Kỳ 2: Dự án Panorama Nha Trang: Vạch trần ‘thủ đoạn’ huy động, chiếm dụng tiền khách hàng!?

30/10/2019 12:05

Với việc “mập mờ đánh lận con đen” khi sử dụng văn bản chưa đủ điều kiện pháp lý thậm chí là những văn bản do chính Công ty Vịnh Nha Trang… biên soạn đã khiến nhiều khách hàng “sập bẫy” và hàng chục tỷ đồng của khách hàng có nguy cơ bị chiếm dụng?

Với việc “mập mờ đánh lận con đen” khi sử dụng văn bản chưa đủ điều kiện pháp lý thậm chí là những văn bản do chính Công ty Vịnh Nha Trang… biên soạn đã khiến nhiều khách hàng “sập bẫy” và hàng chục tỷ đồng của khách hàng có nguy cơ bị chiếm dụng?

Condotel – căn hộ du lịch đang là xu thế của thị trưởng Bất động sản, tuy nhiên một số chuyên gia Bất động sản “khuyến cáo” các khách hàng cần tỉnh táo khi tham gia đầu tư vào các dự án mô hình Condotel vì các rủi ro tài chính cũng như về pháp lý liên quan đến loại hình này.

Bằng nhiều cách thức Công ty Vịnh Nha Trang – Chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang có dấu hiệu đứng ra để huy động hàng chục tỷ đồng sau đó chiếm dụng tiền của khách hàng.

Dự án tai tiếng Panorama Nha Trang (Khánh Hòa) đang bị nhiều khách hàng phản ánh “treo đầu dê, bán thịt chó” khi bất tin khách hàng không thực hiện đúng các cam kết trong HĐMB.

Dự án huy động tiền tỷ kiểu đa cấp

Để thu hút khách hàng, Công ty Vịnh Nha Trang đã vẽ ra viễn cảnh hoành tráng, đưa ra những con số lợi nhuận khủng với thông điệp các khách hàng chỉ cần có niềm tin và đem tiền đầu tư vào dự án Panorama Nha Trang thì các khách hàng không cần làm gì… cũng có tiền với lợi nhuận “cực khủng”. Chính vì vậy, Công ty Vịnh Nha Trang đã huy động hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng từ các khách hàng và không ít khách hàng mắc “bẫy” đầu tư vào dự án để rồi ăn “trái đắng” bởi Công ty Vịnh Nha Trang đã “phủi” trách nhiệm và các cam kết chắc nịch trước đó. Nhiều các khách hàng đánh giá với hình thức trên, Công ty Vịnh Nha Trang được ví von với mô hình kinh doanh đa cấp khi đưa “lợi nhuận” để “câu” dẫn khách hàng nhẹ dạ cả tin.

Trước khi mở bán chính thức, Công ty Vịnh Nha Trang từng tổ chức nhiều lễ ra mắt giới thiệu dự án Panorama Nha Trang và được “nổ” là “siêu dự án”  với cam kết lợi nhuận lên đến 14%/năm giá trị căn hộ (400-500 triệu đồng).

Ngày 25/3/2017, dự án căn hộ khách sạn Panorama Nha Trang chính thức được mở bán. Bằng những lời quảng cáo “có cánh”, những hứa hẹn về khoản lợi nhuận khổng lồ khi tham gia đầu tư tại dự án đã làm “mờ mắt” những người tham gia, biến khách hàng thành những con thiêu thân lao vào dự án.

Tuy nhiên, các khách hàng cho rằng đây là một hình thức huy động vốn trái pháp luật của Công ty Vịnh Nha Trang bằng việc “núp bóng” dưới hình thức kêu gọi khách hàng đầu tư khi đưa ra “miếng mồi” là những gói “combo”, những cơ hội, lợi nhuận khi tham gia đầu tư tại dự án.

