Lộ diện những con đường “tắt” thâu tóm đất vàng để trở thành bà trùm bất động sản của chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga

21/02/2020 11:25

Lộ diện những con đường “tắt” thâu tóm đất vàng để trở thành bà trùm bất động sản của chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga

Mua lại vốn, hay tham gia cổ phần hóa… là cách làm của bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch BRG để sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Vào khoảng cuối năm 2015, bà Nguyễn Thị Nga nổi lên như là một trong những nữ doanh nhân giàu có nhất Việt Nam nhờ hàng loạt thương vụ thâu tóm những khách sạn hạng sang và loạt công ty trong lĩnh vực địa ốc, từ đó khiến khối tài sản tăng lên chóng mặt. Cùng nhìn lại hành trình thâu tóm đất vàng trong suốt 20 năm qua của nữ doanh này.

Thương vụ đầu tiên diễn ra vào năm 2009, BRG mua lại 70% cổ phần Hilton Hanoi Opera, nằm cạnh Nhà hát Lớn và gần hồ Hoàn Kiếm, tới năm 2012 thì mua nốt số cổ phần còn lại.  Đến năm 2013, BRG thông qua công ty con Ngân Anh hợp tác với Tổng cục Du lịch Hà Nội khai trương khách sạn Hilton Garden Inn Hanoi tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh. Cuối năm 2015, thị trường tài chính được phen xôn xao với thông tin Công ty TNHH Thung Lũng Vua (thành viên của BRG) thâu tóm thành công Intimex Việt Nam thông qua việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán 34,3% cổ phần tại công ty này.

Dự án sạn golf của BRG tại TP Đà Nẵng

Intimex nắm trong tay quỹ đất khổng lồ tại 8 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Dương (2.521 m2); Hà Nội (37.383 m2) nhà nước cho thuê tại những vị trí đẹp như Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Láng Hạ…); Nghệ An (2,1 triệu m2); Thanh Hóa (166.500 m2); Quảng Ninh (1 triệu m2); Hải Phòng (7.000 m2)… Điều đáng nói, sau khi Intimex về tay BRG, UBND TP. Hà Nội cho triển khai xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm nơi Intimex tọa lạc có diện tích gần 3.000 m2.

Cùng năm, BRG mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit), một tổ hợp khách sạn được xây dựng tại khu Quảng Bá trên bờ rìa hướng Đông Bắc của Hồ Tây, Hà Nội, từ Tập đoàn Keppel Land Ltd của Singapore với giá 31,5 triệu USD. Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi thuộc Tổng công ty Du Lịch Hà Nội sở hữu 4,5 ha đất nằm ven hồ Tây – địa điểm đắc địa bậc nhất về ngành khách sạn ở Hà Nội, được giới chuyên gia đánh giá trị giá hàng triệu USD. Cuối năm 2014 Thắng Lợi cổ phần hóa, nhưng không công khai ra thị trường. Đến khi Thắng Lợi rơi vào tay bà Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga hơn 30% cổ phần với giá rẻ bèo, thì dư luận mới xôn xao nghi vấn.

Toàn cảnh dự án khách sạn 5 sao của BRG đang được thi công tại TP Vũng Tàu

Năm 2018, tập đoàn BRG tiếp tục dùng chiêu bài “cổ phần hóa” và “công ty con” để nhúng tay vào các thương vụ thâu tóm đất. UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cho Vinamco (một công ty con của tập đoàn BRG) mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro, doanh nghiệp sở hữu hơn 100 lô đất vàng tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành của cả nước. Sau khi cổ phần, bà Nguyễn Thị Nga giữ chức chủ tịch HĐQT của Hapro.

Tuy nhiên điều đáng quan tâm là từ ngày 11/2/2020, bà Nguyễn Thị Nga, bất ngờ rút khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG. Cùng với sự rút lui của bà Nga, trước đó Hapro đã liên tục quyết định thoái vốn tại nhiều công ty con sở hữu quỹ đất lớn, như: thoái toàn bộ 20,15% vốn điều lệ đang sở hữu tại Công didnhcp Liên hiệp Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội); thoái hơn 53% vốn tại Thương mại Tràng Thi, bán 35% trong CTCP Siêu thị VHSC – đơn vị vận hành hệ thống Seika Mart, bán 32% vốn cổ phần Công ty Chợ Bưởi, 21% cổ phần Thủy Tạ, 32% vốn Thực phẩm Hà Nội…

Càng bất ngờ hơn, bên nhận chuyển nhượng cổ phần (ít nhất) tại 3 đơn vị là các doanh nghiệp có ít nhiều liên quan tới Tập đoàn BRG. Đơn cử, với thương hiệu nổi danh CTCP Gốm Chu Đậu Hapro, Hapro ngày 11/3/2019 đã công bố thoái 21% vốn tại Gốm Chu Đậu cho Tập đoàn BRG, giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần.

Hay với thương vụ thoái vốn tại Hafasco, 2 đối tác nhận chuyển nhượng hơn 3,4 triệu cổ phiếu từ Hapro là Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại An Khang; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phương Đông. Đây vốn là các pháp nhân có ít nhiều liên quan tới Tập đoàn BRG. Mối liên hệ tương tự cũng có thể nhận ra trong thương vụ Hapro thoái 99,99% vốn tại CTCP Đầu tư thương mại Hapro Đà Nẵng. Được biết, bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Thương mại đầu tư Hòa Lợi và Công ty TNHH Phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng.

Việc Hapro thoái vốn tại nhiều đơn vị thành viên cũng là một cách mà nhiều nhà đầu tư vẫn sử dụng để thâu tóm lấy những mảnh đất có giá trị.

Theo vietnampropertyforum.vn
https://vietnampropertyforum.vn/lo-dien-nhung-con-duong-tat-thau-tom-dat-vang-de-tro-thanh-ba-trum-bat-dong-san-cua-chu-tich-brg-nguyen-thi-nga/

Bạn đang đọc bài viết "Lộ diện những con đường “tắt” thâu tóm đất vàng để trở thành bà trùm bất động sản của chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.