Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân.
Hàng loạt sai phạm
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2018 của 235 doanh nghiệp thuộc 36 tập đoàn, tổng công ty và công ty.
Kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Vicem.
Theo KTNN, tại Công ty mẹ – Vicem loại tài sản không cần dùng khỏi giá trị doanh nghiệp và đề nghị điều chuyển, bàn giao không đúng quy định.
Cụ thể: Đề nghị điều chuyển Nhà điều dưỡng 5 tầng về Bộ Xây dựng quản lý không đúng quy định tại Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đề nghị bàn giao về địa phương một số tài sản là cầu, đường do công ty đầu tư xây dựng, đang sử dụng làm đường giao thông phục vụ dân sinh và sản xuất kinh doanh tại Vicem Hải Phòng nguyên giá hơn 93,8 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 56,1 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp nguyên giá hơn 15,8 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 6,167 tỷ đồng không đúng quy định tại điểm 3 Điều 14 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.
Đối với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh Phương án trình phê duyệt.
Lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”, được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Còn lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”, đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.
Cũng theo KTNN, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định chưa chính xác giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ – Vicem, KTNN kiến nghị điều chỉnh tăng theo phương pháp tài sản hơn 1.169 tỷ đồng, theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức hơn 1.747 tỷ đồng.
Nêu tại báo cáo này, KTNN cũng chỉ ra rằng, nhiều công ty con của tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ lớn , mất vốn chủ sở hữu , phải giải thể ; một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Như tại Vicem, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 của Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp là 1.103 tỷ đồng, Công ty Xi măng Sông Thao 410 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng 201 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long âm vốn chủ sở hữu 1.638 tỷ đồng…
Một số công ty khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép như Vicem Hà Tiên 1 ( Mỏ sét Kiên Lương), Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (Mỏ sét tại đội 3 – thị trấn Nông trường Lệ Ninh) hoặc giấy phép hết hạn ; khai thác vượt mức sản lượng tại Vicem Hà Tiên 1 (Nhà máy Xi măng Kiên Lương vượt 196%, Nhà máy Xi măng Bình Phước vượt 152%), Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mỏ Yên Duyên vượt 6,3%), Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (Mỏ đá vôi Hoàng Mai B vượt 13,73%)…
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân
Tại kiến nghị của KTNN về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2019, KTNN đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm người đại diện phần vốn Công ty xi măng Hà Tiên 1 trong việc quyết định đầu tư nhưng không thực hiện báo cáo Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 (giai đoạn liên quan) trong việc ký hợp đồng góp vốn vào Công ty Nguyễn Quang, chuyển quyền thuê đất của nhà nước không qua đấu giá.
Bộ phận tham mưu đề xuất lựa chọn SAIGONAP không đủ năng lực dẫn đến xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty Nguyễn Quang chưa tính đến giá trị lợi thế quyền thuê đất; Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1 (thời kỳ có liên quan) trong việc đề xuất HĐQT phê duyệt giá khởi điểm chưa theo nguyên tắc giá thị trường (chỉ sử dụng duy nhất kết quả định giá của 1 đơn vị làm giá khởi điểm.
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm HĐQT, Ban Tổng Giám đốc Công ty xi măng Hà Tiên 1, VT Hà Tiên (thời kỳ có liên quan) trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đúng ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị và Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2016-2020, không phù hợp với quy định.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, các Ban quản lý dự án không đủ điều kiện theo quy định (Công ty mẹ – VICEM, Công ty xi măng Bỉm Sơn); chi phí quản lý dự án thực tế vượt chi phí quản lý dự án được duyệt (Công ty mẹ – Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1); các dự án thực hiện không đạt được kế hoạch đề ra (Công ty mẹ – Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng); các dự án không thực hiện được phải dừng, giãn tiến độ (Công ty mẹ – Vicem, Công ty xi măng Bỉm Sơn, Công ty xi măng Hà Tiên 1, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng); các sai sót, tồn tại trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với dự án Đầu tư xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao (Công ty xi măng Bỉm Sơn).