Ảnh minh họa. |
Việt Nam chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook trên toàn cầu
Theo The Next Web, Việt Nam xếp thứ 7 trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới, với 64 triệu tài khoản, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook trên toàn cầu.
Trung bình mỗi người Việt Nam dành ra hơn 2,5 giờ “lang thang” trên MXH, họ ở độ tuổi trung bình từ 18 đến 34. Vấn đề về an ninh mạng, nghiện MXH... đang đặt ra nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam.
Việc ngày càng nhiều người sử dụng Internet để tìm hiểu thông tin, các chương trình dùng Internet để đưa tin, sử dụng MXH để kết nối, mở rộng quan hệ và các tổ chức sử dụng Internet để thể hiện quan điểm, thông điệp và đưa tin các sự kiện đã khiến MXH, internet trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”.
Internet/MXH đã giúp thông tin được truyền đi nhanh hơn, rộng hơn bởi độ lan tỏa của phương thức thông tin này.
Nhờ đó, nhiều phận đời có hoàn cảnh khó khăn gặp được các mạnh thường quân, nhiều phong trào xã hội thiện nguyện được lan tỏa, nhiều tấm gương tốt và cũng nhiều thông tin cảnh báo được chia sẻ, nhiều chính sách được góp ý… đã giúp cho xã hội thêm tốt đẹp, thêm tính nhân văn và tình đoàn kết dân tộc. Nhưng cũng từ Internet/MXH, nhiều tổ chức, cá nhân đã gặp không ít phiền toái, thậm chí bị xúc phạm, bôi nhọ, làm đảo lộn cuộc sống, hoạt động.
Năm 2017, Trần Thị Hường (24 tuổi, ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) thường sử dụng mạng tài khoản Facebook với tên Huong Tran đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính 5 triệu đồng do đã cung cấp, truyền đưa thông tin xuyên tạc lên MXH (thông tin không có thật về vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc gây hoang mang dư luận).
Hường khai nhận đã lấy thông tin trên từ một trang Facebook khác rồi biên tập lại, đưa lên trang cá nhân nhằm mục đích câu view.
Ngoài Hường có rất nhiều cá nhân cũng đã bị triệu tập, xử phạt hành chính vì đưa thông tin xuyên tạc, không chính xác về an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… lên MXH gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể như vụ một thanh niên tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng clip “lấy nước rửa chân pha trà cho khách”.
Tuy nhiên, thông tin này được xác định là không chính xác, sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm người khác. Còn hàng chục trường hợp đã bị công an triệu tập vì sử dụng MXH làm ảnh hưởng đến dư luận, đến cá nhân, tổ chức.
Chưa kể những trường hợp vì nghiện internet/MXH mà bị cuốn theo thế giới ảo đến mức phải đi điều trị tâm thần. Nghiêm trọng hơn là số thanh, thiếu niên phạm pháp có ảnh hưởng của internet/MXH ngày càng gia tăng, trở thành vấn nạn xã hội không dễ giải quyết nếu không sớm có các tác động và chiến lược quản trị MXH để cải thiện truyền thông chính sách, quá trình chính sách và chất lượng chính sách (chính sách nói chung và chính sách để quản trị MXH nói riêng).
Khai thác hợp lý “hệ sinh thái” thông tin xã hội số
Nên vấn đề quan trọng nhất được đặt ra trong thời đại MXH là “làm thế nào để sử dụng MXH/internet hiệu quả nhất mà không để MXH/internet “sử dụng” ngược lại bản thân người sử dụng ?
Thậm chí các chuyên gia pháp lý cũng đã không ít lần lên tiếng khuyến cáo người sử dụng MXH cẩn trọng để không bị pháp luật “sờ gáy” chỉ vì những cảm xúc, thông tin đăng tải trên MXH như trường hợp của Daniel Hauer – một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội đã bị xử lý sau khi người đàn ông này có đăng tải lên Facebook nội dung xúc phạm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (và cũng đã đăng tải video xin lỗi lên trang Facebook cá nhân và cho rằng đó chỉ là “trò đùa”).
Do đó, các chuyên gia pháp lý khuyên người sử dụng MXH phải biết cách kiềm chế cảm xúc và sử dụng “đúng luật”. Bản thân mỗi người sử dụng MXH phải tự làm chủ được thông tin, xác định phương thức thông tin chính xác để khai thác được “hệ sinh thái” thông tin trên internet và MXH.
Từ nhiều công trình nghiên cứu tham gia cũng như đã trực tiếp thực hiện, các chuyên gia của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Việt Nam - L’Espace hoàn toàn tin rằng cần phải có một lý thuyết mới về hệ thống thông tin đa phương tiện, để hiểu rõ hơn quá trình biến đổi sâu sắc đang diễn ra.
