Sau hơn 15 năm triển khai dự án KCN Phú Tân thuộc Dự án Khu liên hợp Bình Dương do Công ty CP đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim làm chủ đầu tư, đến nay dự án với diện tích hơn 133 ha đất nhưng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất, còn lại hơn 116,5 ha để hoang hóa và đang bị “xẻ thịt” để huy động vốn.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Bình Dương thành lập Khu liên hợp Bình Dương, với tổng diện tích theo đề án được duyệt là 4.196,8 ha. Theo đồ án quy hoạch chung, Khu liên hợp Bình Dương được phân thành 5 phân khu chức năng gồm 1.573,4 ha đất KCN tập trung; 613 khu dịch vụ; 1.650 đất khu đô thị, trong đó 655 ha đất tái định cư; 132,5 là đất dùng xây dựng các công trình giao thông và 227,9 ha đất hạ tầng kỹ thuật khác.
Thực tế, ngay quá trình giao đất, cho thuê đất trong Khu liên hợp Bình Dương đã có nhiều dấu hiệu sai phạm. Theo Kết luận Thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26/11/2008, đối với việc giao đất và cho thuê đất với 6 nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53 ha thì các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007 nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.
Việc giao đất cho các nhà đầu tư KCN theo kết luận của Thanh tra chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của các nhà đầu tư chứ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành luật đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Trong đó, đến năm 2004 KCN Phú Tân, là một trong hai nhà đầu tư được giao đất và đền bù 100% diện tích đất đầu tiên của Khu liên hợp Bình Dương. Dự án có tổng diện tích hơn 133 ha nhưng cho đến thời điểm này chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất làm nhà xưởng với tổng diện tích khoảng gần 17 ha, số còn lại vẫn đang để hoang.
Theo tài liệu của Tiền Phong có được, ngoài diện tích khoảng 17 ha đất đã được 2 nhà đầu tư thuê lại thì trong diện tích đất còn lại khoảng hơn 116,5 ha, có đến hơn 38,6 ha nhà nước giao đất không thu tiền. Như vậy, có thể hiểu trong dự án KCN Phú Tân có hơn 38,6 ha thuộc diện đất công được giao cho doanh nghiệp quản lý.
Liên quan đến KCN Phú Tân, ngày 28/1/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có Văn bản số 173/TTg-KTN về việc đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 theo như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, có 5 khu công nghiệp, trong đó 4 Khu công nghiệp nằm trong Khu liên hợp Bình Dương được điều chỉnh gồm: KCN Tân Đông Hiệp B từ 163 ha xuống 150 ha; KCN Sóng Thần III từ 534 ha xuống 427 ha; KCN Đại Đăng từ 274 ha xuống 219 ha; KCN Phú Tân từ 133 ha xuống 107 ha và KCN Kim Huy từ 214 ha xuống 172 ha.
Ngày 29/11/2019 Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương về việc Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Phú Tân thì thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được căn cứ quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai 2014. Vì vậy, dự án thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. “UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiếm của các Bộ ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ đầu tư dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư”- Bộ Tài Chính yêu cầu.
Tuy vậy, ngày 4/1/2019 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Phú Tân. Đến ngày 30/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương về Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị – dịch vụ Hòa Phú, một phần chuyển đổi của KCN Phú Tân với tổng diện tích hơn 26,6 ha, quy mô dân số khoảng 10.717 người.
Dựa vào hai quyết định này, ngày 11/7/2019, bà Nguyễn Thị Nhung- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim tiếp tục gửi văn bản đến UBND tỉnh Bình Dương xin chủ trương thực hiện song song thủ tục Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị Hoà Phú và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư KCN Phú Tân.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã có văn bản xác định: “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Khu đô thị – dịch vụ Hòa Phú đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án nên chưa thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính theo giá thị trường”.
Trong khi đó, bằng hình thức khác nhau Công ty CP đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim đã ký hợp đồng vay tiền của hàng trăm người nhưng có dấu hiệu huy động vốn trái phép của khách hàng để thực hiện tại Khu đô Thị Hoà Phú. Theo tài liệu chúng tôi có được từ tháng 5/2019 đến hết tháng 9/2019 này đã có 651 giao dịch với khách hàng qua ngân hàng với tổng số tiền khoảng hơn 405 tỷ đồng. Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…
Không chỉ dừng ở đó, ngày 8/10/2019, công ty này đã ký Hợp đồng thế chấp số 0058/2019/BĐ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông– Chi nhánh TPHCM bằng KCN Phú Tân để bảo lãnh cho một công ty khác vay hơn 1.085,8 tỷ đồng, thời hạn từ 2019 đến 2024.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Liêm- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng dự án KCN Phú Tân hiện vẫn triển khai nhưng phải chờ quyết định của các đơn vị liên quan. Ông Liêm cũng khẳng định mình không vượt quyền Thủ tướng khi phê quyệt các quyết định cho Công ty CP đầu tư công nghiệp Nam Kim.