Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, bất động sản không phải sinh ra để phục vụ “nhà giàu”, của “nhà giàu”, đây là trụ cột của nền kinh tế nên cần hỗ trợ khi xảy ra khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng BĐS 2020 là "vô tiền khoáng hậu"
Thị trường bất động sản đang được trước những khó khăn chất chồng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi tất cả dường như “bất động”. Sự “đóng băng” này có giống như kịch bản lặp lại của cuộc khủng hoảng năm 2011 -2013 của thị trường bất động sản Việt Nam không, thưa ông?
Khủng hoảng năm 2020 khác hoàn toàn so với khủng hoảng năm 2008 trên thế giới và thời điểm năm 2011 - 2013 khi thị trường bất động sản đóng băng.
Cuộc khủng hoảng thế giới năm 2008 và sự đổ vỡ của thị trường bất động sản 2011 -2013 bắt nguồn từ kinh tế tài chính. Nguyên nhân nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kinh tế tài chính và tác động đến kinh tế vật lý là nhà cửa xây dựng.
Đường phố Hà Nội vắng vẻ, hàng quán đóng cửa tại Hà Nội để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Toàn Vũ |
Nhưng cuộc khủng hoảng 2020 lại hoàn toàn không bắt nguồn từ nguyên nhân tài chính. Và bản chất cũng không phải là cuộc khủng hoảng tài chính hay bất động sản. Các lĩnh vực này chỉ là nạn nhân của đại dịch Corona. Một nguyên nhân mà không ai ngờ tới. Chỉ một con siêu vi khuẩn đã có thể tạo nên sự chấn động toàn cầu.
Ảnh hưởng của con siêu vi khuẩn đã dẫn tới giai đoạn của sự thay đổi trật tự thế giới, trật tự xã hội. Nó tác động đến tất cả các lĩnh vực tài chính, bất động sản, y tế, hoạt động thương mại.
Đó là một cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” nên không thể so sánh với năm 2008 hay 2011. Thậm chí với cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Mỹ năm 1929-1933 cũng khó đặt lên bàn cân với thời điểm hiện tại.
Chúng ta mới ở giai đoạn đầu ở cuộc khủng hoảng. Corona đã và đang dẫn dắt thế giới và kinh tế Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng. |
Mặc dù Việt Nam đang có sự kiểm soát dịch khá tốt nhưng thực tế, tốc độ lây lan của con virus này rất nhanh. Ở những nước tưởng chừng rất tiên tiến với nền y học hiện đại như Mỹ, Đức, Ý, Pháp... cũng đang chứng kiến sự lây lan của con virus này. Corona đang là một kẻ thù vô hình không thể nhận dạng, không thể lượng đoán.
Nếu kinh tế thế giới tiếp tục bị tác động và không biết đâu là điểm dừng. Nếu cứ tiếp diễn thế này, nền kinh tế sẽ đi vào sụp đổ. Cuộc khủng hoảng lần này khiến tôi đang nghĩ tới sự kiện Đại hồng thủy thứ nhất của nhân loại diễn ra cách đây 6000 năm.
- Vậy, theo ông, đâu là cách để hồi phục thị trường bất động sản trước tác động mạnh mẽ của cơn bão Covid-19?
Cuộc khủng hoảng 2020 đang rất khác so với giai đoạn trước. Kịch bản hồi phục thị trường bất động sản cũng vậy. Vai trò của Chính phủ được đề cao trong thời điểm này bởi cách giải quyết buộc phải khác.
Tại các nước, Chính phủ đều đưa ra sáng kiến bằng những gói cứu trợ. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã công bố gói cứu trợ 280.000 tỷ đồng.
Tôi đang hình dung các gói cứu trợ để giải cứu nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản như công cuộc điều trị các triệu chứng của người nhiễm virut Covid -19. Đó là uống thuốc để giảm sốt, đỡ ho... còn các chữa triệt để con virus lại chưa có.
Gốc rễ của vấn đề là cần kiểm soát và xử lý triệt để dịch bệnh. Nếu không kiểm soát, tôi lo ngại về tương lai của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam và cả lĩnh vực bất động sản.
