Xưng danh công ty tài chính để đòi nợ
“Công ty tài chính đòi nợ khủng bố “ hay “Vay tiền công ty tài chính: lãi suất cắt cổ”…. có lẽ là những cụm từ đang gây nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, đây đều là thủ đoạn của những tổ chức cho vay phi pháp, núp bóng với tên gọi là công ty tài chính.
Đại diện FE CREDIT cho biết, trong thời gian qua, công ty nhận nhiều khiếu nại liên quan đến việc đòi nợ. Tuy nhiên sau khi kiểm tra thông tin trên hệ thống, các số điện thoại nhắc nợ đều không thuộc thẩm quyền quản lý của công ty, không có nhân viên nào đăng ký sử dụng các số điện thoại do các đối tượng cung cấp. Trong quá trình thu hồi nợ, FE CREDIT luôn tuân thủ các quy định nội bộ, chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước… Công ty khẳng định hành vi gây áp lực theo kiểu khủng bố tinh thần khách hàng để thu hồi nợ không phải là biện pháp của công ty. Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ việc các cá nhân, tổ chức đã mạo danh FE CREDIT để đòi nợ khách hàng.
Lấy một số trường hợp cụ thể mạo danh công ty tài chính để đòi nợ, vị đại diện cho hay: “Mới đây, chúng tôi nhận rất nhiều trường hợp khách hàng khiếu nại về công tác thu hồi nợ. Ví dụ như trường hợp của khách hàng N.T.H.Đ phản ánh mình và người thân bị FE CREDIT gọi nhắc nợ và ghép ảnh đăng trên mạng xã hội. Dù vậy sau khi xác minh cho thấy, nhân viên của chúng tôi không có bất kỳ hành động làm phiền, không dọa nạt khách hàng. Hơn nữa, sau khi kiểm tra lịch sử tín dụng thì người vay có liên quan đến chị Đ còn vay tại nhiều tổ chức tài chính khác và các app cho vay. Chúng tôi khẳng định tất cả các hành vi ghép ảnh, bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội để đòi nợ đều không không phải FE CREDIT thực hiện”.
“Bên cạnh việc giả mạo, có nhiều khách hàng không những vay tiền của chúng tôi mà còn vay của những tổ chức khác. Đây là những công ty cho vay “núp bóng” công ty tài chính, thực hiện cho vay bất hợp pháp và tự xưng là FE CREDIT để đòi nợ và khi khách hàng có ý định trả nợ, chúng sẽ yêu cầu khách hàng trả nợ cho tổ chức đó thay vì trả nợ cho chúng tôi. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng chiêu mạo danh công ty tài chính uy tín đòi nợ táo tợn, khủng bố người thân khách hàng với mục đích khiến nhiều người dân xa lánh và từ chối vay tại công ty tài chính, dẫn đến việc họ chỉ còn lựa chọn vay qua app của chúng”, vị này giải thích.
Thực tế cho thấy hiện nay có hàng ngàn công ty tài chính chỉ được cấp phép bởi Bộ Kế hoạch Đầu tư nhưng lại thực hiện hoạt động cho vay dưới hình thức cho vay trực tuyến (qua app). Đây là một dạng tín dụng đen “núp bóng” các app với chiêu trò vô cùng tinh vi, nguy hiểm hơn nhiều so với tín dụng đen truyền thống. Thông qua các app cho vay, các đối tượng này có thể truy cập và thu thập nhiều thông tin khách hàng lưu trên điện thoại sau đó chúng sử dụng thông tin này để đe dọa, khủng bố hoặc dùng cho mục đích chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Thế khó của công ty tài chính chính thống
Trước tình trạng bị các đối tượng xấu mạo danh với nhiều mục đích khác nhau đang khiến các công ty tài chính uy tín gặp nhiều khó khăn từ hoạt động cho vay, thu hồi nợ đến uy tín và danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều khách hàng và người thân của họ sau khi bị các đối tượng xấu đòi nợ khủng bố đã quay lưng với các công ty tài chính. Họ không còn tin tưởng và cho rằng những cuộc gọi đòi nợ đến từ công ty tài chính, khiến cho hoạt động cho vay tiêu dùng gần như ngưng trệ. Đồng thời khi có nhu cầu vay, họ lại phải tìm tín dụng đen như một phao cứu sinh duy nhất. Nghiêm trọng hơn khi có một số bộ phận khách hàng dành nguồn tiền để trả nợ cho công ty tài chính nhưng sau khi bị đe dọa nặng nề từ các đối tượng xấu, buộc họ phải chuyển sang trả nợ cho chúng.
“Vốn là kênh dẫn vốn an toàn dành cho người yếu thế nhưng giờ đây chúng tôi lại rơi vào thế khó khi nhiều khách hàng không dám vay từ công ty tài chính bởi sự đánh đồng sai lệch. Công tác thu hồi nợ của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng trên đang khiến người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay an toàn, tạo cơ hội cho tín dụng đen phát triển rầm rộ từ đó kéo theo nhiều hệ lụy.
Để hạn chế rủi ro cũng như bảo vệ khách hàng trước những chiêu trò tinh vi từ các đối tượng lừa đảo, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp như nâng cấp các app cho vay, sử dụng số điện thoại định danh FE CREDIT, tạo hệ thống chăm sóc khách hàng chuẩn chỉ. Đồng thời, công ty cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử và xử phạt nghiêm đối với những nhân viên có sai phạm. Tuy nhiên nỗ lực này cần có sự tham gia và phối hợp hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành trong việc giúp người dân phân biệt rõ bản chất giữa tín dụng chính thức với phi chính thức”, đại diện FE CREDIT cho biết.
Cũng tại hội thảo mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ hiệu quả của tài chính tiêu dùng, cơ hội phát triển và khó khăn, thách thức cũng như xu hướng phát triển của tài chính tiêu dùng. Đồng thời phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác. Trên cơ sở đó, đánh giá làm rõ được các vần đề có thể phát sinh và đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để ngăn ngừa tín dụng đen.