Khóc ròng vì mua nhà đồng sở hữu

27/02/2021 19:12

Nhiều người vì muốn có căn nhà để thoát cảnh ở thuê nhưng không đủ tiền mua nhà riêng biệt đã chấp nhận mua nhà nhỏ đồng sở hữu. Để rồi sau đó phải khóc ròng vì bỏ đi thì không nỡ mà ở cũng không xong…

Nhiều người vì muốn có căn nhà để thoát cảnh ở thuê nhưng không đủ tiền mua nhà riêng biệt đã chấp nhận mua nhà nhỏ đồng sở hữu. Để rồi sau đó phải khóc ròng vì bỏ đi thì không nỡ mà ở cũng không xong…

Tìm đến Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Khoa (ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 15/6/2020, ông có giao dịch mua bán với Công ty TNHH Đầu tư môi giới bất động sản Phúc Khang (trụ sở tại số 77, đường A8, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) căn nhà số 4 (rộng 20m2, 1 trệt 2 lầu) dãy 6 căn trên thửa đất 549, tờ bản đồ số 69 tọa lạc tại hẻm 133, phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) với giá 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc công ty vừa kể cam kết trong vòng 3 tháng sẽ ra “sổ hồng” đồng sở hữu và căn nhà này không có tranh chấp, không vướng quy hoạch, không bị tháo dỡ. Nếu bị tháo dỡ, phía Công ty Phúc Khang sẽ hoàn trả lại số tiền ông Khoa đã bỏ ra mua.

Dãy nhà của ông Khoa và 5 người khác bị tháo dỡ phần sai phép.)

Thế nhưng, đến ngày 3/9/2020, ông Khoa lại nhận được thông báo từ chính quyền phường về việc cưỡng chế dãy 6 căn nhà nói trên. Hốt hoảng, ông Khoa gọi hỏi ông Trường thì ông Trường bảo “không vấn đề gì, cứ yên tâm”. Đến ngày 1/1/2021, UBND Phường Bình Hưng Hòa B lại gửi thông báo tổ chức cưỡng chế, ông Trường cũng trấn an “không sao cả”. Lúc 8h30 ngày 15/1/2021, Đoàn cưỡng chế của phường đã thực hiện tháo dỡ phần vách, cầu thang và mặt ngoài của dãy 6 căn nhà này.

“Vợ con tôi khóc hết nước mắt vì nhà đang ở nay bị tháo dỡ phải trở lại sống ở nhà trọ. Tôi yêu cầu ông Trường trả lại tiền thì ông nói “không có tiền” và lại hứa sẽ xây dựng lại như cũ để giao lại cho gia đình tôi nhưng làm sao tôi có thể tin được chuyện này?”, ông Khoa bức xúc cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, 6 căn nhà nói trên thật ra chỉ là 1 căn nhà nằm trên diện tích 120m² thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Văn Du. Ông Du xin giấy phép xây dựng 1 căn nhà 1 trệt, 2 lầu trên diện tích này rồi chuyển nhượng lại phần đất cho ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngụ huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Căn nhà được ngăn vách, xây 6 cầu thang chia thành 6 căn nhà mini để bán cho ông Khoa và 5 người khác.

Sau khi bán nhà bằng giấy tay, ông Sơn lập một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho 6 người nói trên vào ngày 10/8/2020 tại phòng công chứng. Như vậy cho đến thời điểm này, 6 người mua nhà chỉ duy nhất có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không có bất cứ giấy tờ pháp lý gì về căn nhà mình đã mua.

Hơn nữa, căn nhà này người xin giấy phép xây dựng lại là ông Nguyễn Văn Du chứ không phải ông Nguyễn Ngọc Sơn nên để hoàn công căn nhà theo đúng giấy phép xây dựng cũng là chuyện hết sức khó khăn chứ đừng nói chi là tách thành 6 căn nhà.