Nhưng tôi khẳng định lại, chúng ta cần có ngay các toa thuốc cứu trợ cho các lĩnh vực kinh tế mà trong đó có bất động sản.
Nếu BĐS không được cứu, sẽ kéo theo nhiều ngành khác chạm đáy!
Như ông vừa trao đổi, bất động sản cần các toa thuốc cứu trợ. Nhưng có quan điểm lại cho rằng, bất động sản là ngành của nhà giàu và Chính phủ không nên bỏ tiền ra để cứu. Ông nghĩ sao về điều này?
Những người có quan điểm như vậy đang bị “định kiến”. Bất động sản không phải sinh ra để phục vụ “nhà giàu”, của “nhà giàu”. Bất động sản liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Bất động sản không chỉ là các dự án cao cấp, là nghỉ dưỡng. Bất động sản còn là dự án NƠXH, chung cư giá rẻ, là nhà ở bình dân…
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, BĐS cần được hỗ trợ để sớm vượt qua khủng hoảng Covid-19 |
Thị trường bất động sản không chỉ có người thu nhập cao mà còn có người thu nhâp thấp. Bất động sản còn liên quan đến các ngành nghề như dịch vụ du lịch, dịch vụ khách sạn, vật liệu xây dựng, quản lý khách sạn, chung cư… Và đó là một thị trường với hàng triệu lao động.
Bất động sản là một trụ cột của nền kinh tế. Chính phủ cứu trợ ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất thì bất động sản cũng cần được cứu trợ. Vì nó liên quan đến việc làm của hàng triệu người, mật thiết với rất nhiều ngành nghề. Nếu bất động sản không được cứu trợ thì cũng kéo theo các ngành khác chạm đáy.
Nhìn lại thị trường trước đó, các cuộc khủng hoảng xảy ra, Chính phủ đều phải tham gia cứu trợ bất động sản. Tất nhiên, Chính phủ còn phải lo cứu trợ nhiều ngành khác, nhưng không có nghĩa là bỏ mặc bất động sản.
Để cứu thị trường bất động sản, theo ông, gói cứu trợ nên được triển khai và thực hiện thế nào?
Ở Mỹ, gói cứu trợ 2000 tỷ đô la được "bơm" trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Trong đó, mỗi người dân nhận 200 đô la. Tại Việt Nam, hiện tại, Chính phủ công bố gói cứu trợ 280.000 tỷ đồng. Nhưng số tiền thực của Chính phủ là 30.000 tỷ đồng, và số còn lại nằm về hỗ trợ của các ngân hàng thương mại.
Nhưng ngân hàng thương mại đang khó khăn và thực sự khó để cứu trợ doanh nghiệp địa ốc ngoài việc giãn nợ, cơ cấu khoản nợ…
Giai đoạn thị trường bất động sản “đóng băng” cách đây gần 10 năm, Chính phủ đã đưa ra gói 30.000 tỷ cho người dân mua nhà. Gói kích cầu này đã thành công. Nhưng như tôi đã nói, hiện tại và cuộc khủng hoảng bất động sản của Việt Nam trước đó là khác nhau nên cách giải quyết cũng không thể giống.
Rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao. Chính phủ nên có gói cứu trợ "bơm" tiền trực tiếp cho doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp khó khăn, khoản tiền trực tiếp sẽ giúp họ trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuế, tiền lãi ngân hàng, cầm cự trong thời kỳ đại dịch Covid-19 ảnh hưởng.
Một cách bơm tiền trực tiếp khác, đó là thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. Các doanh nghiệp khó khăn có thể nhận tiền từ quỹ bảo lãnh tín dụng này.
Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, giúp họ vượt qua khó khăn. Họ cần cầm cự trong thời điểm quá nhiều thách thức mà chưa biết tương lai ra sao. Khi thị trường bất động sản phục hồi, doanh nghiệp sẽ hoàn trả khoản nợ đã vay.
- Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Dân trí