Công ty Hoàng Gia Đà Lạt “cầu cứu”
Thời gian qua, câu chuyện công trình vi phạm tại Toà nhà câu lạc bộ Golf, đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1, TP. Đà Lạt, nằm trong khuôn viên của dự án Sân golf Đồi Cù đã thể hiện sự quyết liệt của chính quyền tỉnh Lâm Đồng trong vấn đề xử lý các sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng.
Theo đó, dự án trên do Công ty cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư, doanh nghiệp này đóng vai trò điều hành, quản lý tài sản cho Liên doanh DRI (doanh nghiệp có vốn nước ngoài).
Theo đại diện Công ty Hoàng Gia Đà Lạt, từ năm 1991, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tỷ phú người Mỹ - ông Larry Hilblong, nhà đầu tư của DRI (một trong 3 thành viên sáng lập hãng chuyển phát nhanh DHL trên thế giới) đã quyết định đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và ông đã chọn Đà Lạt làm nơi để rót vốn.
Trên cơ sở của giấy phép đầu tư được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư cấp số 22/GP ngày 8/8/1991, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng cải tạo các công trình khách sạn biệt thự cổ tại Đà Lạt, trong đó có việc cải tại sân Gofl 18 hố, đặc biệt cấu phần của dự án cải tạo này có tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù.
Từ năm 2016, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt nhiều lần nhận được chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt, trong đó yêu cầu doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện các hạng mục theo Giấy chứng nhận đầu tư 222/GP đã được cấp. Việc hoàn thiện dự án sẽ góp phần vào việc tạo ra nguồn thu, phát triển kinh tế xã hội cho TP. Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Thực hiện theo chỉ đạo trên, doanh nghiệp này ngay lập tức đã lập phương án quy hoạch, phương án kiến trúc tòa nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù. Sau đó trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của công trình. Đến nay, Công ty Hoàng Gia Đà Lạt đã được phê duyệt hầu hết các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình này.
Thế nhưng trong quá trình đầu tư xây dựng, công ty đã gặp phải một số khó khăn vướng mắc, công ty cũng đã chủ động dừng hoạt động thi công, nộp phạt theo quy định nhà nước và tiến hành khắc phục hậu quả.
Theo Công ty Hoàng Gia Đà Lạt, tuy có cùng nhiều vi phạm như nhau trên địa bàn tỉnh, nhưng dường như riêng đối với Dự án sân Golf Đồi Cù lại không nhận được thiện cảm của các cơ quan chức năng.
Cũng theo Công ty Hoàng Gia Đà Lạt, ngoài Dự án sân Golf đang có nhiều vướng mắc, mới đây hoạt động khai thác điểm du lịch tại Dinh 1 (TP. Đà Lạt) của công ty này cũng bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động. Nguyên nhân được đưa ra là do thời điểm năm 2013, công ty được giao khai thác mà không thông qua đấu giá.
Còn đối với dự án sân Golf Đồi Cù, đây được ví như con gà đẻ trứng vàng cho kinh tế Lâm Đồng, với số tiền thuê đất gần 140 tỷ đồng mỗi năm lại chưa được tạo điều kiện đúng mức, khiến cho doanh nghiệp gặp khó, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Nhiều dự án được tạo điều kiện, phạt cho tồn tại
Theo ghi nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra và phát hiện ra nhiều công trình, dự án, khu nghỉ dưỡng, sân golf... có sai phạm trong quá trình xây dựng. Điển hình là Khách san Merperle Dalat Hotel (địa chỉ số 10 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) do Công ty Cổ phần Khải Vy làm chủ đầu tư.
Theo đó, tháng 6/2023, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản giao Sở Xây dựng, UBND TP. Đà Lạt kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng tại dự án khách sạn Merperle Dalat. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty Cổ phần Khải Vy triển khai thi công xây dựng công trình khách sạn Merperle Dalat theo đúng Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Sau kiểm tra, dự án này được xác định đã xây dựng trái phép 4.500m2.
Tuy nhiên, chỉ hơn 4 tháng sau, cũng chính ông Võ Ngọc Hiệp lại ký một văn bản khác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt và cơ quan liên quan xác định nghĩa vụ tài chính Công ty Khải Vy phải nộp do thay đổi thiết kế làm tăng hệ số sử dụng đất tại dự án Merperle Dalat Hotel theo đúng quy định của pháp luật. Đây được coi là động thái giúp Công ty Khải Vy “hợp thức hóa” sai phạm tại dự án Khách sạn Merperle Dalat mà không bị cưỡng chế, tháo dỡ.
Ở một công trình sai phạm khác, đầu tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo UBND tỉnh xin hướng xử lý đối với diện tích rừng bị mất trong quá trình Acteam International thực hiện dự án The Dàlat at 1200.
Qua thu thập tài liệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá: “Công ty TNHH Acteam International trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng; trong diện tích rừng bị mất có 11,5ha rừng phòng hộ; thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017”, số lượng cũng như mức độ vi phạm thuộc diện cần phải xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng, hiện tại hướng xử lý của vụ việc này theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng là yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, trồng lại rừng trên diện tích đã bị phá.
Qua 2 sự việc trên cho thấy, cách thức xử lý đối với các vi phạm của các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những điểm khác nhau, được nhiều người đem ra đối chiếu, so sánh và phân tích, gây dư luận không tốt về môi trường đầu tư của tỉnh.
Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao những dự án của Công ty Hoàng Gia Đà Lạt như điểm du lịch tại Dinh 1 hay tòa nhà Câu lạc bộ golf Đồi Cù khi xảy sai phạm lại bị yêu cầu cưỡng chế, có thể dẫn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản; ngược lại dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel, Dự án The Dàlat at 1200 lại được hướng dẫn để tồn tại, không bị xử lý nghiêm.
Thiết nghĩ, qua sự việc nêu trên, nếu chính quyền tỉnh Lâm Đồng không giải quyết được các vấn đề phát sinh thỏa đáng thì vô tình việc bất nhất trong khâu xử lý các vi phạm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thu hút đầu tư tại địa phương này.
Trong buổi họp để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Lâm Đồng quý I/2024, ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, trong quý I/2024, thu hút đầu tư trên địa bàn Lâm Đồng tiếp tục gặp khó. Cụ thể, trong quý, trên địa bàn Lâm Đồng không có dự án đầu tư cấp mới; có 7 dự án được điều chỉnh nội dung đầu tư gồm 4 dự án trong khu công nghiệp, 3 dự án ngoài khu công nghiệp; 3 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 57 tỉ đồng. |