Tính chất tài sản lưu động liên tục khiến các khoản vay ký quỹ (margin) có thể biến đổi mạnh dẫn đến gặp khó khăn trong công tác công bố thông tin chuẩn của các báo cáo tài chính. Vấn đề đặt ra là phải làm sao minh bạch hơn trong thuyết minh các khoản trích lập dự phòng đối với các công ty chứng khoán.
Giao dịch margin vốn được xem là một trong những hoạt động kinh doanh hái ra tiền của các công ty chứng khoán (CTCK). Với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, các CTCK được nhìn nhận như người cầm chuôi trong giao dịch. Tuy nhiên, đôi lúc người cầm chuôi vẫn bị “đứt tay” do cầm nhầm phần “lưỡi dao”.
Thời gian qua, vụ việc cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) bị bán giải chấp, giảm sàn liên tục trong gần một tháng khiến 11 CTCK phải ngậm đắng do cho vay margin gây chấn động thị trường. Theo đó, những trường hợp tương tự FTM có thể gây ra những khoản nợ xấu cho CTCK.
Cho vay lớn, dự phòng nhỏ
Thực tế, dòng tiền margin của các CTCK biến động theo từng thời kỳ nhưng gần đây dao động trong khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng. Để đẩy mạnh thị phần, gia tăng doanh thu môi giới thì chính sách margin cũng phải song hành.
Lãi suất margin, thủ tục vay và độ đa dạng của danh mục ký quỹ là những công cụ cạnh tranh của các CTCK. Trong hoạt động bơm vốn ra ngoài thị trường, các CTCK có 100% vốn ngoại như KIS Việt Nam, Yuanta Việt Nam, KB Việt Nam… đang chiếm ưu thế với chi phí sử dụng vốn rẻ hơn hẳn so với các đơn vị trong nước.
Cho vay margin có thể hái ra tiền cho CTCK nhưng cũng để lại những rủi ro không nhỏ. Hiện, chưa rõ những CTCK nào thiệt hại trong vụ việc FTM nhưng con số 11 công ty chiếm một phần không nhỏ trong tổng số các CTCK trên thị trường. Đồng thời cũng để lộ ra khoảng hở trong công tác quản trị rủi ro của các công ty.
Đáng chú ý, hầu hết các CTCK đều chỉ trích lập một khoản dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính ở mức khá nhỏ, dao động quanh mức vài chục tỷ đồng, trong khi cho vay tới hàng nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn như, theo Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên của công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2019, giá trị cho vay margin của công ty đạt mức 4.861 tỷ đồng, là CTCK có dư nợ cho vay margin mạnh nhất trong vòng 5 năm qua với mức tăng gấp 63 lần.
Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cho khoản này lại chỉ ghi nhận 5,8 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ margin, giảm dần qua các năm.
Theo Mirae Asset Việt Nam, đây là khoản dự phòng cho vay giao dịch margin đã bị quá hạn từ năm 2015 và 2016. Công ty thực hiện trích lập dự phòng 100% cho các khoản cho vay này và không có biến động từ năm 2017 đến nay.
Tương tự, “ông lớn” SSI cũng có mức cho vay margin tính đến 30/6 là 6.256 tỷ đồng, dự phòng suy giảm ở mức 30 tỷ đồng, tăng nhẹ không đáng kể so với hồi đầu năm 2019.
Một đặc điểm chung khác nữa của CTCK trong nghiệp vụ cho vay margin là khoản trích lập dự phòng suy giảm thường được ước tính theo sự chênh lệch của giá thị trường của cổ phiếu so với giá trị ban đầu, mà ít khi trích lập dự phòng chung.
Khó nhận diện nợ xấu
Nhìn vào tổng giá trị cho vay mua cổ phiếu của các CTCK được đề cập ở trên có thể thấy còn cao hơn quy mô tín dụng của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ như NamA Bank, VietBank, KienLong Bank…
Tuy nhiên, khác với tín dụng ngân hàng, các khoản cho vay margin không được thuyết minh chi tiết về tình trạng cho vay, hoặc các khoản nợ xấu không thể thu hồi nếu có trên BCTC.
Trong khi đó, các khoản cho vay margin đều được bảo đảm bằng giá trị các cổ phiếu hình thành từ chứng khoán vay. Rõ ràng, các CTCK đang “nắm đằng chuôi” khi được bán giải chấp nếu cổ phiếu của doanh nghiệp lao dốc, nhưng thực tế việc xử lý margin lại không phải là chuyện dễ dàng, bởi khi có một lệnh bán ra được thực hiện thì cũng phải có một lệnh mua vào tương xứng.
Một cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh hàng trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên nhưng đến khi gặp “vận xấu” chỉ có vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi ngày sẽ không thể thực hiện giải chấp được lượng cổ phiếu mà các CTCK đang “ôm”, lãi dự thu cứ thế mà tăng lên, nợ càng phình to thì càng khó xử lý.
Rất khó để nhận diện được nợ xấu tại các CTCK
Về nguyên tắc, khi giá trị cổ phiếu khi thu hồi tài sản chênh lệch lớn so với giá trị cho vay thì đó sẽ là trích lập dự phòng phải thu, nợ xấu quá thì buộc trích lập 100% dự phòng.
Khi giá trị đảm bảo không đủ, CTCK được quyền bán cho đến khi thu hồi được đủ tài sản, đến khi không bán được nữa thì số cổ phiếu đó sẽ được chuyển sang mục tự doanh. Lúc này, các mã cổ phiếu sẽ được công bố nhưng không thể hiện rõ đã được cấp margin bao nhiêu, trích lập dự phòng bao nhiêu?
Đã có ý kiến cho rằng dự phòng rủi ro suy giảm nên trích lập theo một tỷ lệ nhất định trong tổng dư nợ cho vay giống như ngân hàng để tránh thực trạng cho vay nhiều, dự phòng ít. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của một CTCK, điều này là bất hợp lý bởi còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng doanh nghiệp.
Có nên chăng vào các cuối kỳ BCTC sẽ công bố các mã đang cấp margin tương tự như tự doanh. Thế nhưng, cổ phiếu là một loại hàng hóa phải thu phải trả đối với từng đối tượng khách hàng do thị trường chứng khoán biến động mỗi ngày, đồng nghĩa với việc những thông tin công bố sẽ không đồng nhất, khác với yếu tố tự doanh là công bố các khoản đầu tư.
Linh Đan
thoibaokinhdoanh.vn