"Lấy" hơn 12 ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng cao cấp

22/09/2023 16:46

Dự án nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận rộng hơn 64 ha vừa được công khai tham vấn về môi trường. Trong đó có hơn 12 ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý

Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam - đơn vị thành viên của BIM Group đang tiến hành công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy. ĐTM dự án này hiện đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

nui-chua-anh-huynh-van-truyen-1695375869.jpg

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc địa phận huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, được thành lập vào ngày 9/7/2003 và vào năm 2021 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: một góc Vườn Quốc gia Núi Chúa - Huỳnh Văn Truyền.

Cụ thể, theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, diện tích sử dụng đất của dự án được điều chỉnh là 64,65 ha. 

Dự án có tứ cận phía Bắc giáp đường ven biển Bình Tiên – Vĩnh Hy (đường tỉnh 702); phía Nam và Tây giáp Núi Chúa; phía Đông giáp quy hoạch khu du lịch Bãi Cóc trong và Bãi Cóc ngoài

Dự án được đầu tư xây dựng tại khu đất thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa (VQGNC) tại xã Vĩnh Hải. Khu đất này thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, là rừng đặc dụng, thuộc phân khu dịch vụ hành chính, do VQGNC quản lý.

Kết quả điều tra, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực hiện dự án khu nghĩ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy là 12,9 ha. Trong đó diện tích thuộc quy hoạch rừng đặc dụng theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 06/4/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận là 12,78 ha thuộc lâm phận của Ban quản lý VQGNC đang quản lý và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng hiện đang do xã Vĩnh Hải quản lý là 0,12 ha.

Cụ thể, diện tích có rừng là 11,58 ha (chiếm 89,8% diện tích điều tra). Trong đó, rừng tự nhiên là 10,60 ha (chiếm 82,2) thuộc trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đá nghèo kiệt. Diện tích rừng trồng là 0,98 ha (chiếm 7,6% diện tích điều tra) thuộc trạng thái rừng trồng khác núi đá. Diện tích đất chưa có rừng là 1,32 ha (chiếm 10,2% diện tích điều tra).

khu-nghi-duong-cao-cap-vinh-hy-1695375869.jpg

Sơ đồ mô phỏng vị trí khu vực thực hiện dự án. Ảnh: ĐTM dự án.

Ngoài ra, khu vực dự án chủ yếu là rừng thuộc VQGNC, do vậy quá trình thi công sẽ phát sinh các tác động đến đa dạng sinh học (ĐDSH) của khu vực.

Cụ thể, quá trình thực hiện dự án ảnh hưởng đến 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn có tên trong IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và nằm trong danh mục CITES (2017) gồm Thiên tuế lược; Dây gắm; Lòng mức trái to và xương rồng gai. Ngoài ra có khoảng 311 loài cây có giá trị sử dụng làm thuốc, cho gỗ, làm cảnh, cho tinh dầu, làm thức ăn cho người, gia súc,…

Về động vật các loài có giá trị bảo tồn bao gồm Diều hoa miến điện ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ đều ở nhóm IIB (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại); 5 loài bò sát, lưỡng cư trong Sách Đỏ Việt Nam 2007) gồm nhông Leiolepis guttata, Rắn sọc dưa Elaphe radiata, rắn ráo thường Ptyas korros, rắn cạp nong Bungarus fasciatus, rắn hổ mang thường Naja atra và hai loài có tên trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, đều ở nhóm IIB là rắn sọc dưa Elaphe radiate và rắn cạp nong Bungarus fasciatus.

Ngoài ra, ĐTM của dự án cũng nhận định trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí sẽ làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực dự án và lân cận (thường là bị suy giảm vì nhiều loài bị giết hại hoặc phải di chuyển đi nơi khác do sinh cảnh sống của chúng bị xoá sổ hoặc bị xáo trộn, không còn thích hợp để sinh sống).

Tác động đến các loài hiếm/nguy cấp khu vực dự án có một số loài nằm trong danh mục bảo tồn như đã nêu ở trên. Do vậy, việc thi công dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.

Ngoài ra, nếu việc quản lý công nhân không tốt, ý thức công nhân không cao sẽ xảy ra việc săn bắt các loài động vật hay khai thác gỗ trái phép làm gia tăng những mối đe doạ đối với những loài này tại khu vực dự án.

vinh-vinh-hy-anh-nguyen-van-quang-1695375869.jpg

Dự án gần Vịnh Vĩnh Hy, đây là vịnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Ảnh: Nguyễn Văn Quang

Liên quan đến dự án nói trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy cho Công ty Syrena Việt Nam từ tháng 10/2015. Đến đầu năm 2022, dự án được phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng sẽ được triển khai trong hai giai đoạn với mục tiêu khác thác tài nguyên du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ xây dựng 54 biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại dự án. Trong đó, 30 căn một phòng ngủ với (diện tích 150 m2) và 24 căn hai phòng ngủ (diện tích 250 m2). Giai đoạn 2, dự án sẽ có thêm 46 biệt thự gồm 10 căn hai phòng ngủ, 31 căn ba phòng ngủ (250 m2), 4 căn 4 phòng ngủ (350 m2) và một căn 5 phòng ngủ (1.500 m2). Tất cả biệt thự này chỉ có 1 tầng.

Theo Trung Nhân/KTĐT
Bạn đang đọc bài viết ""Lấy" hơn 12 ha rừng Vườn Quốc gia Núi Chúa làm khu nghỉ dưỡng cao cấp" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.