Luật sư nói gì về việc Bảo hiểm Quân đội, Viễn Đông bán gói Corona?

09/04/2020 09:54

Bảo hiểm Viễn Đông và bảo hiểm Quân đội (Mic) là hai trong số các doanh nghiệp tung ra thị trường gói Corona mùa dịch. Chỉ đến khi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19 thì các doanh nghiệp mới chịu dừng lại.

Bảo hiểm Viễn Đông và bảo hiểm Quân đội (Mic) là hai trong số các doanh nghiệp tung ra thị trường gói Corona mùa dịch. Chỉ đến khi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19 thì các doanh nghiệp mới chịu dừng lại.
Nắm bắt tâm lý nhiều người dân bắt đầu quan tâm và tìm mua thêm bảo hiểm nhằm bảo vệ sức khỏe, giảm gánh nặng tài chính trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các Công ty bảo hiểm trong nước nhanh chóng tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi giá trị lên tới hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Đơn vị đầu tiên tung ra thị trường gói bảo hiểm virus COVID-19 là ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN thuộc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) của bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên), với gói bảo hiểm mang tên “Corona Care – Chung tay đẩy lùi Corona” (ngày 5/2/2020).
Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN thuộc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) của bà Đỗ Thị Kim Liên là đơn vị đầu tiên tung ra thị trường gói bảo hiểm COVID-19 mùa dịch.

“Corona Care” được giới thiệu là gói bảo hiểm 3 không: Không chi phí hoa hồng; không chi phí quản lý; không chi phí bán hàng. Theo VASS, Corona Care được định phí với 200 nghìn đồng/người/năm, tập trung vào người dùng cuối. Quyền lợi bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau thời điểm mua bảo hiểm, mà không giới hạn độ tuổi.

“Corona Care” được giới thiệu là gói bảo hiểm 3 không.
Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sau đó lần lượt “ăn theo”, nhanh chóng triển khai, bán các gói bảo hiểm mùa dịch. Điển hình là Tổng Công ty cổ phần Quân đội (Mic) với gói bảo hiểm Corona Guard.
Gói bảo hiểm Corona Guard của Mic mở rộng đối tượng áp dụng trong đó có trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đến 70 tuổi và công dân nước ngoài đang sinh sống làm việc tại Việt Nam.
Khách hàng khi tham gia Corona Guard của Mic được lựa chọn 3 gói bảo hiểm theo từng mức. Thời gian bảo hiểm là 3 tháng kể từ ngày cấp đơn, miễn áp dụng thời gian chờ. Quyền lợi tử vong do nhiễm COVI-19 là 100 triệu đồng. Trợ cấp nằm viện do nhiễm COVID-19 là 4,5 triệu đồng/ngày/người/năm; trong đó số tiền trợ cấp cho người điều trị nội trú 150.000 đồng/ngày/người và số ngày trợ cấp là 30.
Gói bảo hiểm Corona Guard của Mic. 

Tuy nhiên, liên quan đến sản phẩm bảo hiểm COVID-19, Cục quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) sau đó đã chỉ đạo quyết liệt và nhiều lần gửi công văn (số 73/QLBH-NT và số 128/QLBH-PNT) đến các doanh nghiệp bảo hiểm mùa dịch COVID-19 nhằm cảnh báo, nhưng vẫn bị phớt lờ. Chỉ đến khi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19 thì các doanh nghiệp mới chịu dừng lại.
Về vấn đề này, dư luận hiện đang đặt câu hỏi: Bảo hiểm Quân đội, Viễn Đông bán gói Corona: Sai hay đúng?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: 0Ngày 31/3, Bộ Tài chính đã ban hành 2 công văn số 3786/BTC-QLBH và 3790/BTC-QLBH lần lượt gửi đến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ về việc liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19. Bộ Tài chính thông báo để các doanh nghiệp biết và thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg kể từ ngày ký công văn này, tức là từ 31/3/2020.
Do đó, việc Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp không được chào bán và tiếp tục giao dịch các gói bản hiểm COVID-19 có hiệu lực từ ngày 31/3/2020.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã triển khai gói các gói bảo hiểm liên quan đến bệnh COVID-19 từ trước đó. Họ đã thực hiện chào bán, kí hợp đồng với người dân và các doanh nghiệp có nhu cầu mua bảo hiểm này trước khi Bộ Tài chính có công văn nêu trên.
Việc các doanh nghiệp bảo hiểm chào bán và kinh doanh các gói bảo hiểm nêu trên được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và sự thỏa thuận với khách hàng. Vì thế, xét về mặt pháp lý các doanh nghiệp không được coi là làm trái lệnh, trái pháp luật. Khi có quyết định của Thủ tướng chính phủ và công văn của Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp phải dừng hoạt động kinh doanh các gói bảo hiểm trên.
Vị luật sư nêu, trước khi có chủ trương và chỉ đạo nêu trên, thì Cục quản lý giám sát Bảo hiểm đã nhiều lần gửi công văn đến các doanh nghiệp bảo hiểm về dịch COVID-19 để các doanh nghiệp này kinh doanh các gói bảo hiểm tránh gây hiểu lầm cho người dân về các quyền lợi mà Nhà nước chi trả khi bệnh nhân mắc bệnh COVID-19. Theo quy định tại Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, được khám và điều trị miễn phí. Tại Khoản 3, Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ: “Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai”.
Khoản 8, Điều 1, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 của Chính phủ quy định Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: “Triển khai… sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn”.
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nếu triển khai, bán các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khi chưa được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ bị xử phạt hành chính nêu trên.
Đối với các gói bảo hiểm đã bán ra, cần phải xác định trong hợp đồng mua bán bảo hiểm, các quyền lợi và nghĩa vụ của bên bán có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Hoặc các quyền lợi khi tư vấn cho khách hàng có vi quy định nào hay không?
“Trường hợp có vi phạm, trái với các quy định của pháp luật hoặc có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng mua bảo hiểm và được hoàn tiền thì khi hủy các gói bảo hiểm này sẽ được hoàn tiền”, – luật sư Hoàng Tùng nói.

Trên web https://emic.vn của Mic thông báo: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Bảo hiểm Mic chính thức ngừng bán bảo hiểm sản phẩm liên quan đến dịch bệnh COVID -19. Theo đó, quyền lợi bảo hiểm của khách hàng đã tham gia trước ngày 31/3/2020 sẽ được bảo vệ theo giấy chứng nhận bảo hiểm đã cấp”.

Đoàn Khang - Theo Vietnamdaily

Bạn đang đọc bài viết "Luật sư nói gì về việc Bảo hiểm Quân đội, Viễn Đông bán gói Corona?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.