Theo đó, bà Đoàn Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty Vịnh Nha Trang đã đưa cho khách hàng 02 lựa chọn với ưu đãi khủng mang tên… “thanh toán nhanh không vay ưu đãi”. Cụ thể với khách hàng thanh toán 70% giá trị căn hộ thì sẽ được chiết khấu 6% giá trị căn hộ; đặc biệt với khách hàng thanh toán 95% giá trị căn hộ thì mức chiết khẩu là 8% giá trị căn hộ và đi kèm là nhiều phần quà có giá trị khác, số tiền chiết khấu được trừ trực tiếp ngay khi các khách hàng ký hợp đồng mua bán (HĐMB).

Vậy với mức giá trung bình là 2 tỷ/căn hộ thì với bài toán trên, khi khách hàng khi đóng 95% sẽ được chiết khấu ngay lập tức 160 triệu (8%) và chiết khấu 120 triệu (6%) khi đóng 70% và với “đáp án” trùng khớp với “đáp án lợi ích” của khách hàng thì nhiều khách hàng đã mạnh tay chi cả tỷ đồng để đăng ký tham gia đầu tư.

Đối với khách hàng thanh toán theo tiến độ thông thường, không tham gia ưu đãi để hưởng lợi ích triết khấu trên, theo khách hàng Đ.T.H (Chủ sở hữu căn hộ Axx-12) phản ánh bất cập về việc mỗi khách hàng phải đóng tiền phí ngay khi đăng ký với số tiền là 50 triệu đồng/người, sau đó mới được cầm trên tay bản HĐMB để đọc nội dung.

Tuy nhiên HĐMB sẽ do Công ty Vịnh Nha Trang soạn sẵn, khách hàng cũng gần như không có cơ hội thảo luận hay bàn bạc với Công ty về điều khoản hợp đồng. Khi soạn sẵn như vậy thì thường một là các điều khoản rất lỏng lẻo, hai là các điều khoản này thường có lợi cho công ty. Một khi tranh chấp xảy ra thì khách hàng hoàn toàn bất lợi

“Ngay khi đăng ký, bên Công ty yêu cầu tôi nộp 50 triệu đồng, tôi có đề nghị được xem trước nội dung HĐMB nhưng bên Công ty yêu cầu cần phải đóng trước khoản phí 50 triệu. Vì lo mất cơ hội đầu tư nên tôi đã đồng ý đóng. Nếu được cầm bản HĐMB đọc kỹ các nội dung và tìm hiểu tôi sẽ không bao giờ tham gia đầu tư dự án Panorama Nha Trang” – Bà Đ.T.H cay đắng nói.

Về bản chất căn hộ du lịch – Condotel vốn là mô hình kinh doanh thuộc loại hình hoạt động du lịch và không liên quan đến bất động sản tuy nhiên vẫn được Công ty Vịnh Nha Trang, đơn vị tín dụng ngân hàng (Techcombank) viện dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa chấp thuận tại công văn số 455/SXD-QLN ngày 27/2/2017 cho dự án Panorama Nha Trang được bán bất động sản hình thành trong tương lai!?

Nếu viện dẫn luật, phía Công ty Vịnh Nha Trang đã vi phạm nghiêm trọng Luật Kinh doanh Bất động sản khi có dấu hiệu huy động vốn trái phép từ khách hàng. Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 đã đưa ra 08 các hành vi bị cấm, trong đó cấm huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Công ty Vịnh Nha Trang có đang “ngồi xổm” trên luật pháp để huy động hàng chục tỷ đồng trái phép từ khách hàng bằng việc “núp bóng” các gói ưu đãi có chiết khấu cao?

Theo tìm hiểu, để triển khai một dự án Condotel thì bên cạnh vốn của các Chủ đầu tư thì vốn chủ yếu được vay từ tín dụng ngân hàng đồng thời tận dụng vốn nhà thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho đến thời điểm huy động vốn của các khách hàng.

