Cơ hội "đón đại bàng" của bất động sản công nghiệp không dành cho những dự án bỏ qua yếu tố môi trường. Theo đó, những nhà xưởng xanh trong khu công nghiệp xanh mới là lựa chọn của các nhà đầu tư có tầm nhìn.
Công nghiệp xanh trong nền kinh tế xanh
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”.
Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường cũng như hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Công nghiệp là một lĩnh vực kinh tế quan trọng, do đó cũng không thể nằm ngoài hướng phát triển của một nền kinh tế xanh, bền vững.
Theo các chuyên gia, công nghiệp xanh là nền công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường và giúp cho các điều kiện tự nhiên của môi trường trở nên tốt hơn thay vì làm nó xấu đi. Trong toàn bộ quá trình sản xuất, công nghiệp xanh giúp giảm thiểu tối đa tác động xấu tới môi trường.
Ngoài ra, công nghiệp xanh còn bao hàm cả việc tái sử dụng các chất thải, các chất thải năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên khác (khoáng sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh việc sản xuất công nghiệp lâu nay đã gây tác động trầm trọng đến môi trường sinh thái, thước đo về năng lực, uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp công nghiệp hiện nay không đơn thuần chỉ nằm ở năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra mà còn ở cách doanh nghiệp đó ứng xử với môi trường. Do đó, các doanh nghiệp lớn, các “đại bàng” trong ngành sản xuất công nghiệp tất yếu sẽ dành ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu cho việc phát triển công nghiệp xanh, thông minh.
“Tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường là phương châm mà những doanh nghiệp uy tín đang hướng tới, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Họ ngày càng nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, không chỉ trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế mà còn là trách nhiệm với môi trường, với người lao động trong việc lựa chọn và tạo ra không gian làm việc an toàn. Không thể tập trung phát triển công nghiệp mà để môi trường bị ô nhiễm”, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Đón sóng FDI vào bất động sản công nghiệp:
Cần những nhà xưởng xanh trong khu công nghiệp xanh
Việt Nam hiện có 326 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 95.500ha, trong đó hơn 65.500ha là đất công nghiệp. Với thực trạng nhu cầu tăng và giá cho thuê ngày một cao như hiện nay, làn sóng xây dựng và mở rộng khu công nghiệp đang nở rộ với hơn 13.000ha đất công nghiệp ở miền Bắc và 18.000ha ở miền Nam sắp được đưa vào sử dụng.
Các doanh nghiệp tham gia vào bất động sản công nghiệp, đầu tư dự án khu công nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đó là một trong những lý do quan trọng mà dù trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp vẫn không hề hạ nhiệt. Giá cho thuê nhà xưởng ở cả khu vực miền Bắc và miền Nam đều tăng lên.
“Các số liệu cho thấy, tỷ lệ lấp đầy hiện nay của các khu công nghiệp khá tốt bởi nhu cầu lớn. Mặt khác, điều này cũng đã đẩy giá cho thuê nhà xưởng, kho bãi tăng cao trong thời gian qua. Nhưng phải khẳng định rằng, thành công của bất động sản khu công nghiệp không chỉ thể hiện ở tỷ lệ lấp đầy mà thể hiện rõ nhất ở việc có thu hút được sự đầu tư chất lượng, bền vững hay không”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia, cơ hội đang mở ra nhưng không nên phát triển ồ ạt mà phải làm những dự án khu công nghiệp chú trọng về chất, đảm bảo yếu tố xanh, thân thiện với môi trường mới có thể thu hút được các nhà đầu tư chất lượng.
“Chỉ có những nhà xưởng xanh, khu công nghiệp xanh mới lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp. Đó là các nhà xưởng, khu công nghiệp tận dụng ánh sáng tự nhiên, nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo hệ thống xử lý chất thải, hạ tầng cây xanh... Còn nếu đơn thuần chỉ san lấp mặt bằng, hoặc xây dựng những khu công nghiệp theo cách cũ (như tại nhiều khu công nghiệp hiện nay thậm chí còn chưa lắp đặt công trình xử lý nước thải tập trung) thì sẽ không thể thu hút đầu tư bền vững. Không ai đến hoặc đến rồi lại đi”, ông Thịnh nói.
