Không riêng gì Thị trấn Tam Đảo mới có tình trạng lấn chiếm đất rừng, mà ngay dưới chân núi thậm chí rất nhiều khu vực huyện Tam Đảo đang bị “phù phép”.
Cán bộ cũng “lấn” rừng?
Ở kỳ trước, Pháp Luật Plus đã đăng tải bài viết với tiêu đề : “Kỳ 1 - Đất rừng biến thành nhà ở, một cuộc “phù phép” khôn khéo ở Vĩnh Phúc”. Sau khi đăng tải, bài viết nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, bạn đọc gần xa.
Những tưởng tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nhà ở, hàng quán chỉ diễn ra trên thị trấn Tam Đảo, nơi có lượng khách du lịch lớn, buôn bán sầm uất. Điều này tạo ra nhu cầu dịch vụ tăng cao như nhà nghỉ, khách sạn nên biết “vi phạm” nhưng nhiều hộ dân, đơn vị vẫn ngang nhiên xây dựng lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, ngay dưới chân núi Tam Đảo, nhiều hàng quán mọc lên như nấm sau mưa và được xây dựng trên diện tích là đất rừng sản xuất do Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc quản lý.
Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc tiền thân là Lâm trường Tam Đảo được giao quản lý 900ha đất rừng. Thực hiện việc quản lý đất không thu tiền, quản lý đất rừng, phòng hộ rừng sản xuất với mục tiêu quan trọng là giữ rừng, bảo vệ môi trường và vườn quốc gia Tam Đảo.
Trước đó, Trung tâm phát triển nông lâm nghiệp Vĩnh Phúc có ký hợp đồng giao khoán đất với một số hộ, cán bộ công nhân viên… để trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ lâu năm. Điều đáng nói, lợi dụng việc này, một số hộ dân đã ngang nhiên xây dựng các công trình trái phép để làm nhà hàng, quán ăn, nơi ở…
Tại báo cáo số 08/BC-TTPTNNVP ngày 03/03/2020 về việc xử lý hành vi xây dựng, công trình cây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất của Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc. Theo đó từ tháng 03/2019 đến nay, tại lô rừng sản xuất số 06 - khoảnh 22 tại thửa số 201, tờ bản đồ số 43, giấy chứng nhận quyền SDĐ số BI680742 thuộc thôn Tân Long, xã Hồ Sơn đã xảy ra một số vụ xây dựng trái phép.
Ngày 31/03/2019, Trung tâm phát hiện tại vị trí lô đất nói trên đã bị tạo lập 02 căn lán trái phép có diện tích lần lượt là 157,5 m2 và 98,79m2. Sau khi phát hiện đã lập biên bản đình chỉ sự việc và báo cáo, đề nghị UBND huyện Tam Đảo, Công an huyện Tam Đảo, UBND xã Hồ Sơn xử lý hành vi vi phạm. Nhiều công trình được tạo lập trong đêm tối hay những ngày mưa gió, chỉ sau 1 đêm đã biến thành hàng ăn, quán phở hay quán cafe.
Trong các trường hợp vi phạm, rõ nhất là trường hợp của bà Nguyễn Phương Thảo ở thôn Tân Long, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Nhà hàng Thảo Nguyên của bà Thảo sừng sững, kiên cố trước cổng sân Golf Tam Đảo. Ngổn ngang phía sau là công trình vừa được thi công nhưng không ai cho phép. Bà Thảo được Trung tâm ký hợp đồng giao đất khoán số 38/HĐGK về việc giao khoán đất lâm nghiệp trồng cây ăn quả và cây gỗ lâu năm tại lô 1 khoảnh 22 (nay đổi thành lô 2 khoảnh 22). Tuy nhiên, liên tục trong các ngày 28-29/07/2020 gia đình bà Nguyễn Phương Thảo đã tự ý tổ chức tạo lập công trình trái phép trên diện tích đất rừng được giao khoán. Đến tháng 4/2020 công trình của bà Thảo đã được hoàn thiện.
