Bệnh viện đa khoa Đức Giang vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Th. sinh năm 1967 bị nhiễm trùng loét có dịch mùi hôi lẫn máu, mủ, bị hoại tử da, viêm tấy lan tỏa vùng lưng, có nhiều giả mạc.
Bà Th. là người có tiền sử bệnh đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp, đang điều trị tại bệnh viện khác. "Thời gian gần đây tôi bị đau mỏi vai gáy, nghe mọi người mách đi giác hơi sẽ hết nên đã đi làm phương pháp này 2 lần: lần 1 bị phồng rộp và lần 2 thì bị loét dần”. Bà Th. không đến bệnh viện khám, mà nghe theo lời mách, bà đã tự mua thuốc kháng sinh về uống một tuần nhưng không khỏi nên đến viện khám.
Tổn thương trên người bệnh nhân sau khi sử dụng phương pháp giác hơi trị đau
Tại phòng khám Thẩm mỹ, bà Th. đã được các bác sĩ thăm khám và có chỉ đinh nhập viện phẫu thuật cắt lọc da căng cơ.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BVĐK Đức Giang cho biết: “Với trường hợp này chúng tôi phải cắt lọc da vùng tổ chức hoại tử, mủn nát, tháo hút sạch dịch mủ kết hợp điều trị kháng sinh chống viêm, thay băng hàng ngày”.
"Bệnh nhân cần hạn chế đi lại tránh nhiễm trùng, phối hợp điều trị cùng bác sĩ. Nên ăn theo chế độ dinh dưỡng tại bệnh viện, kiêng đồ nếp, thịt gà tránh sưng tấy" - BS. Thiện cho hay.
Qua ca bệnh này, bác sĩ Đồng Thanh Thiện cũng đưa ra lời khuyên khi gặp trường hợp như vậy, bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà, mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa kịp thời. Nếu không hậu quả sẽ là nhiễm trùng rộng, sâu hơn, chảy nhiều mủ làm hoại tử tổ chức da cân cơ, có thể gây viêm nhiễm tới những tổ chức sâu hơn (màng xương, xương) gây hoại tử xương thậm chí phải cắt 1 phần xương.
Trường hợp để quá lâu không được điều trị triệt để có thể gây nhiễm khuẩn huyết, nguy hiểm cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đưa ra những cảnh bảo khi lạm dụng phương pháp giác hơi này:
Những ảnh hưởng trực tiếp sau khi lạm dụng hoặc giác hơi sai cách thường là gây ban đỏ, sưng tấy, nhiễm trùng da. Tình trạng này còn dẫn đến sẹo và tụ máu (bầm tím) trên da do tổn thương các mạch máu của lớp da trên cùng. Tụ máu thường gây đau, đôi khi có thể nguy hiểm đến tính mạng trong trường hợp kèm theo chấn thương trầm trọng như gãy xương, hoặc xuất huyết bên trong.
Đặc biệt, những tổn thương do bỏng xảy ra trong khi giác hơi do một trong các yếu tố sau:
- Có thể thầy thuốc sử dụng quá nhiều chất cồn để làm ẩm mặt trong của ống giác hơi, biến chứng thường gặp nhất dẫn đến tổn thương da.
- Hộp chứa cồn bất ngờ bị đổ trong lúc giác hơi.
- Trước khi giác hơi, thầy thuốc dùng một miếng giấy hoặc bông tẩm cồn 95 độ để đốt nóng không khí làm sinh hiệu ứng chân không trong lòng ống giác. Trong một vài trường hợp, do vội vàng, thầy thuốc đã đặt các ống giác lên vị trí giác hơi trước khi cồn được đốt cháy hoàn toàn, từ đó gây bỏng.
- Quá trình giác hơi có thể kéo dài quá lâu, ví dụ như hơn 30 phút, hoặc do da quá nhạy cảm với hơi nóng, như ở một số người già da trở nên mỏng và dễ tổn thương, trong khi da của một số trẻ nhỏ lại quá mềm, không thể chịu được những ống giác nóng.
Lê Hà - Theo baosuckhoecongdong
https://baosuckhoecongdong.vn/nguoi-phu-nu-bi-nhiem-trung-da-lo-loet-sau-khi-giac-hoi-va-loi-canh-bao-khi-su-dung-phuong-phap-nay-139754.html