Kiên Giang: Dự án KDC Nam An Hòa lộ hàng loạt bất cập?

17/06/2020 11:00

Triển khai thực hiện từ năm 2016, Dự án khu dân cư Nam An Hòa tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) bộc lộ hàng loạt những bất cập.

Triển khai thực hiện từ năm 2016, Dự án khu dân cư Nam An Hòa tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) bộc lộ hàng loạt những bất cập.

Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không sự tồn tại của “nhóm lợi ích”, vượt lên trên pháp luật?

Thu hồi trái phép hơn 25 ha?

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống tại khu phố 2, phường An Hòa, TP Rạch Giá (Kiên Giang), diện tích đất của họ bị chính quyền thu hồi từ năm 2017 phục vụ Dự án khu dân cư (KDC) Nam An Hòa là trái luật.

Ngày 13/01/2016, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 112 chủ trương đầu tư dự án KDC Nam An Hòa tại địa điểm khu phố 3 và 5 phường An Hòa, TP Rạch Giá với tổng diện tích 101.908m2; tổng số vốn đầu tư hơn 530 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng (TVĐTXD) Kiên Giang.

Đến ngày 23/08/2017, UBND tỉnh Kiên Giang mới ban hành Quyết định 1761 chấp thuận đầu tư dự án trên với nội dung cơ bản không thay đổi so với Quyết định 112, diện tích sử dụng đất vẫn là 102.908,6m2. Tuy nhiên, từ khoảng đầu tháng 10/2016, chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn TVĐT&XD Kiên Giang đã cho nhân viên xuống đo đạc, kiểm đếm nhà, kiến trúc, cây trồng.Tiếp đó, UBND thành phố Rạch Giá ban hành các quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ông Đinh Văn To, trú tại 663 đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 2, phường An Hòa (nguyên Thiếu tá quân đội nghỉ hưu) đặt ra câu hỏi: “Đến 23/08/2017 thì tỉnh mới chấp thuận đầu tư thì lý do tại sao ngày 04/07/2017, UBND thành phố đã ban hành quyết định số 392 thu hồi đất của tôi; ngày 11/07/2017 thì có quyết định số 375 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Phải chăng là có sự chỉ đạo ngược của thành phố cho tỉnh? Việc làm vô nguyên tắc trên căn cứ vào đâu và nhằm động cơ gì thì cần làm sáng tỏ”.Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều người dân thuộc khu phố 2 thì diện tích đất của họ bị thu hồi nằm ngoài phạm vi dự án được phê duyệt (chỉ thu hồi khu phố 3 và 5). Diện tích quy hoạch của KDC Nam An Hòa chỉ hơn 10ha, khu tái định cư 4ha (tổng cộng hơn 14ha) nhưng trên thực tế, UBND thành phố Rạch Giá đã thu hồi tới 39,36ha, nhiều hơn 25ha.

Một người dân khác tại khu phố 2 là bà Bùi Thị Gấm bức xúc: “Chính quyền thành phố thu hồi của gia đình tôi hai thửa đất số 331 tờ bản đồ 86 và thửa số 381 tờ bản đồ số 86 có tổng diện tích 783,8m2 theo quyết định số 384 ngày 04/07/2017. Mức đền bù họ đưa ra cũng theo kiểu nâng lên, hạ xuống, không minh bạch và không thỏa đáng. Đây là toàn bộ tài sản tích lũy được, thành quả lao động mồ hôi nước mắt của cả gia đình tôi nhiều năm qua. Đến nay, có nhiều bằng chứng cho thấy có dấu hiệu UBND thành phố Rạch Giá và chủ đầu tư cấu kết thu hồi trái pháp luật đất của tôi cũng như của nhiều người khác. Vì vậy, tôi yêu cầu UBND thành phố hủy toàn bộ các văn bản liên quan đến việc thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư liên quan”.

Được biết, tại khu phố 2 cũng chỉ còn hơn 10 hộ dân chưa đồng ý nhận đền bù, còn những trường hợp khác đều đã được “xử lý” ổn thỏa. Theo quan sát của phóng viên tại thời điểm này, công trường xây dựng ngay trên khu phố 2 diễn ra sôi động và nhộn nhịp, những căn nhà ở thương mại, nhà phố liền kề mọc lên san sát.

Thái độ né tránh của UBND thành phố, chủ đầu tư

Nhằm rộng đường dư luận, ngày 05/06/2020, chúng tôi đã làm việc với UBND TP Rạch Giá nhưng chỉ nhận được sự phản hồi của những người có trách nhiệm là: Tiếp nhận ý kiến phản ánh từ người dân và sẽ xem xét trả lời báo chí trong thời gian sớm nhất.

Liên lạc với ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn TVĐTXD Kiên Giang, phóng viên được mời đến làm việc tại trụ sở doanh nghiệp số 34 Trần Phú, TP Rạch Giá.

Tại đây, lãnh đạo doanh nghiệp báo bận nên đề nghị chúng tôi làm việc với bộ phận văn phòng. Tuy nhiên, tất cả các cán bộ có trách nhiệm của văn phòng có mặt tại trụ sở đều từ chối làm việc. Khi gọi điện cho ông Hồng thì ông không bắt máy.

Từ thực tế trên có thể hiểu được hoài nghi của người dân về những bất thường liên quan đến Dự án KDC Nam An Hòa là có cơ sở. Qua làm việc với Thanh tra Chính phủ, được biết năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 106 ngày 28/03/2018 thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017.

Tại biên bản làm việc ngày 10/05/2018 giữa Đoàn Thanh tra Chính phủ với UBND TP Rạch Giá, mục “3. Về thu hồi đất thực hiện dự án” đã chỉ rõ sai phạm: “Có 04 dự án khu dân cư, thương mại với tổng diện tích 462.919,15m2 (trong đó có KDC Nam An Hòa) đều do Công ty cổ phần tập đoàn TVĐTXD Kiên Giang làm chủ đầu tư không thuộc trường hợp phải thu hồi đất theo quy định tại các điều 61, 62 Luật Đất đai năm 2013”. Trong đó nêu rõ, KDC Nam An Hòa thực tế là KDC thương mại chứ không phải nhóm các dự án khu đô thị mới, KDC nông thôn mới.

Một phần khu đất của người dân ở khu phố 2 chưa chấp nhận bàn giao cho chủ đầu tư.

Gần đây nhất, ngày 29/4/2020, Thanh tra Chính phủ có Thông báo Kết luận số 636, có nội dung: “Giai đoạn từ 01/01/2016 đến 31/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án đầu tư, vi phạm Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai 2013; Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP; Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; Điều 11 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP”.

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chấm dứt việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 23/08/2017, lãnh đạo UBND tỉnh mới ký văn bản chấp thuận đầu tư nhưng TP Rạch Giá đã ban hành Quyết định thu hồi đất của dân từ ngày 04/07/2017.

Theo Môi trường & Đô thị

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Dự án KDC Nam An Hòa lộ hàng loạt bất cập?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.