Sau đó Chủ đầu tư rao bán các căn hộ Condotel cho các khách hàng nhằm mục đích huy động vốn để thực hiện dự án theo phương thức tương tự như bán nhà ở hình thành trong tương lai. Với phương pháp này, Chủ đầu tư sẽ thu hồi vốn đầu tư nhanh, có thêm nguồn vốn bổ sung thay vì phải vay vốn tổ chức tín dụng ngân hàng, ngoài ra vẫn được tham gia kinh doanh căn hộ Condotel đã bán cho khách hàng. Tuy nhiên đối với dự án không phải bán nhà ở hình thành trong tương lai thì việc làm trên chưa được pháp luật hiện hành cho phép.

Văn bản làm căn cứ để đề nghị chấp thuận nghiệm thu PCCC được Công ty Vịnh Nha Trang đưa ra cho khách hàng để chứng minh đủ điều kiện bàn giao để “bẫy” khách hàng thanh toán 25% giá trị căn hộ (đợt cuối)?

Chia sẻ với báo chí, ông V.H.Â. (khách hàng tại Hà Nội) cho biết khi quyết định tham gia đầu tư dự án Panorama Nha Trang Công ty Vịnh Nha Trang đã chủ động, khéo léo gợi ý ông tham gia gói “siêu ưu đãi” chiết khấu 8% giá trị căn hộ với điều kiện thanh toán “nóng” 95% giá trị căn hộ. Vì cả tin vào những lời hứa đường mật, những viễn cảnh, cơ hội đầu tư có 1-0-2 mà Công ty vẽ ra nên ông Â. đã đồng ý tham gia gói “siêu ưu đãi”. Ngoài ông Â. còn rất nhiều các khách hàng khách cũng tham gia các gọi ưu đãi khác nhau với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

“Nhiều khách hàng chấp nhận thanh toán khoản tiền 70-95% giá trị căn hộ để được hưởng các ưu đãi lớn, chiết khấu % từ Công ty Vịnh Nha Trang. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết thì ra là một hình thức huy động vốn từ các khách hàng từ phía Công ty” – Ông  nói.

Khách hàng “khóc ròng” vì hàng tỷ đồng bị Công ty chiếm dụng!?

Khi sự kiện kết thúc, hàng trăm “đơn hàng” ước tính số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng đã được ký kết. Nhưng sau đó, phía Công ty Vịnh Nha Trang đã “lật kèo” khách hàng khi không thực hiện đúng như đã cam kết trong HĐMB và có dấu hiệu chiếm dụng tiền, “chây ì” không trả tiền khi bị khách hàng phát giác các dấu hiệu sai phạm, “bẫy “ các khách hàng bằng những văn bản chưa đủ điều kiện pháp lý hòng chiếm dụng vốn khách hàng tại dự án Panorama Nha Trang!?

Đầu tiên phải nhắc đến là giá trị pháp lý nội dung bản Phụ lục hợp đồng gia hạn (PLHĐ) của Công ty Vịnh Nha Trang khi được cho là hình thức “làm màu” của và không có tính pháp lý khi chưa qua thỏa thuận với ngân hàng Techcombank – đơn vị lập chứng thư bảo lãnh. Chính vì vậy thời gian dự kiến bàn giao nhà được xác định là ngày 31/12/2018 và tính đến nay hơn 180 ngày nhưng Công ty Vịnh Nha Trang vẫn chưa bàn giao căn hộ khách sạn.

Tại Điều 12 của HĐMB nêu rõ “Nếu quá 180 ngày (một trăm tám mươi) ngày kể từ Ngày bàn giao dự kiến mà bên bán chưa bàn giao căn hộ trên thực tế cho Bên mua thì Bên Mua có quyền tiếp tục thực hiện Hợp đồng  này theo thỏa thuận bổ sung về thời gian bàn giao căn hộ hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng…”

Tuy nhiên đến nay phía Công ty Vịnh Nha Trang vẫn khẳng định không vi phạm về thời hạn bàn giao khi viện dẫn nhiều lý do, căn cứ không có tính pháp lý nhằm mục đích không hoàn trả tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty Vịnh Nha Trang đã có dấu hiệu “mập mờ đánh lận con đen” khi sử dụng các văn bản chưa đủ về điều kiện pháp lý và thậm chí là những văn bản nghiệm thu do Công ty Vịnh Nha Trang… tự biên soạn để gửi tới hòng “bịp” khách hàng(!?).