Và để so sánh mô hình đưa tin truyền thống với những gì đang diễn ra ở kỷ nguyên số, thì việc sử dụng khái niệm ẩn dụ “hệ sinh thái” thông tin xã hội số là hoàn toàn thích đáng khi mà chúng ta đang sống trong một thế giới khao khát được thấy tất cả mọi thứ một cách rõ ràng và minh bạch, rất khó để bảo vệ quyền riêng tư.
Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên sử dụng MXH, nếu biết cách khai thác, MXH sẽ là một công cụ “khó mà bị chê không hiệu quả”.
Nếu không biết khai thác, người sử dụng sẽ lạc vào thế giới ảo của MXH, mất thời gian vào những mối quan hệ “lơ lửng” trên mạng và tuột mất những mối quan hệ trong đời thực, dần dẫn đến sự mơ hồ về cuộc sống thực tại.
MXH – Facebook, Twitter, Google Plus, Tumblr là những công cụ rất hữu ích, song nếu không biết cách sử dụng thì người sử dụng sẽ phải nhận những tác hại như giảm tương tác giữa người với người, tăng mong muốn gây chú ý, xao lãng mục tiêu cá nhân, giết chết sự sáng tạo, bạo lực trên mạng, thường xuyên so sánh bản thân với người khác, sự riêng tư cá nhân đang dần mất đi trong khi MXH càng phát triển…
Những tác hại đó xuất phát từ việc kiểm soát chất lượng và nội dung thông tin trên các trang MXH khiến MXH là “cầu nối” cho bọn tội phạm. Hiện nay, việc giới tội phạm lợi dụng MXH để lừa đảo tài sản, chiêu mộ tân binh, tìm kiếm “hàng” cho các đường dây buôn bán người, tung tin gây nhiễu loạn xã hội… và những hành vi phi pháp khác.
Chính sự phong phú, kỳ ảo của MXH đã tác động mạnh tới tâm lý phát triển và nhân cách của giới trẻ, khiến chúng có ảo tưởng về “sức mạnh” bản thân thông qua bàn phím, mơ hồ về những mối quan hệ tình cảm không có thật, núp dưới những dòng chia sẻ đầy cảm thông.
Bên cạnh đó, MXH/internet còn khiến nhiều thanh, thiếu niên trở nên bạo lực thông qua những trò chơi trực tuyến, làm gia tăng tỷ lệ vi phạm pháp luật chỉ để kiếm tiền chơi game, nhiều em thành nạn nhân của các hành vi lạm dụng khi được “cứu nét”, khi kết bạn trên không gian ảo…
Larry Rosen, Giáo sư tâm lý thuộc Đại học California (Mỹ) khẳng định, sử dụng Facebook quá nhiều có thể gây rối loạn tâm lý ở tuổi thiếu niên.
Trong đó, ảnh hưởng tiêu cực nhất mà MXH gây ra cho trẻ là: rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, tiêu cực, có các hành vi chống đối xã hội, uống nhiều rượu; thường xuyên bỏ học, lo âu, trầm cảm, kết quả học tập sút kém, tỷ lệ đọc thấp, nguy cơ cao bị đau dạ dày, mất ngủ. Nhiều trường hợp không thể hòa nhập vào cuộc sống thực sau một thời gian sống trong thế giới “ảo”.
Đáng lo ngại hơn cả là không ít người trẻ có tri thức cũng đang dần “tự kỷ” chỉ biết trò chuyện với những người ảo trên mạng, mà quên mất người thân quanh mình.
Vì vậy, người sử dụng MXH cần xác định rõ mong đợi đạt được điều gì từ MXH (kết bạn, chia sẻ cảm xúc, kiếm tiền, giải trí, giết thời gian…) để biết tại sao lại mất thời gian cho nó cũng như biết phải làm gì trước những thông tin không cần thiết để tránh sa đà vào thế giới ảo, mà ngược lại để MXH cải thiện được chất lượng sống của mình.
Nếu biết sử đúng cách, thế giới áo là một thị trường kinh doanh khá tốt, một công cụ an ủi tinh thần, bế tắc trong cuộc đời thực. Vì vậy, bản thân MXH không hề xấu mà quan trọng là cách thức sử dụng của mỗi người cho mục đích riêng
Hoàng My - Theo phapluatplus.vn
https://www.phapluatplus.vn/the-gioi-facebook/mang-xa-hoi-con-dao-hai-luoi-khong-de-dung-d63992.html?