Little Garden Spa cung cấp dịch vụ thẩm mỹ PRP chưa được cấp phép?

18/03/2023 10:02

Phòng khám da liễu Little Garden Spa cung cấp “dịch vụ PRP được nhiều tín đồ làm đẹp chuyên sử dụng”, tuy nhiên, dịch vụ này đã được Bộ Y tế cấp phép trong hoạt động thẩm mỹ hay chưa?

Làm đẹp bằng dịch vụ PRP

Thời gian gần đây, trên trang mạng xã hội hay website của thẩm mỹ viện, spa, các cơ sở làm đẹp thường xuyên xuất hiện quảng cáo về dịch vụ tế bào gốc tự thân, hay còn được biết đến với tên gọi dịch vụ PRP. Dịch vụ này được đơn vị quảng cáo như một liệu pháp “thần thánh” giúp cải thiện làn da, mang tới vẻ tươi trẻ cho người sử dụng. Thế nhưng, tác dụng của phương pháp làm đẹp này là như thế nào?

Trong vai một nguời có nhu cầu làm đẹp, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ Phòng khám da liễu Little Garden Spa tại địa chỉ 461 Bà Hạt Phường 14, Quận 10, TP.HCM để được tư vấn.

Dù không sử dụng bất cứ phương pháp kiểm tra da nào, một nhân viên nam của phòng khám này đã “phán” ngay: “Thứ nhất là da của chị bị mỏng. Cái thứ hai là mụn lên rất nhiều, bao gồm mụn viêm, mụn bọc. Cái thứ 3 là lỗ chân lông của chị rất to. Cái thứ 4 da của chị, sắc tố không đều màu”.

Từ đây, nhân viên này cho biết, việc lấy mụn chỉ là một trong những bước của quá trình điều trị mụn mà thôi. Do da có quá nhiều vấn đề nên cần phải điều trị chuyên sâu, đưa dưỡng chất vào trong da thì mới có thể cải thiện được tình hình. “Bên em bác sĩ sẽ chuyên điều trị về mụn, với cả mấy bạn kỹ thuật viên nhà em, mấy bạn cũng là một trong những bệnh nhân của bác sĩ”, nhân viên này chia sẻ. 

Sau đó, nhân viên này bắt đầu giới thiệu về dịch vụ PRP. “Giờ mình đi thẳng vào vấn đề. PRP là gì, chị có biết gì về PRP không? Tức là lấy một ít máu của chị, sau đó bác sĩ đưa vào trong máy rồi chiết xuất thành phần huyết tương sau đó mix với một số dưỡng chất khác”, nhân viên này nói.

z4189014586707-b5f1aaf14e54762e149e55f5d8602efa-1679108432.jpg

Phòng khám da liễu Little Garden Spa tại địa chỉ 461 Bà Hạt Phường 14, Quận 10, TP.HCM

Và số tiền mà chúng tôi phải bỏ ra cho mỗi lần làm PRP như quảng cáo là 5 triệu đồng. Tất nhiên, như nhiều cơ sở thẩm mỹ viện khác, làm nhiều thì sẽ có giá ưu đãi.

Để tăng độ tin cậy, nhân viên này gọi một bạn nam đến và giới thiệu: “Chính bạn nam này được bác sĩ điều trị. Đây em cho chị xem nhá. Da mặt của bạn hồi xưa nhá, sau quá trình điều trị nè. Bạn là một trong những người mát tay về lấy mụn, nhưng khi cấy bác sĩ sẽ là người cấy cho chị”, nhân viên tư vấn cho hay.

Theo như tư vấn của nhân viên Little Garden Spa, dịch vụ PRP chỉ có tác dụng giúp hỗ trợ về cấp ẩm cho da, giúp da căng bóng mịn màng hơn nhưng không làm cho thành da dày lên được. Và để giải quyết vấn đề này, nam nhân viên Little Garden Spa lại tiếp tục giới thiệu cho PV một dịch vụ khác, được quảng cáo có thể “điều trị bách bệnh”, thậm chí là ung thư với tên gọi “cấy nguyên bào tươi Exosomes” (chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở bài sau).

Dịch vụ cấm?

Dịch vụ PRP là gì mà lại được nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo như phương pháp diệu kỳ trong làm đẹp? Dịch vụ này đã được Bộ Y tế cấp phép trong hoạt động làm đẹp, thẩm mỹ hay chưa?

