DNHN – Bằng cái tên nghe rất tầm cỡ, Học viện thẩm mỹ quốc tế Spady mời chào đào tạo các khóa học thẩm mỹ xâm lấn cơ thể. Hứa hẹn về việc học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ được cấp “chứng chỉ hành nghề”. Dư luận đặt câu hỏi rằng ai là người “chống lưng” cho cơ sở đào tạo này hoạt động trái quy định bấy lâu nay?
Quảng cáo đào tạo cấp chứng chỉ rầm rộ
Nắm bắt được nhu cầu của xã hội khi ngành thẩm mỹ trở thành một nghề “hái ra tiền”, một số doanh nghiệp đã vì lợi nhuận bất chấp quy định pháp luật, làm giàu bằng việc lừa dối chính các học viên của mình. Vì doanh thu khủng, các doanh nhân khoác lên mình danh xưng các giáo viên đào tạo thẩm mỹ, biến doanh nghiệp của mình trở thành cơ sở giáo dục, mà thực chất là các trung tâm đào tạo thẩm mỹ trái phép. Câu chuyện “giáo dục” trở thành “phi giáo dục”, bởi từ chính những gian dối có hệ thống ở những khóa học của những “giảng viên” dỏm này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Học viện thẩm mỹ quốc tế Spady thuộc Công ty Cổ phần Đào tạo Spady Academy có địa chỉ trụ sở tại số 3 Nguyễn Thị Thập, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7, Tp HCM do bà Trần Thị Hải Quyên là đại diện pháp luật.
Hình ảnh quảng cáo đào tạo tiêm thẩm mỹ của Spady?
Học viện này được giới thiệu gồm rất nhiều chi nhánh, các chi nhánh có nội dung đào tạo giống nhau. Trong đó, tại TP HCM tồn tại 02 cơ sở đào tạo tại địa chỉ: 99 Nguyễn Thị Thập, Khu Cityland Riverside, phường Tân Thuận, Quận 7 và số 3 Nguyễn Thị Thập, Khu Himlam, phường Tân Hưng, quận 7. Ngoài ra, Học viện này còn “vươn xa” với các địa chỉ dạy học được giới thiệu tại 82- 84 Đường Lý Thái Tổ, phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ và 119 Đường A4, KĐT VCN Phước Hải, TP. Nha Trang.
Đáng nói, Học viện thẩm mỹ quốc tế Spady tuyển sinh rầm rộ, quảng cáo và mời chào học viên với hàng loạt các khóa học: khoá học tiêm filler, sơ cấp y tế, giảm béo, khoá học nâng cơ, khoá học trẻ hoá da, khoá học điêu khắc sợi Hair Stroke, khoá học điêu khắc sợ bóng mờ, khoá học thẩm mỹ da chuyên nghiệp,… với giá học phí “trên trời”.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra, người tự xưng là nhân viên tư vấn của Học viện thừa nhận với phóng viên về việc hệ thống dạy nghề này đang cung cấp rất nhiều các khóa học thẩm mỹ xâm lấn cơ thể con người từ laser, phi kim, lăn kim, tiêm căng bóng cho đến tạo hình thẩm mỹ như tiêm filler, bottox. Nhân sự này còn khẳng định rằng Học viện Spady sẽ cấp cho học viên “chứng chỉ hành nghề” và liên tục thông tin chứng chỉ hành nghề do Spady cấp được cơ quan Nhà nước công nhận và được phép lưu hành trên toàn quốc.
Thông tin quảng cáo rầm rộ, rất nhiều học viên tham gia các khóa của Spady?
Cụ thể, người này phân tích rất rõ cho chúng tôi về việc cấp chứng chỉ hành nghề tại cơ sở Spady. Theo đó, học viên khi tham gia khóa học nào sẽ nhận được chứng chỉ hành nghề của khóa chuyên môn đó: “Em học về nâng cao thì học viện sẽ cung cấp cho em các chứng chỉ về skincare, em học về phần tiêm filler, bottox thì học viện sẽ cung cấp chứng chỉ tiêm filler, bottox”.
Không dừng lại ở đó, những lời khẳng định của nhân sự này khiến chúng tôi “choáng váng” khi cho rằng các chứng chỉ hành nghề này do chủ Học viện Spady xác thực năng lực của học viên và học viên “nghiễm nhiên” sẽ có quyền thực hiện các dịch vụ mà mình đã học, kể cả các khóa học xâm lấn? Ngoài ra, theo lời nhân sự này, chứng chỉ hành nghề do Spady cung cấp có giá trị rất lớn bởi nó là của mình và hoàn toàn hợp pháp, hoàn toàn hợp lệ.
Dối trá để moi tiền học viên?
Theo những lời chắc như đinh đóng cột mà “nhân sự tuyển sinh” trao đổi, các học viên sẽ cầm chắc trong tay các chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hợp pháp sau khi hoàn thành các khóa học tại Spady, kể cả những khóa học có tính chất xâm lấn cơ thể.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho các cơ sở đào tạo nghề dạy các dịch vụ có xâm lấn như tiêm filler, tạo hình thẩm mỹ… Do vậy những học viên học tại các cơ sở tư nhân không được cấp phép, sau khi học xong cũng không đủ điều kiện được hành nghề các dịch vụ như vậy.
Một khóa đào tạo tại cơ sở này có giá từ 15 triệu cho tới 150 triệu đồng, đây là con số “khủng”, khóa học được Spady mở tuyển thường xuyên?
Theo tìm hiểu, hiện tại chỉ có một số bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện Trung ương có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ mới được phép đào tạo những nội dung này.
Dư luận đặt ra câu hỏi lớn về những khóa học xâm lấn đang được tiến hành quảng cáo, tuyển sinh tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Rốt cuộc quyền hạn của Spady lớn đến đâu khi tư vấn và khẳng định sẽ cấp chứng chỉ hành nghề sau các khóa học xâm lấn cho học viên? Bộ Y tế đã cấp phép cho hệ thống dạy nghề Spady thực hiện các khóa đào tạo liên quan đến tạo hình thẩm mỹ, lăn kim, phi kim, laser hay chưa? Nếu chưa được cấp phép thì phải chăng Học viện thẩm mỹ quốc tế Spady đang vì lợi nhuận mà bất chấp dối trá học viên, qua mặt cơ quan chính quyền, làm thay chức năng của Bộ Y tế?
Cơ sở Spady được giới thiệu hoành tráng
Để rộng đường dư luận, phóng viên có làm việc với Sở LĐTB&XH Thành phố HCM. Đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, trong danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành nghề thẩm mỹ mà Sở đang quản lý, không hề có tên và địa chỉ đăng ký đào tạo thuộc Học viện quốc tế Spady.
Câu hỏi đặt ra là liệu có sự “chống lưng” cho một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với nhiều chi nhánh hoạt động rầm rộ, thu tiền khách hàng khi không được cấp phép? Bao nhiêu học viên bị lừa dối và đặt niềm tin sai chỗ? Doanh nghiệp đào tạo chui đã và sẽ cho ra lò bao nhiêu “bác sĩ dởm”, khi mà các vụ tai biến thẩm mỹ khủng khiếp xuất hiện ngày càng nhiều?
Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.