Ít tiền mua nhà, phải đi đường vòng

12/12/2019 11:25

Hiện nay, với số tiền vài trăm triệu đồng, có lẽ chẳng ai dám mơ sẽ có một căn nhà tại TPHCM. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán và chọn hình thức đầu tư phù hợp, giấc mơ ấy vẫn có khả năng thành hiện thực. Đổ tiền vào đất nền vùng ven để tích luỹ là một gợi ý.

Hiện nay, với số tiền vài trăm triệu đồng, có lẽ chẳng ai dám mơ sẽ có một căn nhà tại TPHCM. Tuy nhiên, nếu biết cách tính toán và chọn hình thức đầu tư phù hợp, giấc mơ ấy vẫn có khả năng thành hiện thực. Đổ tiền vào đất nền vùng ven để tích luỹ là một gợi ý.

Giá nhà quá cao là thách thức với những người có thu nhập thấp, trung bình

Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2019 của Công ty cổ phần DKRA cho biết, trong năm năm qua, giá nhà đất tại TP.HCM tăng liên tục. Chẳng hạn vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Với phân khúc đất nền thì mức tăng lại càng mạnh, một số một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây năm năm.

Trước đây, với khoản tiền 1,5 tỉ đồng nhiều người đã có thể thoải mái chọn lựa nhiều dự án căn hộ, thậm chí là nền đất tại một số quận huyện vùng ven, nhưng nay thì phải “bó tay”. Căn hộ “vừa túi tiền” hiện cũng tương đương khoảng 2 tỉ đồng.

Với giá nhà như vậy, một cặp vợ chồng với khoảng thu nhập 25 – 30 triệu đồng/tháng, được cho là dạng khá so với mặt bằng thu nhập chung cũng khó mơ về một căn nhà.

Nhiều nguời có khoản tích luỹ 300 – 500 triệu đồng đã đánh liều mua căn hộ nhờ thêm khoản vay 70% từ ngân hàng. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi thu nhập phải ổn định để có thểm đảm bảo trả tiền lãi, gốc ngân hàng mỗi tháng.

Một số khác, không dám đánh cược với áp lực đành chọn gửi ngân hàng để đảm bảo an toàn. Thế nhưng, phương án này đồng nghĩa chấm dứt ý định mua nhà. Có những người lại không chọn cả hai cách trên nhưng giờ đây lại đang sở hữu được nhà ở TPHCM.

Trong căn nhà rộng rãi được xây dựng trên mảnh đất có diện tích gần 60m2 tại quận 9, TP.HCM, anh Duy chia sẻ, “cơ ngơi” trị giá hơn 3 tỉ đồng này là cả một quá trình nhiều năm cố gắng của hai vợ chồng. Với số vốn tích luỹ ban đầu chỉ hơn 100 triệu.

“Ai cũng muốn mua nhà đất Sài Gòn nhưng tiền ít thì làm sao mà mua. Thay vì ngồi yên thì tôi đi tìm mua đất ở những vùng rẻ hơn, khi được giá thì bán lại. Cứ như thế, bên cạnh việc cải thiện thu nhập của hai vợ chồng thì để có tiền mua miếng đất này tôi phải đi đường vòng từ việc mua đi bán lại những mảnh đất ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai”, anh Duy nói.

Tuy nhiên, anh Duy cũng cho rằng, mua đất vùng ven không phải cứ giá rẻ là mua mà còn phải tính toán rất nhiều. Nhất là với những người cả gia tài chỉ có vài trăm triệu tích luỹ nếu không cẩn trọng thì mất cả chì lẫn chài.

Anh chia sẻ kinh nghiệm, bên cạnh pháp lý rõ ràng, địa điểm miếng đất chọn mua là rất quan trọng. Dù mua đầu tư nhưng phải đặt mình vào trường hợp nếu không bán được thì miếng đất đó có thể làm được gì? Có xây dựng nhà cửa sinh sống được không? Có thể xây nhà trọ cho thuê lại không? Có buôn bán kinh doanh gì được hay không? Xung quanh khu đất có trường học, chợ, bệnh viện, cư dân sinh sống ra sao. Bởi những yếu tố này chính là động lực để quyết định giá đất có tăng giá hay không.

“Mua đất vùng ven thì mình phải đi thực tế, phải tự nhìn thấy, tự hỏi han, tự đánh giá chứ nghe theo cò đất là rất rủi ro”, Duy nói.

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, cách làm của anh Duy là một phương án dành cho những người trẻ có nguồn vốn khiêm tốn nhưng vẫn mong một ngày nào đó được sở hữu nhà đất ở Sài Gòn. Bởi với khoản vài trăm triệu sẽ chẳng thấp tháp gì ở Sài Gòn nhưng khoản tiền này lại có thể làm nên chuyện khi đầu tư đất ở các thị trường vùng ven lân cận TP.HCM như Bình Dương, Long An, hay Đồng Nai. Nếu biết cách đầu tư và lựa chọn sản phẩm thích hợp thì đây là cách tích luỹ tài sản để có thể nghĩ đến một ngày “tiến về Sài Gòn”.

Ông Khương lưu ý thêm, hiện nay nhiều người mua đất nền nhỏ lẻ tại các khu vực vùng ven vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, ăn theo các thông tin về dự án cơ sở hạ tầng sắp triển khai. Đây là xu hướng dễ hiểu song cũng có nhiều rủi ro. Bởi các dự án hạ tầng đòi hỏi phải có quá trình triển khai lâu dài, thậm chí hàng chục năm.

Mặt khác, không phải cứ có một con đường, một cây cầu được xây dựng là bất động sản tăng giá mà còn phụ thuộc vào quy hoạch của khu vực đó như thế nào. Bên cạnh hạ tầng giao thông thì một đô thị hình thành còn dựa vào hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế.

Theo Cafeland

https://cafeland.vn/tin-tuc/it-tien-mua-nha-phai-di-duong-vong-84310.html

Bạn đang đọc bài viết "Ít tiền mua nhà, phải đi đường vòng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.