Hoa Sen (HSG): Đại gia Lê Phước Vũ tham vọng kinh doanh lãi 500 tỷ đồng trong năm 2024, "buông tay" đất vàng Yên Bái

01/03/2024 07:28

Kế hoạch kinh doanh 2023 - 2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) đưa ra 2 kịch bản, trong đó tham vọng lợi nhuận tối thiểu sau thuế là 400 tỷ đồng, cao nhất tới 500 tỷ đồng. Riêng ở mảng bất động sản khi vừa trở lại đường đua đã vội bán dự án đất vàng tại Yên Bái.

Kế hoạch kinh doanh táo bạo

HSG vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ niên độ tài chính (NĐTC) 2023 - 2024 với nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý, về kế hoạch kinh doanh, về kế hoạch kinh doanh, trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024), HSG lên hai kịch bản. HĐQT đưa ra 2 kịch bản: Kịch bản 1 với sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.

Kịch bản 2, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần so với thực hiện trong niên độ 2022 - 2023.

screenshot-33-170909191476550921462-1709252830.jpg

Nguồn: HSG.

Tại phiên họp cổ đông sắp tới, Hoa Sen cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức cho niên độ 2022 - 2023 với tỉ lệ 5% bằng tiền mặt, sử dụng nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến ngày 30/9/2023.

Công ty cũng trình cổ đông thông qua chủ trương tái cấu trúc, chuyên môn hóa mảng sản xuất kinh doanh ống thép.Theo đó, CTCP Nhựa Hoa Sen sau khi nhận chuyển giao mảng sản xuất kinh doanh nhựa đã đi vào hoạt động hiệu quả, cho thấy tính chủ động cao trong công tác quản trị - điều hành đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa.

Trong tương lai, CTCP Nhựa Hoa Sen có kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Vì vậy, tập đoàn trình cổ đông xem xét chuyển đổi Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ thành CTCP Ống thép Hoa Sen do tập đoàn mẹ sở hữu 99% vốn điều lệ. Đơn vị sẽ tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép, thời gian và lộ trình triển khai dự kiến 1-5 năm.

Sau khi CTCP Ống thép Hoa Sen hoàn tất việc tiếp nhận mảng sản xuất ống thép và đi vào hoạt động ổn định, có lợi nhuận, công ty sẽ trình cổ đông xem xét thông qua phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết.

Vừa quay lại đường đua đã gấp rút chuyển nhượng dự án?

Như trước đó Reatimes đã đưa tin, HSG là một trong những doanh nghiệp "ngoại đạo" đang có tham vọng lấn sân thị trường bất động sản trong năm 2024. Cụ thể, HĐQT HSG mới đây thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác.

Công ty mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22 - 24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức, TPHCM). Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024. Trong trường hợp các cổ đông khác của Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, phía tập đoàn sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông tại ngân hàng. Các cổ đông có nghĩa vụ trả gốc và lãi (nếu tạm ứng) hoặc trả lãi và các chi phí liên quan đến khoản vay tại ngân hàng (nếu được tập đoàn bảo lãnh khoản vay).

Tuy nhiên, Tài liệu họp của Hoa Sen cũng tiết lộ rằng trong NĐTC 2022 – 2023, HĐQT đã bàn bạc, thống nhất chủ trương xúc tiến, tìm kiếm đối tác có nhu cầu để chuyển nhượng Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái.

Dự án này có diện tích 0,96ha do CTCP Hoa Sen Yên Bái - công ty con của HSG làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 5/2016.

Dự án được định hướng xây dựng gồm hai thành phần. Trong đó, tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện được thực hiện trên lô đất hơn 5.585 m2 do UBND tỉnh Yên Bái cho thuê đất.

Khu vực nhà phố thương mại được thực hiện trên lô đất hơn 4.090 m2 do UBND tỉnh Yên Bái giao đất. Phần đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017.

Tính đến cuối năm 2023, CTCP Hoa Sen Yên Bái có vốn điều lệ 340 tỷ đồng, do Tập đoàn Hoa Sen sở hữu 95,96% vốn điều lệ. Chi phí xây dựng dự án Hoa Sen Yên Bái được ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hoa Sen gần 386 tỷ đồng.

Trước khi công bố kế hoạch góp vốn vào CTCP Hoa Sen Sài Gòn vào cuối năm ngoái, CTCP Hoa Sen Yên Bái là đơn vị thành viên cuối cùng của Tập đoàn Hoa Sen tham gia đầu tư bất động sản.

Như vậy, việc chuyển nhượng dự án bất động sản rồi lại góp vốn thành lập một công ty bất động sản mới, trong bối cảnh ngành kinh doanh cốt lõi của công ty còn đang khó khăn, lợi nhuận sụt giảm khiến dư luận đặt ra những nghi ngờ: "Liệu rằng, kịch bản vết xe đổ trước đó của HSG có lặp lại? HSG sẽ lại nhanh chóng thất bại với mảng bất động sản và bỏ dở tham vọng của mình?"

Phiên giao dịch sáng 28/2, cổ phiếu HSG đang giao dịch quanh ngưỡng giá 22.90 đồng/cp.

Bạn đang đọc bài viết "Hoa Sen (HSG): Đại gia Lê Phước Vũ tham vọng kinh doanh lãi 500 tỷ đồng trong năm 2024, "buông tay" đất vàng Yên Bái" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.