Ngoài ra, ngày 1 và 4/10/2020 bà Thảo tiếp tục ngang nhiên tổ chức đổ bê tông nền, xây dựng trái phép trên diện tích được giao khoán. Việc xây dựng của gia đình bà Nguyễn Phương Thảo xảy ra trong thời gian dài và bất chấp việc được các cấp ngăn chặn nhưng không thành.
Cơ quan chức năng “kêu khó”?
Qua tìm hiểu, phần lớn các trường hợp xây dựng vi phạm khi xảy ra đều được Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc nhắc nhở và có báo cáo tới chính quyền địa phương. Thậm chí, như trường hợp của bà Nguyễn Phương Thảo khi vi phạm được Trung tâm mời lên làm việc nhiều lần, nhưng bà này đều từ chối và không có lý do.
Trao đổi với phóng viên Pháp Luật Plus, ông Triệu Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm phát triển lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc than thở: “Trước việc ngang nhiên vi phạm đất rừng tại địa bàn, từ năm 2019 đến nay đơn vị đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức đề nghị phối hợp hỗ trợ tháo dỡ trả lại mặt bằng cho Trung tâm nhưng các công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Trong khi đó lực lượng của Trung tâm mỏng và không đủ thẩm quyền để tháo dỡ các công trình vi phạm.
“Khi thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm mà công trình được xử lý ngay thì dễ nhưng công trình đã xử lý rồi thì phải xử lý theo quy trình. Ở đây vai trò của địa phương rất quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin với phóng viên, ông Triệu Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc chia sẻ thêm: “Ngoài việc các cá nhân vi phạm còn có cả gia đình cán bộ Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo. Cụ thể, công trình xây dựng vi phạm đất rừng của bà Nguyễn Phương Thảo nay là nhà hàng Thảo Nguyên và đáng chú ý, bà này là vợ ông Lưu Thế Hùng (cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo).
[caption id="attachment_58556" align="aligncenter" width="480"] Báo cáo của UBND xã Hồ Sơn về các trường hợp vi phạm[/caption]
Về nội dung này, ông Lưu Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn thông tin, việc các hộ dân lấn chiếm xây dựng trên đất rừng diễn ra từ nhiều năm trước. Vị trí vi phạm nằm trên phạm vi thuộc xã Hồ Sơn tuy nhiên diện tích đất lại do Trung tâm phát triển Lâm Nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý. Khi nhận nhận tin báo, chúng tôi bắt tháo dỡ theo quy trình, xác định tài sản tầm gần 100 triệu, xã đã báo cáo huyện kịp thời yêu cầu hộ Thảo Hùng cán bộ phòng Tài nguyên huyện Tam Đảo xây dựng trái phép, cam kết tháo nhưng vẫn xây tường.
Trung tâm nông nghiệp đề xuất tháo dỡ đưa quân lên tháo dỡ nhà Thảo Nguyên, ông Hùng cán bộ tài nguyên Môi trường huyện Tam Đảo còn gọi điện “dọa” tôi. Nội dung là “Ông trẻ à, nay cho người phát tài sản cháu, ông sai rồi, tôi sai anh có ý kiến, cháu sẽ kiện ông. Tôi không giải thích nhiều mà nói với anh Hùng, anh xem lại anh là cán bộ quản lý đất đai anh sai phạm, xong tắt máy.”
Ở một diễn biến khác, phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ làm việc với UBND huyện Tam Đảo. Một cán bộ thông tin, UBND huyện đã lập Đoàn thanh tra về các trường hợp vi phạm do ông Lê Quý Dương làm trưởng đoàn. Sau khi có kết luận thanh tra sẽ thông tin lại sau.
Trung tâm phát triển Lâm nông nghiệp Vĩnh Phúc quản lý 900ha đất rừng và giao khoán cho các hộ dân sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất rừng xây dựng nhà ở, nhà hàng diễn ra tràn lan khiến diện tích rừng bị “co hẹp”, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý, cơ quan chức năng cần có giải pháp bảo vệ đừng “phạt cho có”.
Pháp Luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.