Sự việc bắt đầu từ khi ông Phạm Văn Thịnh mất vào năm 2011. Ông Thịnh chết để lại quyền sử dụng đất 461m2 và bản di chúc chia tài sản cho các con. Ông có 6 người con nhưng một người con không có tên để chia tài sản.
Không được chia tài sản nên kiện
Tháng 1/2019, ông Phạm Mạnh Hùng (SN 1979, ngụ Tân Bình, TP.HCM, con trai ông Thịnh) đã nộp đơn khởi kiện về tranh chấp di sản thừa kế lên TAND huyện Phú Giáo. Ông Hùng kiện mẹ ông là bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Thịnh, đã ly hôn từ năm 1994). Bà Huệ dù đã ly hôn nhưng vẫn được ông Thịnh cho ở tại căn nhà trên để chăm sóc cho các con.
Ông Hùng khởi kiện để yêu cầu TAND giải quyết chia thừa kế theo quy định pháp luật phần di sản: Quyền sử dụng đất 461m2 do ông Thịnh đứng tên tọa lạc tại khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tình Bình Dương.
Trong đơn khởi kiện, ông Hùng cho biết lý do khởi kiện là do phần đất trên do mẹ ông - bà Huệ quản lý lâu nay, các anh em không thống nhất được cách chia di sản nên yêu cầu tòa giải quyết chia di sản thừa kế theo quy định.
Tại tòa, ông Hùng trình bày lý do khởi kiện là do năm 2011, ông Thịnh chết có để lại di chúc nhưng thời điểm đó ông Thịnh bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tinh thần không minh mẫn nên bản di chúc không có giá trị pháp lý.
Ông yêu cầu tòa chia tài sản của ông Thịnh theo quy định pháp luật và tính công sức giữ gìn cho bà Huệ. Ông không yêu cầu nhận di sản mà để lại cho mẹ ông là bà Huệ phần ông được hưởng.
Được biết, trước khi mất, ông Thịnh có để lại bản di chúc (lập ngày 11/4/2011) chia tài sản nói trên cho 5 người con (ông có 6 người con, bản di chúc không có tên ông Hùng, bà Huệ được chia tài sản).
Sau khi xem xét bản di chúc, luật sư Nguyễn Văn Tòng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết bản di chúc trên là phù hợp về hình thức, nội dung và thời điểm lập di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Chia đất của những người được thừa kế cho bị đơn
Trong 3 ngày 30/9, 29/10, 5/11/2020, TAND huyện Phú Giáo đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ việc "Tranh chấp thừa kế tài sản, yêu cầu chia tài sản chung và tính công sức đóng góp".
HĐXX nhận định tài sản nhà đất trên là tài sản của ông Thịnh. Ông Hùng cho rằng di chúc không hợp pháp nhưng không có căn cứ chứng minh. Do đó, di sản thừa kế của ông Thịnh đã xác định được quyền người hưởng thừa kế nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế theo đơn khởi kiện của ông Hùng.
HĐXX nhận định bà Huệ (bị đơn, vợ ông Thịnh) chung sống với ông Thịnh từ năm 1966 trên mảnh đất - nhà nói trên. Khi cha mẹ ông Thịnh chết, bà Huệ quản lý tài sản này vì ông Thịnh đi làm ăn.
Năm 1994, vợ chồng ông Thịnh - bà Huệ ly hôn nhưng bà Huệ vẫn sinh sống trên đất - nhà này cho đến nay. Do đó, cần tính công sức giữ gìn tài sản, sửa chữa nhà… Bà Huệ không có nhà nào khác để ở nên có căn cứ chia cho bà Huệ là 30% giá trị đất tương đương 137m2. HĐXX đã tuyên chia cho bà Huệ 137m2 đất.
Đối với 5 người con được ông Thịnh chia tài sản đã nêu tên trong di chúc, HĐXX tuyên: Mỗi người được quyền sử dụng diện tích đất là 72,06 m2 (236,3m2:5= 72,06m2) tương đương 1,8m chiều ngang, chiều dài hết khu đất.
Nhận định về bản án, luật sư Nguyễn Văn Tòng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, bản án có quá nhiều bất thường.
"Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc xét xử vụ án dân sự, là phải xét xử dựa trên yêu cầu của đương sự, yêu cầu tới đâu giải quyết tới đó. Bị đơn trong vụ án này là bà Nguyễn Thị Huệ hoàn toàn không có yêu cầu tính công sức giữ gìn bằng cách chia đất, không đưa ra yêu cầu được chia tỷ lệ bao nhiêu. Nhưng tòa án lại tự ý cắt 30% diện tích đất cho bà Huệ, điều này vi phạm nghiêm trọng Điều 4 BLTTDS năm 2015. Từ đó bản án có thể bị hủy, bị sửa", luật sư Tòng nói.
Luật sư Tòng phân tích tiếp, HĐXX đã cắt 30% diện tích đất của những người được thừa kế theo di chúc, mà không dựa trên bất kỳ một điều luật nào. Trong toàn bộ bản án họ không viện dẫn được bất kỳ quy định nào để được quyền cắt đất.
Trong khi việc tính công sức giữ gìn (nếu có) hoàn toàn có thể được tính bằng tiền (dựa trên quy định về ngày công lao động). Những người thừa kế di sản theo di chúc cũng không phải là những người mất khả năng chi trả, để phải bị cắt đất.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
TAND tỉnh Bình Dương đã thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm
Không đồng ý với bản án trên ông Phạm Mạnh Hùng đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Giáo. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan (5 người con của ông Thịnh được chi thừa kế theo di chúc) cũng nộp đơn kháng cáo một phần bản án nói trên. TAND tỉnh Bình Dương đã có thông báo thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm.