Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh núi Bằng Am (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) với quy mô 300ha. Dự án do Cty CP Quảng Cường là chủ đầu tư.
Là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cuộc sống người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên khi có 1 dự án với quy mô lớn được triển khai, chính quyền địa phương cũng như người dân đặt rất nhiều kỳ vọng.
Qua 1 thời gian, đến năm 2017, dự án này được điều chỉnh quy mô xuống 145 ha. Năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp chứng nhận đầu tư, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm phân khu văn hóa tâm linh trên diện tích 24,4 ha, thời gian thực hiện đến tháng 12/2018. Giai đoạn 2 quy mô 120,6 ha, thời gian thực hiện đến tháng 12/2020.
Thế nhưng, đến nay những gì chủ đầu tư thực hiện được chỉ mang lại sự thất vọng. Toàn bộ các hạng mục trong dự án vẫn còn “nằm trên giấy”. Đơn vị này chỉ mở được 1 tuyến đường công vụ không thuộc dự án dài 12km, rộng 7m lên đỉnh núi. Trong đó có 4km được đổ bê tông.
Ghi nhận của PV, sau nhiều năm, tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng. Một số đoạn kè 2 bên sụt lún, nứt toác. Nhiều điểm khác bị sạt lở khiến đất đá tràn xuống gần chiếm hết mặt đường. Ngoài ra, dọc con đường này vẫn còn một số máy móc thi công qua một thời gian không sử dụng đã hoen gỉ.
Điều đáng nói, trong khi dự án chưa mang lại lợi ích gì cho địa phương thì quá trình thực hiện tuyến đường công vụ đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Bà Phan Thị Thanh (65 tuổi, trú thôn Ngọc Thạnh, xã Đại Hồng) cho biết, do đơn vị thi công xẻ núi làm đường nên mỗi khi mùa mưa đến đều xảy ra hiện tượng sạt lở khiến đất đá tràn vào nhà dân, vùi lấp nhiều diện tích ruộng lúa, không thể canh tác được.
“Ngoài ra, sạt lở còn tràn xuống hồ Cây Xoay, nơi cung cấp nước tưới cho nhiều cánh đồng của người dân chúng tôi. Từ đó dẫn đến hàng chục ha đất không đủ nước để sản xuất và phải bỏ hoang nhiều năm nay”, bà Thanh chia sẻ.
Qua trao đổi với PV, ông Phạm Ích Khiêm, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cũng thừa nhận việc đơn vị thi công mở đường công vụ đã gây ra tình trạng đất đá sạt lở xuống lòng hồ Cây Xoay và hồ Khe Bò phục vụ thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
“2 lòng hồ này cũng bị bồi lấp rất nhiều. Trong đó hồ Khe Bò bị bồi lấp khoảng 30.000m3 và hồ Cây Xoay khoảng 20.000m3. Hiện nay, toàn xã có 44ha không xuống giống được vì thiếu nước. Trước tình trạng này, địa phương đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp và vừa qua cũng được hỗ trợ 250 triệu để nạo vét lòng hồ Khe Bò, tuy nhiên số tiền này cũng không đáng kể”, ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, việc mở tuyến đường này cũng thuận tiện trong việc đi lại dẫn đến tình trạng người dân lên núi khai thác cây củi làm mất đi nguồn nước đầu nguồn. Dù địa phương cũng đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này nhưng rất khó.
“Bên cạnh đó, dự án khu du lịch này là công trình trọng điểm của huyện, mục tiêu ưu tiên số 1 của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư không có tiềm lực kinh tế. Do đó, địa phương cũng đã tác động với tỉnh để cho cơ chế kêu gọi đầu tư nhằm góp phần thay đổi bộ mặt của xã, tạo công ăn việc làm cho người dân”, ông Khiêm nói thêm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đã qua thời gian rất dài mà Cty CP Quảng Cường vẫn cố tình chây ì, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh Bằng Am. Chủ đầu tư mặc dù không tiến hành đầu tư, nhưng cũng không tích cực hợp tác với huyện để xử lý, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hút xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
“Để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến dự án, tạo cơ sở cho huyện thu hút đầu tư vào điểm du lịch này thì chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh và các Sở, Ngành xem xét thanh tra việc đầu tư dự án và tình hình sử dụng đất của Cty CP Quảng Cường để xử lý dứt điểm việc đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật”, ông Quang nói.
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã khảo sát thực tế tại núi Bằng Am và làm việc với địa phương cùng các sở, ngành liên quan đến dự án này. Ông Thanh yêu cầu thành lập đoàn Thanh tra liên ngành do Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì để thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, tiến độ, việc xây dựng các công trình liên quan... Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền, không để kéo dài. |