Bà Lê Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc - UNIDO tại Việt Nam nhìn nhận, lợi ích của khu công nghiệp xanh, rộng hơn là khu công nghiệp sinh thái được tóm gọn trong 3 khía cạnh chính: Kinh tế, môi trường, xã hội.
“Một khu công nghiệp phát triển theo mô hình sinh thái sẽ giảm được chất thải ra môi trường, tạo môi trường lao động lành mạnh cho người lao động, từ đó góp phần tăng năng suất lao động. Phát triển khu công nghiệp sinh thái còn giúp các doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ của người dân tại địa bàn họ hoạt động, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng. Những yếu tố này góp vai trò không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp", bà Thảo cho hay.
Chỉ có những nhà xưởng xanh, khu công nghiệp xanh mới lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp. Ảnh: Sưu tầm.
Theo các chuyên gia, một phần quan trọng trong mục tiêu tạo ra nhà xưởng xanh và sạch trong khu công nghiệp xanh, đó là cảnh quan thân thiện môi trường với nhiều cây xanh. Điều này xóa bớt sự khô cứng và nhàm chán thường thấy ở rất nhiều khu công nghiệp khác.
Cụ thể là phát triển nguồn cảnh quan cây xanh, thảm cỏ, hồ nước quanh nhà xưởng. Một thảm thực vật xanh sẽ làm giảm tiếng ồn, giảm độ nóng của các công xưởng và lượng khí thải ra bên ngoài. Từ đó, mang lại nguồn không khí sạch trong môi trường làm việc. Giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và giúp cân bằng lại sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn giúp nâng cao tinh thần làm việc và ngăn ngừa các bệnh về hô hấp.
Các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp xanh cũng là cơ sở để thu hút dòng vốn FDI xanh, chọn lọc được những dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường.
“Xưa, người ta nhìn nhận phát triển chỉ là tăng trưởng. Bây giờ vấn đề bao trùm lên tất cả là yếu tố môi trường và sự phát triển bền vững. Nói rõ hơn, khi xây dựng và phát triển khu đô thị công nghiệp thì vấn đề môi trường là vấn đề tối thiểu phải giải quyết, sau đó là vấn đề kiến tạo không gian sống chất lượng. Đây cũng là bước chạy đà quan trọng để bất động sản công nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội trong cuộc chạy đua “đón sóng” FDI vào lĩnh vực này”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, những rủi ro môi trường ở các khu công nghiệp hiện nay tại Việt Nam đang là một trong những trở ngại lớn đối với việc thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp.
Do đó, trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp tất yếu phải phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh nhằm tiết kiệm năng lượng và tạo sự thân thiện với môi trường. Cần hạn chế và không cấp phép các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng và khai thác khoáng sản (không tái tạo) không gắn với chế biến sâu, lãng phí tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
"Nhiều khu công nghiệp, nhà xưởng tại Việt Nam đã bắt đầu đi theo xu hướng này nhưng cần có những chính sách cụ thể và bắt buộc để 100% các khu công nghiệp trong tương lai đều phải sử dụng công nghệ cao và đảm bảo yếu tố xanh, sạch, bảo vệ môi trường", vị chuyên gia nói thêm.
Mặt khác, theo các chuyên gia, phát triển khu công nghiệp xanh cũng là hướng đi tối ưu để tạo ra những khu đô thị công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của giới chuyên gia và người lao động trong khu công nghiệp, là minh chứng hiệu quả cho quá trình công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa, giúp hình thành những đô thị phát triển đồng bộ./.
Trên thế giới, mô hình khu công nghiệp sinh thái đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được mô hình này. Các khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn khi làm theo tiêu chuẩn của Nhà nước, cung cấp dịch vụ chuẩn mực từ viễn thông đến xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, xử lý các sự cố, xây dựng hệ thống nhà ở cho cán bộ công nhân viên...
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec