Thoát xác
Ngày 1/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương đã ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc để thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây, hợp đồng thỏa thuận liên doanh này đã được Tổng Công ty Bình Dương và Công ty Âu Lạc ký trước ngày Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Bình Dương họp và ngày 8/7/2010 ra Nghị quyết, trước khi có chủ trương của đơn vị chủ quản là Tỉnh ủy Bình Dương vào ngày 17/8/2010.
Khu đô thị Tân Phú rộng 43ha về tay Công ty Kim Oanh với giá hơn 250 tỷ đồng. |
Trong đó, hợp đồng có bao hàm các nội dung thỏa thuận việc xác định giá đất và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 43ha sang Công ty Tân Phú. Như vậy, nội dung hợp đồng này là chưa đúng với chủ trương góp vốn của Tỉnh ủy Bình Dương tại công văn số 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 là góp vốn bằng tiền.
Tại thời điểm góp vốn, Công ty Âu Lạc mới được thành lập trước ngày ký hợp đồng thỏa thuận là 9 ngày, vốn điều lệ của công ty chỉ có 60 tỷ đồng, bằng 42% vốn cam kết phải góp và theo báo cáo của công ty thì trụ sở tại TP.HCM là trụ sở thuê và đơn vị chưa triển khai hoặc tham gia thực hiện dự án bất động sản nào.
Trên thực tế, Tổng Công ty Bình Dương xin góp vốn thành lập liên doanh để thực hiện dự án, nhưng không triển khai đầu tư như chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương mà dùng toàn bộ số vốn góp được để trả tiền bồi thường, đền bù đất đai. Sau khi liên doanh với Công ty Âu Lạc thành lập Công ty Tân Phú, Tổng Công ty Bình Dương không triển khai thực hiện dự án mà chuyển nhượng 43ha đất trái phép, không đúng với chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương tại công văn số 1830-CV/TU ngày 17/8/2010 và công văn số 477-CV/TU ngày 29/8/2016.
Cụ thể, ngày 8/12/2016, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 43ha đất cho Công ty Tân Phú. Ngày 2/8/2017, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá trị chuyển nhượng là 161,11 tỷ đồng. Hành động này của Tổng Công ty 3-2 đã đưa Công ty Âu Lạc trở thành chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú.
Đến ngày 18/10/2017, Công ty Âu Lạc đã thực hiện chuyển nhượng 50% vốn điều lệ trong Công ty Tân Phú cho Công ty Xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh). Tiếp đó, ngày 14/3/2018, Công ty Âu Lạc lại tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp còn lại tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh. Từ đây, Công ty Kim Oanh trở thành chủ sở hữu 100% vốn tại Công ty Tân Phú.
Như vậy, khu đất có diện tích 43ha tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một là tài sản Nhà nước, được tỉnh giao cho Tổng Công ty Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú đã được chuyển thành đất tư.
Chưa thi công hạ tầng nhưng Công ty Kim Oanh đã huy động vốn ở dự án Khu đô thị Tân Phú. |
Tuy nhiên, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú vào ngày 8/12/2016 nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thỏa thuận năm 2010 là 250,11 tỷ đồng (giá do các bên tự thỏa thuận), không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất sát với giá thị trường gây thất thoát vốn doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng này đã thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát số tiền là 126.806.296.604 đồng so với bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.
Khách hàng lo lắng
Điều đáng nói, hiện tại, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM vẫn chưa được tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án. Dự án cũng chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng hồi tháng 1/2018, Công ty Kim Oanh đã tổ chức động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú.
Đến ngày 12/2/2018, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Tân Phú do đã có hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng yêu cầu công ty này ngừng việc tổ chức thi công xây dựng tại dự án.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này thì đã có hàng trăm khách hàng rót tiền vào dự án, mua bán với chủ đầu tư theo dạng “lách luật” bằng những hợp đồng góp vốn, vay ưu tiên chọn mua lô đất... Số tiền đơn vị bán hàng huy động được có dấu hiệu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử như như bà H. nộp vào tài khoản Công ty Tân Phú 1,6 tỷ đồng vào ngày 4/7/2018 với mục đích “góp vốn dự án Tân Phú”. Còn bà T chuyển khoản cho Công ty Tân Phú gần 1,4 tỷ đồng để “góp vốn dự án 43ha Tân Phú”. Thậm chí, có người chuyển cho Công ty Tân Phú gần 33,4 tỷ đồng để đặt quyền mua 7 lô đất từ vị trí ô số 1 đến số 7, lô LK 22A có tổng diện tích hơn 855 m2. Như vậy, với giao dịch này có thể thấy các lô đất trên đã có dấu hiệu mua bán trái phép.
Ngày 16/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty Bình Dương.
Công ty Kim Oanh khởi công dự án và huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng. |
Ngày 8/4/2020, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 3 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Bình Dương. Trong đó, Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên), ông Trần Nguyên Vũ (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương) đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Riêng Huỳnh Thanh Hải (nguyên thành viên Hội đồng thành viên đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú, hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
Theo Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, kết quả điều tra xác định khu đất có diện tích 43ha tọa lạc tại phường Hòa Phú TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là tài sản Nhà nước giao cho Tổng công ty Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú thuộc Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương. Nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng, vào năm 2016 Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng này là không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, đã gây thất thoát trên 126,8 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện tại khách hàng không còn giải pháp nào khách ngoài việc liên hệ cơ quan điều tra cung cấp hồ sơ, tài liệu để chứng minh là đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án. Trong quá trình điều tra, xét xử, quyền lợi khách hàng có thể được pháp luật bảo vệ nếu các giao dịch đó phù hợp trong một số quy định của pháp luật. Nếu việc giao dịch hoàn toàn trái pháp luật thì khách hàng có nguy cơ trắng tay.