Kinh doanh bết bát, CC1 vẫn trúng gói thầu hàng trăm tỷ tại Hải Phòng

04/10/2022 09:12

Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) nằm trong liên danh trúng thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại Hải Phòng với giá 262,919 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty này đang kinh doanh 'bết bát', dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ âm 2.071,6 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 14 Xây dựng các hạng mục thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải; xây dựng và lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông; hệ thống cấp điện, đường dây trung, hạ thế phía Bắc sông Cấm.

1-1664849395.jpg

Ảnh minh họa.

Gói thầu có giá dự toán 302,854 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 1.035,298 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố, được đấu thầu rộng rãi qua mạng từ ngày 26/8 - 16/9/2022, với sự tham dự của 4 liên danh nhà thầu.

Kết quả, Liên danh Công ty TNHH MTV BCA Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) trúng thầu với giá 262,919 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 13,2%. Theo hợp đồng, Liên danh sẽ sử dụng một nhà thầu phụ là Công ty CP Tập đoàn Việt Úc, thời gian thực hiện hợp đồng 14 tháng, loại hợp đồng trọn gói.

Dòng tiền CC1 âm nặng, vay nợ hàng nghìn tỷ

Báo cáo tài chính quý 2/2022 của Tổng công ty Xây dựng số 1 cho thấy, dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ âm 2.071,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 639,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số kỷ lục kể từ khi CC1 lên sàn chứng khoán (năm 2017) tới nay.

2-1664849395.jpg

Lần lại các kỳ báo cáo trước, có thể thấy, dòng tiền kinh doanh chính của Công ty liên tục âm trong 2,5 năm qua. Trong đó, tổng dòng tiền kinh doanh chính âm 3.517,74 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 2.683,66 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 5.235,05 tỷ đồng.

Công ty đã tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp thâm hụt mô hình kinh doanh. Cụ thể, từ ngày 31/12/2019 tới ngày 30/6/2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 2.890,4 tỷ đồng, lên 7.112,7 tỷ đồng, chiếm tới 45,4% tổng nguồn vốn; còn vốn điều lệ tăng thêm 2.096,7 tỷ đồng, lên 3.196,7 tỷ đồng.

Tình trạng kinh doanh thâm hụt vốn của CC1 diễn ra sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn khỏi Công ty. Năm 2020, Bộ Xây dựng đã bán ra toàn bộ 44.583.500 cổ phiếu, tương đương 40,66% vốn điều lệ của CC1 - giao dịch được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/11 - 7/12/2020 thông qua khớp lệnh trên sàn.

Tại thời điểm 31/3/2021, CC1 có 4 cổ đông lớn, gồm CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc sở hữu 19%; CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh sở hữu 15%; ông Trần Văn Phát sở hữu 12,45%; ông Nguyễn Văn Huấn sở hữu 11%.

Nhưng đến tháng 6/2021, CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh và CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đã bán ra toàn bộ số cổ phiếu CC1 và tính đến ngày 31/3/2022, CC1 chỉ còn duy nhất 1 cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, với tỷ lệ nắm giữ 11,02%.

Mảng kinh doanh lõi "bết bát''

Quý II vừa qua, CC1 ghi nhận doanh thu đạt 1.663,65 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 14,17 tỷ đồng, tăng 250,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi sâu vào các chỉ tiêu tài chính của Công ty, có thể thấy, khoản lãi đột biến này lại không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi.

3-1664849395.jpg

Cụ thể, lợi nhuận mảng kinh doanh lõi của CC1 (lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) trong quý này âm 91,23 tỷ đồng, tức lỗ nặng hơn số lỗ 25,77 tỷ đồng cùng kỳ. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khác (doanh thu tài chính ghi nhận gần 96 tỷ đồng, tăng 146,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận khác đạt 18,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 740 triệu đồng cùng kỳ).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CC1 đạt doanh thu 2.838,71 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 30,64 tỷ đồng, giảm 56,4% so với cùng kỳ và mới đạt hơn 10% kế hoạch cả năm.

Từ năm 2019 tới nay, lợi nhuận cốt lõi của doanh nghiệp này liên tục âm. Cụ thể, năm 2019 âm 46,3 tỷ đồng, năm 2020 âm 183,9 tỷ đồng, năm 2021 âm 311,8 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục âm 170 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong nửa đầu năm nay, khoản mục trả trước người bán ngắn hạn của Công ty tăng thêm 1.632,6 tỷ đồng, lên 3.954 tỷ đồng. Trong đó, trả trước cho CTCP Keytech tăng thêm 466,1 tỷ đồng lên 1.128,2 tỷ đồng; các nhà cung cấp khác tăng thêm 599,5 tỷ đồng lên 1.116,2 tỷ đồng. Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng xuất hiện thêm các khoản phải trả cho người bán mới đối với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển năng lượng HIGG (58,9 tỷ đồng); Công ty TNHH một thành viên BCA - Thăng Long (49,4 tỷ đồng)…

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của CC1 tăng 30,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.640,1 tỷ đồng, lên 15.662,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, với 6.924,4 tỷ đồng, tương đương 44,2% tổng tài sản, tăng 40,5% so với đầu năm; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.340,7 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng tài sản, tăng 169,9% so với đầu năm; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.585,9 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.441,5 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản, tồn kho tăng 14,7% so với đầu năm...

4-1664849395.jpg

CC1 sai phạm tại dự án ký túc xá tập trung TP. Đà Lạt.

Trước đó, liên quan đến sai phạm tại dự án ký túc xá tập trung Đà Lạt, CC1 cũng bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi trên 13,4 tỷ đồng.

Theo Viết Dinh/TCDN
Bạn đang đọc bài viết "Kinh doanh bết bát, CC1 vẫn trúng gói thầu hàng trăm tỷ tại Hải Phòng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.