuỗi VinMart, VinMart+, lãnh đạo Masan nói sẽ có báo cáo cụ thể với cổ đông trong thời gian tới. 

Ông Trương Công Thắng – Chủ tịch Masan Consumer (MCH) – cho biết: "Bán lẻ không có biên giới, Vincommerce sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà trở thành tốp 50 thương hiệu toàn cầu. Masan cũng lên chiến lược xây dựng thương hiệu riêng - hàng độc quyền trong liên kết với nhà cung cấp, mục tiêu chiếm đến 40% doanh số của hệ thống".

Năm 2020, dự kiến Vincommerce sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỉ đồng, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24%-25% các siêu thị VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020. Masan đặt kỳ vọng mức lỗ của hệ thống Vinmart và Vinmart+ đến cuối năm 2020 sẽ giảm về -3%, thậm chí chính thức hoà vốn.

Thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.

Tin-ảnh: Sơn Nhung - Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết "Masan tham vọng đưa Vinmart vào tốp 50 thương hiệu bán lẻ toàn cầu" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.