‘Kỳ phùng địch thủ’ Hòa Bình và Coteccons 9 tháng 2019: Nợ phải trả hàng nghìn tỷ, cổ phiếu rủ nhau dò đáy
31/10/2019 19:33
Trên thị trường xây dựng, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) được xem là đối thủ xứng đáng nhất của Xây dựng Coteccons (CTD). Đến nay, khoảng cách giữa hai kỳ phùng địch thủ này có còn cách xa?
Trên thị trường xây dựng, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) được xem là đối thủ xứng đáng nhất của Xây dựng Coteccons (CTD). Đến nay, khoảng cách giữa hai kỳ phùng địch thủ này có còn cách xa?
Các chỉ số tài chính hiện nay của Hòa Bình đều cho thấy đơn vị này đang yếu thế hơn trong chặng đua với Coteccons.
Coteccons nói không với nợ vay… còn Hòa Bình ghi nhận đến 32% nguồn vốn
Tính đến ngày 30/09/2019, vốn điều lệ của Hòa Bình ghi nhận khoảng 1.961 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần vốn điều lệ của Coteccons.
Một điểm dễ thấy khác biệt giữa Hòa Bình và Coteccons là sử dụng nguồn vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Tại ngày 30/09/2019, tổng tài sản của Hòa Bình đạt 16.446 tỷ đồng nhưng nợ phải trả ngấp nghé 12.814 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản rất cao với 78%.
Còn Coteccons, tổng tài sản ghi nhận hơn 14.987 tỷ đồng, nhỏ hơn 8% tài sản của Hòa Bình và nợ phải trả chỉ chiếm 33%, tương ứng 4.931 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, Hòa Bình lại ghi nhận phần lớn là vay nợ tài chính ngắn và dài hạn với tổng giá trị hơn 5.233 tỷ đồng (chiếm 32% nguồn vốn).
Trong khi Coteccons nói không với vay nợ tài chính.
Ngoài việc không phát sinh nợ vay, Coteccons còn nắm giữ lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền lớn, đặc biệt vào những năm 2013-2016. Nhờ đó mà lãi từ tiền lãi ngân hàng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Coteccons. Điển hình trong 9 tháng năm 2019, chỉ tính riêng khoản thu từ lãi tiền gửi đã mang về cho Coteccons 190 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Coteccons còn vượt Hòa Bình về các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn (đối với Coteccons là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng và không quá 12 tháng, đối với Hòa Bình là tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng) và trái phiếu, đồng thời khoảng cách này ngày càng xa.
Tính đến hết quý 3/2019, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Coteccons ghi nhận hơn 3.012 tỷ đồng, gấp 159 lần khoản này của Hòa Bình.
Hai ông lớn đồng loạt lao dốc trong quý 3/2019
9 tháng 2019, doanh thu thuần của Coteccons đạt 16.262 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm 15.551 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp cũng lao dốc 50%, về mức 711 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Công ty, việc giảm doanh thu là do khó khăn chung của ngành xây dựng, trong khi các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng hoặc triển khai chậm. Đồng thời do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Coteccons.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 20%, còn 195 tỷ đồng thì lợi nhuận liên doanh liên kết lại ghi âm gần 4 tỷ đồng. Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng lao dốc gần 78%, xuống 27 tỷ đồng.
Mặc dù cố gắng cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 16%, về mức 324 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của Coteccons vẫn giảm mạnh 60%, còn 478 tỷ đồng trong 9 tháng.
Riêng trong quý 3/2019, lãi ròng của Coteccons cũng giảm 65%, còn 165 tỷ đồng.
Năm 2019, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận 1.300 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng, doanh nghiệp này thực hiện được 60% về doanh thu và 37% về lợi nhuận.
Với Hòa Bình, doanh thu thuần trong quý 3 đạt gần 4.615 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm mạnh xuống còn 6% từ mức 10% của quý 3/2018.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Hòa Bình tăng 73% lên 40,13 tỷ đồng, chủ yếu do tăng doanh thu tài chính khác 18,8 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản mục này không được thuyết minh cụ thể.
Chi phí tài chính được tiết giảm 7% xuống còn 78 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lại tăng từ 82 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 7% xuống 136 tỷ đồng và chỉ có chi phí bán hàng tăng 45% lên 16,5 tỷ đồng.
Sau cùng, Hòa Bình đạt 68,7 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2019, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 13.646 tỷ đồng, tăng 8% nhưng lãi ròng cắm đầu lao dốc 54% xuống còn 234 tỷ đồng. Như vậy, Hòa Bình thực hiện được 73% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận.
Cổ phiếu của Coteccons và Hòa Bình rủ nhau dò đáy
Cổ phiếu CTD của Coteccons dù có thị giá cao nhất trong nhóm ngành xây dựng nhưng cổ phiếu này lại miệt mài giảm trong hơn 1 năm qua, trôi về vùng đáy hồi đầu năm 2016. Kết thúc phiên 29/10, thị giá CTD đang dừng ở mức 78.700 đồng/cp, “bốc hơi” 65% so với đỉnh đạt được tại ngày 14/11/2017 (224.377 đồng/cp).
Báo cáo phát hành của Chứng khoán ACB cho rằng Coteccons là một công ty xây dựng hàng đầu với chuyên môn cao, không vay nợ và có lượng tiền mặt cao.
Tuy nhiên, do xung đột lợi ích giữa các cổ đông trong Đại hội cổ đông, đề xuất sáp nhập Ricons không được thông qua, giá trị hợp đồng ký mới giảm nhiều hơn dự phóng trước đó và biên lợi nhuận gộp bị giảm mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu cũng theo đà giảm.
Với cổ phiếu HBC của Hòa Bình, dù vẫn có chục nghìn tỷ đồng Backlog chuyển tiếp từ năm 2018, đồng thời liên tục trúng thầu kể từ đầu năm 2019, nhưng hiện chỉ được giao dịch tại mức 13.150 đồng/cp kết phiên 29/10, giảm 67% so với mức đỉnh từng thiết lập hồi ngày 13/10/2017 (39.408 đồng/cp).
Đà giảm của cổ phiếu 2 “ông lớn” ngành xây dựng này chủ yếu do sự khó khăn chung của ngành và hiệu suất sinh lợi đi vào xu hướng giảm do giá nguyên vật liệu tăng và cạnh tranh gay gắt cũng như việc thị trường bất động sản phục hồi chậm hơn dự kiến.