Tréo ngoe là vậy nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc Công ty Phúc Khang vẫn khẳng định là sẽ xin phép tồn tại công trình và giao lại nhà cho 6 người mua trong vòng 2-3 tháng. “Công ty tôi chỉ là bên môi giới nhưng đã làm hết sức mình là đã thuê nhà trọ cho những người mua ở tạm để chờ nhận lại nhà”, ông Trường khẳng định. Sao không trả lại tiền cho người mua như cam kết?, chúng tôi đạt vấn đề, ông Trường thẳng thừng trả lời “không có tiền”.

Nói mình chỉ là môi giới nhưng thật ra ông Nguyễn Ngọc Sơn, người chuyển quyền sử dụng đất cho 6 người nói trên chính là bố đẻ của ông Nguyễn Ngọc Trường. Còn chuyện xin phép để được tồn tại thành 6 căn nhà như trước, theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B là chuyện không thể thực hiện được.

“Việc cưỡng chế căn nhà xây sai phép của ông Du phường thực hiện rất cẩn trọng, qua nhiều bước, có quyết định của Thanh tra Sở Xây dựng, công văn của UBND quận Bình Tân, kế hoạch của UBND phường nên nói chính quyền cho xây lại như cũ là hoàn toàn không có cơ sở. Phường sẽ tổ chức theo dõi sát sao để tránh tình trạng việc xây dựng sai phép tái lập”, ông Đức cho biết thêm.

Tình trạng dở khóc dở cười khi mua nhà đồng sở hữu (hay còn gọi là nhà “3 chung” - chung sổ đỏ, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà như trường hợp của ông Khoa và những người dân ở đây đã tồn tại từ nhiều năm nay ở TP Hồ Chí Minh và gây nhiều hệ lụy “đau lòng” cho người mua phải. Những người chuyên kinh doanh nhà “3 chung” đánh vào tâm lý cần có căn nhà riêng để thoát cảnh ở thuê của những gia đình chưa đủ điều kiện mua nhà rộng. Họ thường tìm các mãnh đất có chiều ngang rộng rồi xin phép xây dựng 1 căn nhà nhưng sau đó tự ngăn vách, lắp cầu thang để thành nhiều căn nhà nhỏ.

Các căn nhà tự tách thường có diện tích từ 15-25m² để dễ bán vì giá “mềm”. Với diện tích này thì không đủ để tách thửa nên người mua phải chịu cảnh “3 chung”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, làm kiểu nhà “3 chung” khi bán lại có thể kiếm chênh lệch từ 20-30% so với bán nguyên căn nhà lớn. Đó chính là lý do mà nhà “3 chung” mọc lên khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu. Trường hợp các chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác. Từ đó người mua nhà đồng sở hữu chẳng thể có quyền riêng để bán buôn, thế chấp ngân hàng nên không ít người đã phải khóc ròng.

Ông T.V.P., ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức cười ra nước mắt kể, ông mua nhà với 4 đồng sở hữu. “Lúc đầu 5 gia đình khá hòa thuận nhưng sau đó thói xấu từng người bộc lộ dần, dẫn đến xích mích liên miên. Buồn chán, gia đình tôi muốn bán nhà đi nhưng nhà cạnh vách vốn có mâu thuẫn nhất quyết không đồng ý. Thuyết phục mãi không được đâm ra cự cãi, thách thức nhau mà càng vậy càng không bán được nhà. Cuối cùng tôi phải đành chấp nhận bán giấy tay cho người khác với giá chỉ bằng 2/3 lúc mua”, ông P. nói.

“Rắc rối, lắm khi mất cả nhà khi mua nhà đồng sở hữu nên mọi người cần hết sức cân nhắc trước khi mua nếu không muốn tự đẩy mình vào ngõ cụt”, một luật sư khuyến cáo.

Bạn đang đọc bài viết "Khóc ròng vì mua nhà đồng sở hữu" tại chuyên mục Câu chuyện cư dân. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.