Cụ thể, theo khách hàng tiết lộ, trước khi đề nghị khách hàng chuyển khoản thanh toán 25% tiền giá trị căn hộ còn lại, phía Công ty Vịnh Nha Trang đã “show” cho các khách hàng xem những văn bản nghiệm thu công trình, văn bản PCCC… để tạo dựng niềm tin cũng như chứng minh dự án đã đủ điều kiện để bàn giao và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh thì thực chất các văn bản Công ty Vịnh Nha Trang đưa ra không phải là các văn bản được cơ quan có thẩm quyền ban hành mà đây chỉ là những văn bản để… căn cứ đề nghị xem xét cấp văn bản chấp thuận nghiệm thu để đưa vào sử dụng. thậm chí đối với một số các văn khác, điển hình như văn bản nghiệm thu công trình, bản vẽ hoàn công lại do chính Công ty Vịnh Nha Trang… tự biên soạn với các chữ ký, con dấu của Công ty!?

Và với những khách hàng không tinh ý sẽ hiểu nhầm và đồng ý chuyển khoản thanh toán. Còn khách hàng “cứng đầu” không chịu thanh toán, công ty Vịnh Nha Trang sẽ sử dụng nhiều cách thức để “ép buộc”, thậm chí là “dọa” phạt, tính lãi suất đối nếu những khách hàng chậm thanh toán để khiến các khách hàng phải “ngoan ngoãn” thanh toán 25% (khoảng 500 -700 triệu) tiền giá trị căn hộ (đợt cuối).

Cầm trên tay tài liệu làm căn cứ, khách hàng T.C. (Chủ sở hữu căn hộ Bxx-10) cho biết “Công ty Vịnh Nha Trang đã gửi đến khách hàng văn bản số 1290/PCCC&CNCH-P4 về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC của Công ty Vịnh Nha Trang đối với dự án Panorama Nha Trang, nếu nhìn “lướt”, không đọc kỹ hoặc khách hàng thiếu hiểu biết pháp luật sẽ hiểu nhầm nghĩ đây là văn bản nghiệm thu PCCC của dự án Panorama Nha Trang đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt”(!?)

“Tuy nhiên nếu đọc sẽ thấy văn bản trên chưa đúng, chưa đủ về điều kiện pháp lý vì văn bản trên chỉ là một trong những căn cứ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Tức là dự án Panorama Nha Trang chưa có văn bản xác nhận nghiệm thu PCCC từ cơ quan chức năng và chưa đủ điều kiện bàn giao căn hộ” – khách hàng T.C. nói.

Vậy việc hoàn thành công trình chỉ là “điều kiện cần”, để có thể bàn giao căn hộ thì cần thêm “điều kiện đủ” đó là ngoài các văn bản đã quy định trong HĐMB (nếu có) thì bên Công ty Vịnh Nha Trang cần chứng minh, cung cấp cho khách hàng các văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Với việc làm trên Công ty Vịnh Nha Trang đã “nhất tiễn hạ song điêu” khi vừa đảm bảo được tiến độ bàn giao căn hộ đúng thời hạn, “thu hồi” được số tiền còn thiếu của căn hộ và tránh phát sinh phí phạt, phát sinh lãi suất khi bàn giao chậm.

Theo nghị định số 05/2015/TT-BXD của Bộ xây dựng năm 2015 quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ quy định cần 08 loại giấy tờ đáp ứng khi tiến hành làm thủ tục hoàn công. Trong đó đáng quan tâm là bản vẽ hoàn công; văn bản thỏa thuận, chấp thuận, xác nhận của các tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về an toàn PCCC; an toàn vận hành thang máy tại tất cả cac dự án nói chung và dự án Panorama Nha Trang nói riêng bắt buộc phải tuân thủ.

Với việc phản ánh sử dụng các văn bản “làm căn cứ đề nghị xem xét” cung cấp cho khách hàng khiến khách hàng “hiểu nhầm” và thanh toán, chuyển khoản trong khi chưa có văn bản ban hành chính thức từ cơ quan có thẩm quyền cấp thì Công ty Vịnh Nha Trang đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng tiền của khách hàng tại dự án Panorama Nha Trang.

Công ty Vịnh Nha Trang có dấu hiệu lừa đảo chiếm dụng tiền khách hàng tại dự án Panorama Nha Trang

Theo TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã cho rằng, có tới 70% vốn triển khai các dự án bất động sản là đi vay. Những doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản chỉ cần xin thành lập dự án rồi mang dự án đó đi làm thủ tục vay vốn ngân hàng, sau đó mang đi chào mời, giới thiệu để huy động vốn của người dân. Nhận xét trên của TS Phạm Sỹ Liêm cho thấy, hoạt động đầu tư bất động sản nước ta bao năm qua chủ yếu được thực hiện bằng vốn vay, vay của ngân hàng, vay “ứng trước” từ phía khách hàng và thực chất đây là chính là hình thức chiếm dụng vốn.

Như báo chí đã phản ánh trước đó về nhiều sai phạm của Công ty Vịnh Nha Trang tại dự án Panorama Nha Trang khi đã không thực hiện đúng các cam kết trong HĐMB (chất lượng căn hộ từ 5 sao thành 3 sao, thiết kế, nội thất không đúng trong thông báo…) cũng như cam kết về lợi nhuận khi tham gia đầu tư. Vì vậy nhiều khách hàng đã phản đối yêu cầu chấm dứt hợp đồng theo các quy định được nêu trong HĐMB, tuy nhiên phía Công ty Vịnh Nha Trang đã không tuân thủ các quy định do chính Công ty lập ra mà thay vào đó là tìm các lý do, lập luận để không trả tiền khách hàng.

Trước cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, có dấu hiệu lừa đảo của Công ty Vịnh Nha Trang các khách hàng đã tìm đên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để yêu cầu được bảo vệ quyền lợi như đã cam kết trong Chứng thư bảo lãnh. Tuy nhiên phía Ngân hàng Techcombank lại từ chối yêu cầu bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi đưa ra những lý do, lập luận không có trong quy định của Chứng thư bảo lãnh để từ chối nghĩa vụ đồng thời “đá quả bóng” trách nhiệm về phía Công ty Vịnh Nha Trang,  ở phía ngược lại Công ty Vịnh Nha Trang im lặng, né tránh, trả lời không thuyết phục khiến người chịu thiệt thòi, bức xúc không ai khác lại chính là khách hàng.

Vì vậy, dư luận đã đặt nghi vấn có sự “phối hợp” giữa doanh nghiệp – Chủ đầu tư Công ty Vịnh Nha Trang và Ngân hàng Techcombank khi đã “mượn” sự uy tín của một tổ chức tín dụng lớn có uy tin nhằm mục đích “bẫy” khách hàng để trục lợi dựa trên sự “tiền hậu bất nhất’ giữa hai hợp đồng bao gồm: HĐMB và Chứng thư bảo lãnh.

Nhóm PV - Theo Văn hiến Việt Nam

http://vanhienplus.vn/ky-2-du-an-panorama-nha-trang-vach-tran-thu-doan-huy-dong-chiem-dung-tien-khach-hang/22973/

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 2: Dự án Panorama Nha Trang: Vạch trần ‘thủ đoạn’ huy động, chiếm dụng tiền khách hàng!?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.