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP.HCM cho biết, sử dụng PRP phục vụ trong làm đẹp hiện vẫn chưa được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại bất cứ cơ sở nào gồm spa, thẩm mỹ viện, phòng khám… trên cả nước.

Cụ thể, PRP là từ viết tắt của cụm từ “Platelet-rich plasma”, nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu. Hay đơn giản hơn có thể hiểu, tế bào gốc là tế bào còn non, biệt hoá thành những tế bào khác nhau để có những chức năng khác nhau. Tế bào gốc được sử dụng nhiều trong y khoa nhưng chủ yếu là để điều trị bệnh lý chứ chưa được phép dùng để làm đẹp, trẻ hoá da. Về công dụng làm đẹp của tế bào gốc, hiện nay trên thế giới hay ở Việt Nam đều chưa có chứng cứ rõ ràng và chưa được phép sử dụng.

"Y học hiện vẫn đang có những nghiên cứu chuyên sâu để tách chiết tế bào gốc theo ý muốn của con người, nhưng ưu tiên trước hết là dùng trong việc chữa bệnh cứu người, sau đó mới đến làm đẹp. Chính vì vậy, trước khi công nghệ tế bào gốc làm đẹp được cấp phép chính thức, người dân không nên tin theo đồn đoán để sử dụng một phương pháp làm đẹp mơ hồ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe", bác sĩ này nhấn mạnh.

Dù đánh giá liệu pháp PRP ít xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo tiềm ẩn những nguy cơ khác bởi đây là kỹ thuật điều trị có xâm lấn vào trong cấu trúc da. Các spa không được phép thực hiện cấy máu tự thân, vì đây là phương pháp có xâm lấn, phải do các trung tâm y tế thực hiện. Vì nếu không thực hiện theo quy trình đảm bảo vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B… Bên cạnh đó, hồng cầu và các thành phần hữu hình khác trong máu có "ái tính" cao với vi khuẩn nên nếu để phần huyết tương lẫn hồng cầu sẽ rất dễ gây ra phản ứng, viêm nhiễm cho khách hàng.

nhanvienasdq-1679108432.png

 Nhân viên của Little Garden Spa tư vấn dịch vụ PRP cho khách. (ảnh cắt từ clip)

Như vậy, dịch vụ PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép và khuyến cáo sử dụng ở bất kỳ đơn vị, cơ sở làm đẹp nào tại Việt Nam. Vậy có phải Little Garden Spa đang đi ngược lại quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế? Đáng nói, như chúng tôi ghi nhận Little Garden Spa không phải cung cấp theo dạng “lén lút" mà thay vào đó “công khai" đề trên bảng giá đặt ngay tại bàn tiếp khách. 

Trong trường hợp khách hàng gặp sự cố khi làm dịch vụ này tại đây thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Chúng ta có bao giờ ngoảnh lại nhìn xem đã có bao nhiêu người chuyển biến xấu, tai biến, thậm chí là tử vong khi làm các dịch vụ cấm, dịch vụ chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Có những chị em phụ nữ rời nhà chỉ để căng da mặt, trẻ hoá da rồi không bao giờ trở về hoặc về với con mắt đã mù trong nhiều tai biến phẫu thuật thẩm mỹ hay chỉ là xâm lấn như tiêm, cấy, truyền… ở thành phố trong những năm qua. Có thể kể đến vụ mới đây nhất, một khách hàng bị tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ tại Viện thẩm mỹ Aries (địa chỉ số 52 Lê Trực, phường 7, quận Bình Thạnh). Hay trước đó, vào tháng 12/2022 một cô gái 25 tuổi ngụ tại TP.HCM tử vong sau khi gây mê, gây tê. Được biết, cô gái này làm dịch vụ đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center. Cùng năm, một vụ tử vong vào ngày 18/3 tại TP.HCM sau khi nâng ngực tại một bệnh viện lớn và điều đáng trách là bệnh nhân ra đi lúc nào ekip mổ cũng không hay biết. Năm 2019, 2021 có rất nhiều trường hợp biến chứng dẫn đến tử vong, đây cũng là năm được xem là "báo động đỏ" về ngành làm đẹp theo dạng này.

Theo Kim Thoa/CLCS
Bạn đang đọc bài viết "Little Garden Spa cung cấp dịch vụ thẩm mỹ PRP chưa được cấp phép?" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.