Khám phá nghề gốm Lái Thiêu, Bình Dương

04/11/2023 09:41

Trong tập 14 chương trình Bách nghệ kỳ thú lên sóng tối 3.11 trên HTV7, MC Hồng Phúc đưa vũ công Đoàn Thế Vinh khám phá nghề làm gốm Lái Thiêu, Bình Dương.

langnghe-gomlai-thie-04-min-1699065550.jpg

Đến với chương trình, Đoàn Thế Vinh cho biết, bản thân là người Bình Định nhưng khi biết sẽ tham gia ghi hình chương trình ở Bình Dương, anh đã tranh thủ tìm hiểu, nghiên cứu hết tất cả làng nghề truyền thống tại địa phương này.

Đặc biệt, nam khách mời đã không giấu được cảm giác thích thú khi biết mình sẽ được tìm tòi và thử sức tại làng nghề làm gốm Lái Thiêu nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương.

Tại chương trình, bộ đôi đã gặp gỡ và trò chuyện với anh Huỳnh Xuân Huỳnh - chàng trai 25 tuổi với đam mê nghiên cứu về các sản phẩm về gốm Lái Thiêu.

Xuân Huỳnh cho hay, anh luôn ghi nhớ hình ảnh những bữa cơm gia đình với các món ăn được bày trên đĩa, chén bằng gốm thủ công truyền thống, nhưng càng lớn càng khó thấy các sản phẩm gốm này xuất hiện.

langnghe-gomlai-thie-min-1699065550.jpg

Năm 2018, Xuân Huỳnh đi tìm mua một vài sản phẩm gốm về để dùng thì biết tại Bình Dương, số lượng các lò gốm truyền thống hoạt động không nhiều.

Và lúc đó, từ một chàng sinh viên yêu nghề gốm, anh đã bắt đầu tìm hiểu, khám phá và xin học hỏi về những nét đẹp trong sản phẩm gốm Lái Thiêu.

“Ban đầu, tôi xin vào các lò làm thử rồi tìm được nhiều cái hay, cái đẹp trong nghề này. Tôi tìm thêm các sản phẩm gốm xưa cũ để tham khảo thì phát hiện gốm Lái Thiêu là một dòng gốm đẹp, gắn với nét văn hóa ẩm thực ở miền Nam nên quyết đi theo nghề để học hỏi.

Tôi yêu nghề này và muốn tìm về, mong muốn khôi phục các sản phẩm cùng các hoa văn, họa tiết gốm Lái Thiêu xưa” - Xuân Huỳnh bộc bạch.

langnghe-gomlai-thie-03-min-1699065550.jpg

langnghe-gomlai-thie-02-min-1699065550.jpg

langnghe-gomlai-thie-01-min-1699065550.jpg

Tuy nhiên, khi biết Xuân Huỳnh muốn theo nghề gốm, nhiều người làm nghề lâu năm khuyên anh nên suy nghĩ kĩ vì họ cho rằng, làm gốm cực và nhiều bạc bẽo.

Ngoài ra, việc phải giữ lửa nghề truyền thống, đồng thời phải đảm bảo thu nhập khi cạnh tranh với các sản phẩm chén đĩa nhiều chất liệu khác cũng không phải là điều dễ dàng.

Dù vậy, khi thấy nhiệt huyết của Xuân Huỳnh, các nghệ nhân vẫn tạo điều kiện để anh theo nghề.

Trước khi bước vào phần “Thử tài bách nghệ”, Đoàn Thế Vinh được Xuân Huỳnh giới thiệu các công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm thành phẩm.

Sau đó, anh được trải nghiệm công đoạn nhúng men gốm và thực hiện thử thách vẽ họa tiết con gà trên chén gốm Lái Thiêu.

Gốm Lái Thiêu bắt đầu hình thành vào những năm 1860, trải qua hơn 150 năm phát triển gốm Lái Thiêu đã nổi tiếng khắp nơi và trở thành một trong những trung tâm gốm sứ nổi tiếng vùng Nam Bộ.

Tuy sản xuất các mặt hàng bình dân, thực dụng nhưng mỗi sản phẩm đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt. Nhờ vậy, gốm Lái Thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm.

Không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước, mà gốm Lái Thiêu còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều vào khoảng đầu thế kỉ 20. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều người làm gốm phải bỏ nghề nên gốm Lái Thiêu cũng phần nào mai một dần.

Việc nghề gốm Bình Dương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3.2021 như tiếp thêm động lực cho những người, những hộ yêu nghề vẫn đang mong chờ có một ngày cái nghề “tay lấm đất” trở về thời phồn vinh.

Bạn đang đọc bài viết "Khám phá nghề gốm Lái Thiêu, Bình Dương" tại chuyên mục Giải trí. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.